Phan Hồng Giang
Khóm Phúc bồn tử |
Truyện Sêkhốp là một cuốn sách như thế; tôi vẫn thỉnh thoảng tìm đọc lại những trang văn của nhà văn Nga này để rồi thêm một lần khâm phục văn tài , nhân cách của ông…
Không thể nói về nhiều tác phẩm của ông. Chỉ xin dừng lại ở một truyện ngắn nổi tiếng: truyện “Khóm phúc bồn tử” ra đời từ cuối thế kỷ 19.
Truyện là lời kể của bác sĩ thú y Ivan Ivanứt, một người bạn của tác giả. Ivan có người anh là Nhicôlai, một viên chức xoàng ở Sở thuế vụ. Suốt đời, Nhicôlai chỉ mơ ước tậu được một trang trại riêng, ở đấy thế nào cũng phải trồng một khóm phúc bồn tử. Nhicôlai nhịn ăn, nhịn mặc, dành dụm từng xu, từng đồng lương trong hàng chục năm liền và cuối cùng đã toại nguyện. An nhàn nhấm nháp cái thú làm chủ một trang trại, anh ta phát phì ra, các đường nét trên mặt đều chảy xệ xuống: Trong trang trại của anh ta, người đầu bếp cũng chậm chạp, nặng nề, cả con chó giữ nhà cũng béo tròn như con lợn.
Ivan đến thăm anh và được mời ăn những trái phúc bồn tử vừa hái trong vườn nhà. Nhicôlai nhai vội vàng, ngấu nghiến, miệng xuýt xoa: – Chà, ngon tuyệt, ngon tuyệt! Em thử nếm mà xem!
Phúc bồn tử (loại đen) |
Chúng ta như được đọc những dòng suy nghĩ tiếp của Sêkhốp qua lời tự bạch của bác sĩ Ivan.
“Không hiểu vì đâu, những ý nghĩ của tôi về hạnh phúc con người bao giờ cũng pha lẫn buồn rầu, và đến lúc này, khi trông thấy một con người thỏa mãn, hạnh phúc, một cảm giác nặng nề gần như tuyệt vọng choán cả lòng tôi. Tôi hình dung quả thật đã có quá nhiều những người thỏa mãn hạnh phúc! Đó là cả một sức đè nặng ghê gớm! Anh hãy thử nhìn lên cuộc đời này: sự đê tiện và nhàn hạ của những kẻ có quyền thế; sự dốt nát và bị dày vò như súc vật của những kẻ yếu, đâu đâu cũng thấy cảnh nghèo khổ đến cùng cực, chật chội, tha hóa, rượu chè, nghiện ngập, đạo đức giả, dối trá. Thế mà trong khắp mọi nhà và trên đường phố, đều thấy lặng lẽ, bình yên: trong số 50 nghìn người sống ở thành phố này, không một ai thét to lên, bày tỏ sự phẫn nộ !Tất cả đều bình yên, lặng lẽ, chỉ có con số thống kê câm là biết phản đối : bao nhiêu người phát điên, bao nhiêu thùng rượu đã uống cạn, bao nhiêu đứa trẻ đã bị chết yểu. Một thứ trật tự như vậy chắc là cần phải có, chắc là người tốt số cảm thấy hạnh phúc chỉ vì những kẻ bất hạnh âm thầm chịu đựng.”
“Sáng sớm hôm ấy, tôi rời nhà người anh, và từ đó tôi không thể nào sống nổi ở thành phố này được nữa. Sự yên lặng, bình thản chung quanh đè nặng lòng tôi, tôi sợ nhìn những khung cửa sổ; đối với tôi giờ đây không có cảnh tượng nào nặng nề hơn cảnh một gia đình hạnh phúc quây quần bên bàn và uống nước chè”.
Sêkhốp cùng nhân vật của ông đã nghiêm khắc quá chăng? Cái nhìn cuộc đời của ông có cực đoan quá không? Suy cho cùng thì “ngồi quây quần uống nước chè” bên khung cửa sổ sáng ánh đèn đâu phải là phạm tội !? Thế rồi Sêkhốp vẫn bày tỏ sự bất bình. Với ông, “pháp luật chỉ là cái đạo đức tối thiểu“, cái chuẩn đạo đức nhiều lần cao hơn mà lương tâm nhà văn đòi hỏi phải là sự đồng cảm sâu xa với nỗi đau của đồng loại, là phá bỏ sự vô cảm, phá bỏ cái im lặng – “đồng lõa với cái ác” đang ngự trị trong xã hội Sa hoàng.
Chỉ qua thiên truyện ngắn này ta đã thấy hiển hiện nhân cách lớn lao của nhà văn Sêkhốp.
***
Xã hội ta hôm nay tất nhiên khác xa thời Sêkhốp sống. Nhưng không thể nói chung quanh chúng ta không còn những điều gây bức xúc, đau lòng. Không xa những sân golf sang trọng, thảm cỏ xanh mỡ màng, là những dãy nhà ổ chuột xác xơ trên kênh rạch đen ngòm, hôi thối. Người nông dân mất đất, tiêu hết tiền đền bù, tuyệt vọng không biết sẽ tiếp tục kiếm kế sinh nhai bằng cách gì đây. Kẻ lo sắm xế hộp bạc tỷ, người lo chạy ăn từng bữa cơm độn khoai. Chó becgiê của một “đại gia” đã cắn xé đến chết một phụ nữ nghèo đi mót cà phê trước sự vô cảm của nhiều người có trách nhiệm. Các cháu nữ sinh vị thành niên trở thành nạn nhân mua vui cho các bậc mày râu tai to mặt lớn và rồi lại phải chịu án tù. Những ngư dân bám biển mưu sinh bị đánh đập, cướp bóc, xua đuổi ngay trên vùng lãnh hải của nước mình. Biển khơi, đảo xa cùng những cánh rừng biên ải đã và đang bị người “nước lạ” chiếm đoạt, dòm ngó… Những đứa trẻ đến trường, đánh cược với mạng sống, đu dây qua dòng sông chảy xiết, trong khi nhiều dự án viển vông ngốn cả núi tiền vẫn đang được hăm hở vẽ ra. Bệnh viện la liệt bệnh nhân, 2-3-4 người xếp chung một giừơng; và không ít người trong số họ sẽ bị trả về nhà chờ chết chỉ vì ví đã lép kẹp, không còn tiền chữa trị. Trường ốc thiếu hụt, phụ huynh phải thức trắng đêm, chen chúc xếp hàng cố giành giật cho con mình một xuất học mầm non!
Và thế rồi trống vẫn dong, cờ vẫn mở, lễ hội vẫn tưng bừng, đua nhau nói những lời có cánh, tán tụng nhau, trao huân chương cho nhau!… Nơi này nơi khác, người dân vẫn còn chưa “dám mở miệng ra” mà nói lên những bức xúc oan ức của mình…
Và thế rồi trống vẫn dong, cờ vẫn mở, lễ hội vẫn tưng bừng, đua nhau nói những lời có cánh, tán tụng nhau, trao huân chương cho nhau!… Nơi này nơi khác, người dân vẫn còn chưa “dám mở miệng ra” mà nói lên những bức xúc oan ức của mình…
………….../.
(Theo viet-studies, trích & tựa đề do Ruoucai đặt)
(Theo viet-studies, trích & tựa đề do Ruoucai đặt)
1 nhận xét:
Nếu Sê-khôp mà sống lại ở thời này chắc sẽ có nhiều đề tài, "nhiều chuyện vặt vãnh" để viết hơn nữa.
Đăng nhận xét