19/3/2012.
Chùa Vạn Đức có chánh điện và bức phù điêu Bồ Đề cao nhất VN |
Sự
thành kính của những người đến đây làm mình tự thấy kỳ kỳ và kiếm đường out vì
trông mình thật lạc loài và chẳng giống ai. Điều gì làm họ có thể phủ phục dưới
sàn kia, họ mong ước điều gì hay chỉ là một nơi được ngừng lại để lắng nghe
lòng mình… Người bạn đi cùng nói hầu hết những người đến đây đã từng gặp những
điều trắc trở trong cuộc sống và cần một nơi để giải thoát, nương nhờ về mặt tinh
thần nhằm xóa đi những khổ đau đang đọa đày họ trong cuộc sống thường nhật.
Khổ
đau là một điều mà gần như luôn song hành cùng ta trong suốt cuộc đời bởi khi chúng ta không còn khổ
đau thì có nghĩa là ta đã đến được với cõi Niết Bàn. Giáo lý nhà Phật đã nói
thế nhưng đó lại là điều không tưởng và con người chỉ có thể coi đó như là cái
đích để luôn hướng đến trong cuộc trường chinh thoát khỏi khổ đau mà thôi. Đôi
khi ai đó chìm trong buồn khổ, ta đến bên động viên an ủi nhưng chẳng biết nói
gì hơn ngoài những ly rượu đầy, những lời ngớ ngẩn và thậm chí còn khóc theo
những buồn đau cùng họ. Những lúc đó ta tự thấy rằng hạnh phúc chẳng được bao nhiêu, đôi khi
chỉ là sự thoáng qua dù ta cố gắng gìn giữ vun vén; còn khổ đau thì luôn đeo
đẳng mình, đày đọa mình dù đã muôn lần chối bỏ, chạy trốn, xua đuổi nó… (Cái này mình vẫn thường gọi là: Khổ-A-Ri...)
Ta
sẽ phải trả lời ra sao khi được hỏi hãy giúp tôi thoát khỏi sự tột cùng đau khổ
này. Câm lặng là câu trả lời bởi chính bản thân ta cũng không biết phải bắt đầu
từ đâu và như thế nào dù ta là người đang ở ngoài cuộc để nhìn vào đau khổ của
họ. Mình nhớ loáng thoáng được trong giáo lý của đạo Phật rằng khổ đau đều sinh
ra từ “xúc” và “ái”. Khi tiếp xúc (xúc) với điều gì đó ta thấy thích thú và đem
lòng yêu mến (ái), có được nó (thủ) rồi từ đó muốn chiếm hữu (hữu) lấy nó làm của riêng ta. Khi
mất đi những thứ ta ham mê yêu quý, sở hữu thì lập tức sinh ra muộn phiền nuối tiếc vì
không còn cảm giác được vui sướng như khi còn nó, vậy là sinh ra tan nát, khổ đau. Vậy
nên Phật nói rằng để tránh xa được “ái”, nơi bắt nguồn của khổ đau thì hãy nhớ
"cái này không phải là ta, cái này không phải của ta" để rồi hoại
diệt “ái”. Nói vậy nhưng để thực hiện được điều đó quả là không dễ bởi con
người mà không có tham-sân-si thì chẳng còn là con người nữa. Đã sinh ra trên
cõi đời này ta vẫn cứ phải yêu để được hạnh phúc vui sướng rồi lại phải nếm mùi nuối tiếc, khổ đau khi để vuột mất nó và khát khao
hy vọng, mong muốn rằng một ngày nào đó và bằng cách nào đó ta sẽ tìm lại được những gì đã mất… Khổ chưa.
Nếu
giờ đây ai đó có hỏi mình lần nữa thì mình sẽ nói rằng chẳng ai có thể giải thoát khổ đau cho
ta ngoài ta cả. Hãy biết chấp nhận, đối mặt với những khổ đau của cuộc đời lúc đó
sẽ nhìn thấy mình thật đáng yêu, vĩ đại và sẽ thấy vui thú để sống giữa cuộc đời mênh mang này.
Phải "chấp" nó bởi ta không phải là như vậy và những gì mất đi mà ta từng hằng tưởng của riêng
mình, điều đã mang lại cho ta hạnh phúc, sướng vui trong quá khứ thì thực ra cũng chẳng phải của mình và cũng chẳng nên hoài công cầu mong tìm
kiếm lại nó mà làm gì… . Phải biết yêu mình và yêu cuộc sống tươi đẹp này. Mình nhớ trong "Thép đã tôi thế đấy" Paven đã từng nói "Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời
người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những
năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và
hèn đớn của mình ....".
Càng
viết càng thấy mình ngu ngu, lẩn quẩn và vòng vo cũng như những ý nghĩ lộn xộn trong đầu nhưng cũng trút nhẹ đi được
phần nào bởi có ngộ ra được vài điều về cuộc sống. Hic! Khổ-A-Ri-Nà...!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét