Trang

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Tổ ấm của đàn ông

Nhà văn Trang Hạ.

Cuối năm, một anh bạn thân mời tôi tới nhà ăn cơm. Anh nói, thường anh không bao giờ mời bạn bè đồng nghiệp là nữ tới nhà chơi, vì vợ anh rất ghen tuông. Nhưng tôi là biệt lệ.
Tôi rất ngạc nhiên khi vừa mở cửa bước vào nhà, tôi đã đi ngay vào gian bếp của nhà anh. Bếp núc ngăn nắp sạch sẽ, bày biện gian bếp có thẩm mỹ. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ gặp một căn hộ nào mà thiết kế bếp ở ngay nơi cửa ra vào. Và khi mở cửa, bạn cởi giày tất ra để trên sàn bếp, rồi đi xuyên qua gian bếp mới vào đến phòng khách.

Anh bạn tôi nói, người thiết kế căn hộ cũng đã bàn bạc với chủ nhà mãi mới cho ra thiết kế nội thất này. Một phần vì diện tích căn hộ vài chục mét vuông nhưng đã ưu tiên phá hai gian để làm thành một phòng khách rất rộng, có quầy bar và khoảng sinh hoạt trẻ em. Một phần nữa là bởi không thể bớt một phòng ngủ để làm bếp, dù chỉ có hai vợ chồng và một đứa con nhỏ, anh vẫn muốn duy trì ba phòng ngủ độc lập. Ít nhất, để hai vợ chồng chỉ ngủ cùng nhau những lúc muốn ngủ bên nhau, chứ không phải chỉ vì… nhà có một giường đôi.

Bạn tôi nói, nếu ở nhà thành phố chật chội, có những nhà chỉ chục mét vuông sàn, thì có khi tầng một là nhà bếp và máy giặt, tầng hai là phòng ngủ và tivi, tiếp khách; tầng ba là chỗ trẻ con. Thế thì dù họ không cố ý, khách bước vào cũng vẫn bước chân vào căn bếp và phần công trình phụ ngay còn gì!
Tôi thắc mắc, bếp núc là của đàn bà con gái, vậy có bao giờ anh thấy bất tiện khi luôn phải đi qua “lãnh địa” của vợ trước khi vào được nhà? Anh bạn tôi nói, bếp là lãnh địa của anh. Anh thích nấu ăn cho cả nhà, anh thích đi chợ, đi siêu thị mua sắm cùng vợ. Và anh nói, chút nữa tôi sẽ nấu ăn cho bạn xem.
Đàn ông thế này, thảo nào bà vợ luôn ghen tuông sợ mất?

Tôi nhớ những lời chỉ dạy từ thời còn thiếu nữ, rằng sau này nếu lấy chồng, đi mua bát phở cho chồng nhớ mang theo vung đậy kín, vừa khỏi bụi vừa nữ tính đảm đang. Rằng nhìn gian bếp thấy người đàn bà, đàn ông chỉ xây nhà còn đàn bà phải xây tổ ấm. Hồi đó, tôi chỉ cắc cớ nghĩ thầm, thế chả hóa ra, ông chồng cứ có tiền mua một căn nhà, xong là có quyền đi đêm về hôm, về nhà nằm khểnh chờ cơm bưng nước rót, cả đời có người hầu hạ và chăm lo cho ông một gia đình đầm ấm, con ngoan, nhà sạch?

Thật thú vị là, những quảng cáo bột nêm ở nước ngoài là hình ảnh người đàn ông nấu cho người mình yêu ăn món ngon, nấu canh cho vợ con hạnh phúc bên món mới. Còn quảng cáo bột nêm ở Việt Nam thì ngược lại, luôn là bà vợ nấu cơm canh thật ngon và ông chồng chỉ phải vác mồm ngồi chờ. Và hạnh phúc của cô nàng quảng cáo là ông chồng ăn xong, gật đầu một cái, là nàng sướng rơn như được trao chứng nhận hạnh phúc của tổ ấm!

Tôi nhận ra tổ ấm nóng lạnh có nhiều khi phải bởi chồng. Nếu đàn ông xây xong nhà, không hề nghĩ tới việc cùng vợ chung tay chia sẻ gánh vác việc xây tổ ấm, tôi sợ, cái tổ ấm ấy có lẽ lệch như thể đũa gắp một chiếc.

Đôi khi tâm lý xã hội đã dồn cho phụ nữ những trách nhiệm đáng lẽ chia đều cho cả hai vợ chồng, nếu họ thực sự muốn chung tay xây dựng một cuộc sống chung đôi hạnh phúc. Ví dụ như, những cửa hiệu dọc phố chỉ bán đồ “mẹ và bé” chứ không ai định kinh doanh theo hướng “bố và bé”, dù con là con chung. Những bài hát thiếu nhi tiếng Anh mới có chuyện khi hỏi về những công việc của đôi tay, thì “My dad’s hands are washing dishes” – tay bố đang rửa bát đĩa. Sách giáo khoa Việt Nam thì minh họa đàn ông đang làm những việc danh giá như cảnh sát, giáo sư, chỉ huy, và phụ nữ làm những nghề như bán hàng vặt, nuôi trồng cấy hái vất vả.

Nên chúng ta luôn thấy, người đàn ông rửa bát thật kỳ. Người đàn ông đi chợ nấu cơm hiếm. Và người đàn ông tự hào về gian bếp càng hiếm hoi hơn, như anh bạn tôi.
Anh nói, nếu bảo chỉ đàn bà mới có quyền và có khả năng xây tổ ấm, thì chính là một cách kỳ thị đàn ông. Chúng tôi có bị thiểu năng đâu, chúng tôi khối tài lẻ và chúng tôi cũng yêu gia đình chẳng kém các bà vợ!

Tôi nghĩ, chắc phải còn rất lâu nữa, khi những cái địu trẻ sơ sinh được quảng cáo bằng hình bố địu con, những chương trình truyền hình “Bà nội trợ thông thái” được đổi tên thành “Người nội trợ thông thái”, hoặc xã hội xuất hiện tầng lớp thanh niên tiến bộ có khái niệm “ông nội trợ” thay bà nội trợ, may ra cái kỳ thị giới tính mà anh bạn tôi đắn đo kia mới dần dần biến mất.

Đàn ông, càng giỏi giang càng hoàn hảo, sẽ càng có khả năng khiến những người phụ nữ ở bên họ hạnh phúc, không phải vậy sao?

3 nhận xét:

Bánh mướt-Bắc Kỳ nói...

Tui đọc xong, ngồi đần mặt ngẫm nghĩ. Nghĩ mãi, nghĩ mãi, nghĩ mãi... mà không biết Cù rờ cù rận đăng entry ni có ý chi? Nói để nịnh vợ thì e nỏ phải?

Cù Rờ Cù Rận nói...

Đăng cái entry này thực ra chẳng nịnh ai cả và cũng chẳng có ý chi chỉ khoái có mấy đoạn trong bài này như:

"...Một phần nữa là bởi không thể bớt một phòng ngủ để làm bếp, dù chỉ có hai vợ chồng và một đứa con nhỏ, anh vẫn muốn duy trì ba phòng ngủ độc lập. Ít nhất, để hai vợ chồng chỉ ngủ cùng nhau những lúc muốn ngủ bên nhau, chứ không phải chỉ vì… nhà có một giường đôi."

Đoạn này miễn bàn vì quá hay và quá đúng.

Thêm đoạn nữa:
" Anh bạn tôi nói, bếp là lãnh địa của anh. Anh thích nấu ăn cho cả nhà, anh thích đi chợ, đi siêu thị mua sắm cùng vợ. Và anh nói, chút nữa tôi sẽ nấu ăn cho bạn xem.
Đàn ông thế này, thảo nào bà vợ luôn ghen tuông sợ mất?"

Tự nghĩ rằng đàn bà mà cứ thấy đàn ông coi bếp là lãnh địa của mình thì mất chồng là như chơi. Sự lười nhác của chồng trong chuyện bếp núc lại là một sự đảm bảo vô hình và cần thiết cho những bà vợ. Đôi khi sự lười nhác lại là con đường dẫn đến hạnh phúc. Anh em mềnh cứ thế phát huy.

Và cảm thấy rất thích thú vì người viết phát hiện được những thói quen, tâm lý của người Á Đông qua từng thước phim quảng cáo, những cái biển hiệu trên các cửa hàng... Một điều sẽ khó thay đổi khi nó đã thành nét văn hóa... Hè hề thì rùi anh em mình sẽ vẫn là người hưởng lợi chơ sao mà phải nghĩ mãi nghĩ mãi nhể. Cứ ra đường làm chỉ huy, cảnh sát... oai như cóc và tối về nhà thì nằm khểnh ra "vác mồm" chờ vợ nấu xong là đánh chén. Sướng rứa còn chi mà ngẩn ra nữa bây...

"...hạnh phúc của cô nàng quảng cáo là ông chồng ăn xong, gật đầu một cái, là nàng sướng rơn như được trao chứng nhận hạnh phúc của tổ ấm!"

Bánh mướt-Bắc Kỳ nói...

Hay!!!
Bài ni để cả bài thì "khó hiểu", nhưng phân tích từng đoạn như Cù rờ cù rận thì hay thật, hay thật, hay thật!
"Đôi khi sự lười nhác lại là con đường dẫn đến hạnh phúc". Tui thì thấy sự lười nhác hoàn toàn của bản thân tui đảm bảo hạnh phúc hiện nay của gia đình tui (Sau ni thì nỏ biết ra răng...).
Bố đẻ tui cũng rứa. Bố vợ tui thì càng rứa. Ông nói: "Tài năng nhất của cha là biết dùng người"(???).