Trang

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Mặt nào cho em

Cù Rờ Cù Rận, 12/9/2012.

Sáng trong lành trên sông Sài Gòn
Sáng nay nhâm nhi cà phê sáng đầu tuần bên bờ sông Sài Gòn, lòng nhẹ bâng bởi cái sự yên bình đến không ngờ của dòng sông buổi sáng. Nhưng cái cảm giác được yên tĩnh để suy tư không được bao lâu bởi một đôi vào ngồi ngay gần bàn. Thật khó chịu và bực bội vì bị che khuất tầm nhìn và làm mất đi sự yên tĩnh cái không gian mình đang mơ màng này. Mình đã chọn cái bàn có góc nhìn ra sông qua mấy cây Gừa đang nghiêng mình soi bóng xuống mặt sông và thả lòng thòng mấy cái rễ phất phơ trong gió y như tâm trạng của mình sáng nay, vậy mà hai đứa oắt con này làm hỏng hết cả một buổi sáng đẹp trời. 

Hai đưa ríu ra ríu rít nói chuyện gì đó làm mình không còn yên tĩnh được nữa và bắt đầu ngọ nguậy tìm cái gì đó để chú tâm hơn. Cuối cùng sự ngọ nguậy của mình cũng chẳng đi được đâu xa mà đành dừng lại trên khuôn mặt của cô bé nãy giờ đang làm mình khó chịu. Có cái gì là lạ ở đó, trên khuôn mặt của nàng làm mình mê mẩn. Cái khuôn mặt chả có gì nổi bật nhưng hết sức sống động và rạng rỡ. Những ánh nắng ban mai xuyên qua tầng lá cây Gừa dọi xuống mặt nước và phản chiếu lên mặt nàng làm khuôn mặt như đang tỏa sáng. Mình như bị hút hồn vào cái khuôn mặt ấy, không dám chớp mắt vì chỉ sợ nó sẽ biến mất cái khoảnh khắc xinh tươi vào một buổi sáng trong lành như thế này.

Nàng vẫn cười nói như không rồi thi thoàng liếc ngang qua mình nhưng chẳng thèm để ý. Lòng mình thấy rộn ràng bởi cái cách nàng nheo nheo mắt khi nói chuyện, không biết do chói nắng hay là do nàng có tật nheo mắt nữa, nhưng gì thì gì cái cử chỉ ấy vẫn thật đáng yêu. Cái miệng nàng rộng mỗi khi cười nó ngoác ra nhìn rất kỳ nhưng bù lại là hàm răng trắng tinh và tiếng cười quá trong vang lên lảnh lót làm cho mọi lo toan đầu tuần và cả sự bực bội hồi nãy trong mình tan biến đi trên mặt sông loang loáng nắng ...

Cà phê sáng bên sông SG
Ra về lan  man và ám ảnh mãi bởi cái khuôn mặt tươi sáng ấy. Lại nhớ bữa gặp lão đồng hương ở tiệc tất niên, mình khen vợ lão trẻ đẹp lại tươi và đon đả thế nên việc làm ăn của lão cứ phất như diều. Lão cười khì khì vẻ đắc chí đến phát bực, lão nói em ạ ở quê mình có câu " mặt người bằng mười mặt ruộng" cái mặt vợ anh như thế thì anh mới phát tài được chơ. Mình ghét cái kiểu lão ba hoa, tinh tướng về vợ của lão. Nói thật trong mắt mình vợ lão cũng chỉ xoàng thôi, bố khỉ chỉ được cái nịnh vợ la nhanh, mình chúa ghét cái kiểu ấy. Giờ nghĩ lại có khi lão đúng phần nào, vợ mà cứ mặt như chì thì chán bỏ cha còn lấy đâu ra mà ruộng với nương nữa.

Cứ thế cả sáng nay mình cứ vẩn vơ về cái mặt của con người. Càng nghĩ lại càng thấy nó thật kỳ lạ và biến ảo vô cùng. Cũng khuôn mặt đó đôi khi ta yêu thương hết mực nhưng có lúc lại chỉ muốn đấm vào đó cho nó vêu mỏ lên, lại có khi ta ngắm hoài không chán nhưng có lúc cả tháng chả thèm nhìn vào... Khuôn mặt nó có sức mạnh ghê người vậy mà bấy lâu nay mình chẳng để ý. Thử nghĩ coi có bao nhiêu từ để người ta hình dung so sánh với khuôn mặt nhể. Làm một thống kê nho nhỏ nha:
Mặt đẹp: mặt trái xoan, mặt hoa, mặt xinh, mặt tươi, mặt ...
Mặt trạng thái & màu sắc: mặt yêu, mặt giận, mặt hờn, mặt tủi, mặt cảy, mặt bủng, mặt sửng, mặt dày, mặt trẻo, mặt đỏ, mặt tái (mặt tái mét), mặt xanh, mặt vàng,mặt thâm, mặt ...
Mặt đồ bếp: mặt mâm(đồ mặt mâm), mặt thớt (đồ mặt thớt), mặt mẹt, mặt mủng, mặt nhọ,... 
Mặt động vật: mặt trâu, mặt chó, mặt ngựa, mặt khỉ (nhăn như khỉ), mặt heo, mặt lợn...
Mặt bao cấp: mặt dài như cái bơm, mặt buồn như mất sổ gạo...
Và đôi khi người ta còn nói đến cả loại mặt l... , loại mặt mà người ta hay nói đến ngoài đời thường nhung hình như không có trong từ điển và cũng ít xuất hiện trong sách vở.

Haizaa !... Chỉ mới đếm sơ sơ thôi đã đầy các loại mặt, chắc còn nhiều nữa nhưng chẳng thể nhớ hết nhưng có điều kỳ kỳ là gần như mấy cái mặt đó toàn là mặt xấu mặt xa chả có cái nào đẹp rạng ngời mà không chói lóa như cái mặt mà mình đã gặp sáng nay. Hơi bị thất vọng vì ngôn ngữ Việt, không hiểu sao nó lại kiệm lời, không ưu ái và nâng niu cái mặt đẹp như vậy.

Thị Nở trong phim
Thử lục tìm trong trí nhớ coi trong các tác phẩm văn học mình đã từng xem qua, các nhà văn đã miêu tả những khuôn mặt điển hình ra sao, có cái nào đẹp rạng ngời không. Lẩn quẩn một lúc cũng chỉ nhớ được khuôn mặt Thị Nở của Văn Cao, một khuôn mặt đã thành khuôn mặt kinh điển về cái mặt xấu (chứ không phải đẹp rạng ngời như mình đang muốn nghĩ tới). Thôi thì chép nguyên văn ra đây để bà con đọc lại coi có tìm được cái gì đẹp đẽ ở trên khuôn mặt này không thay vì những nét quái dị và xấu ma chê quỷ hờn như mọi người đã từng nghĩ. 
Bà con cố gắng xem nhé, hãy nhìn ở nhiều góc độ coi có chi chi đẹp trên mặt của ả này không và nhớ comment lại cho chủ quán nha.

Trích tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao:

"Nhưng người đàn bà ấy là thị Nở, một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn. Cái mặt của thị thực là một sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang lớn hơn bề dài, thế mà hai má nó lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu má nó phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng, trên cổ người . Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi: có lẽ vì cố quá cho nên chúng nứt nở như rạn ra . Ðã thế thị lại ăn trầu thuốc, hai môi dày được bồi cho dày thêm một lần, cũng may quết trầu sánh lại, che được cái màu thịt trâu xám ngoách.

Ðã thế những cái răng rất to
lại chìa ra: ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối chữa được một vài phần cho sự xấu . Ðã thế thị lại dở hơi, đó là một ân huệ đặc biệt của Thượng đế chí công: nếu sáng suốt thì người đàn bà ấy sẽ khổ sở ngay từ khi mua cái gương thứ nhứt. Và thị lại nghèo, nếu trái lại, ít nhất đã có một đàn ông khổ sở . Và thị lại là dòng giống của một nhà có mả hủi : cái này khiến không một chàng trai nào phải phân vân. Người ta tránh thị như tránh con vật nào rất tởm.

Ngoài ba mươi tuổi, thị vẫn chưa có chồng. Ở cái làng Vũ-đại này người ta kết bạn từ khi lên tám, và có khi có con từ lúc mười lăm; không ai đợi đến năm hai mươi đẻ đứa con thứ nhất. Cứ nhìn tình hình ấy thì ta nói quách: thị Nở không có chồng. Mà thị cũng không còn ai thân thích, trừ một người cô đã có thể gọi được là già, và đã không chồng như thị . Số trời định thế, để không ai phải trơ trọi trên đời này . Người cô làm thuê cho người đàn bà buôn chuối và trầu không xếp tàu đi Hải Phòng, có khi đi tận Hòn Gai, Cẩm Phả . Còn thị sống bằng những nghề lặt vặt ở làng. 


Hai cô cháu ở trong một cái nhà tre cách vườn của Chí Phèo bởi một con đê; hắn ở ngoài bãi, hai người ở trong xóm. Có lẽ chính vì thế mà thị Nở không sợ cái thằng mà cả làng sợ hắn. Gần gũi lâu cũng sinh quen, mà quen thì ít khi còn sợ . Những người trông coi vườn bách thú thường bảo rằng hổ báo hiền y như mèo . Vả lại có lý nào để thị sợ hắn đâu ? Người ta không ai sợ kẻ khác phạm đến cái xấu, cái nghèo, cái ngẩn ngơ của mình, mà thị lại chỉ có ba cái ấy... Một phần nữa cũng bởi Chí Phèo ít khi ở nhà, mà hắn ở nhà lại hiền lành, ai có thể ác trong khi ngủ ? Hắn chỉ về nhà để ngủ .


Ngày nào thị Nở cũng phải qua vườn nhà hắn hai ba lần, là vì qua vườn nhà hắn có một lối đi nhỏ ra sông; trước kia, cả xóm vẫn dùng cái ngõ ấy để ra sông tắm, giặt hay kín nước. Nhưng từ khi hắn đến người ta thôi dần, tìm một lối khác đi xa hơn. Trừ thị Nở, thì đã bảo thị là người dở hơi, thị không thích làm như kẻ khác. Quá tin ở người, quá tin ở mình liều lĩnh, bướng bỉnh hay có lẽ chỉ không chịu rời thói quen."
Hình tượng Chí Phèo & Thị Nở được thể hiện bằng gốm Bát Tràng
 

Không có nhận xét nào: