Cù Rờ Cù Rận, 29/2/2012
|
Một cổng làng xưa ở vùng quê bắc Việt |
Hình như trong tiềm
thức của mình chưa bao giờ có hình ảnh của cái cổng làng thì phải. Ngày
trước ở xã mình ngay đường vào có bốn cái cột to đùng, hai cái ở giữa
cao còn hai cái hai bên thì thấp. Cũng chả biết nó được xây dựng từ bao
giờ nhưng khi lớn lên đã thấy nó sứt sẹo nham nhở lòi cả ruột là những
cục đá ong và vữa xây bằng vôi. Thi thoảng đọc được ở đâu đó thấy người
ta thường nói đến cổng làng, cây đa, giếng nước ... như là những gì thân
thương yêu quý nhất của quê nhà những lúc đó lại nhớ đến cái cổng nham
nhở năm tháng trên đường vào xã mình. Cái cổng với những cái cột sừng
sững bao lâu nay vẫn nguyên đấy, thậm chí nó chưa bao giờ được tu sửa
chỉnh trang hay thay đổi gì nhiều dù quê mình đã có quá nhiều sự đổi
thay.
Ra
bắc, mình như thấu hiểu hơn những giá trị văn hóa qua từng cái cổng
làng, cổng khu phố. Ở đó có vết tích của thời gian và cả một bề dày
những giá trị văn hóa mà không phải dễ dàng phai nhạt dù đô thị có phát
triển và thay đổi tới đâu. Càng đi về khu vực nông thôn những điều đó
càng thể hiện rõ hơn đến nỗi nó như là một biểu tượng của làng quê bắc
việt. Người đi xa về chỉ mong sao tới được cái cổng đầu làng thì dù chưa
bước đến nhà cũng đã cảm thấy lòng ấm áp như đã về đến nhà rồi vậy.
|
Cổng vào ấp dơn giản ở miền nam |
Vào
nam, vẫn là những cái cổng vào khu phố, vào ấp vào bưng nhưng những cái
cổng ở đây lại đơn giản hơn nhiều như đặc tính của người dân nam bộ.
Cổng chỉ là vài cây thép hàn vào nhau đơn giản và gần như chỉ được sơn
một màu duy nhất, màu xanh. Từ dạo có cái chương trình văn hóa văn hoa
chi đó thì những cái cổng này được trưng lên tấm bảng ghi tên địa danh
đi kèm khẩu hiệu "Ấp/ Khu phố Văn hóa" còn nếu những nơi chưa được văn
hóa thì phải ghi thêm chữ "quyết tâm xây dựng" ở đằng trước. Như ở đường
vào nhà mềnh bây giờ cũng có cái dòng chữ "toàn thể nhân dân khu phố...
quyết tâm xây dựng...thành khu phố văn hóa". Không biết mấy người đọc
được cái khẩu hiệu đó và thể hiện quyết tâm ra sao nhưng gần năm năm nay
vẫn chưa thể hạ cái chữ "quyết tâm" xuống được. Thật chẳng văn hóa tí nào.
Bữa
về tết, rong ruổi hành trình từ nam ra bắc mình đi qua không biết bao
nhiêu là làng mạc vùng quê và đôi lúc chỉ muốn chạy về nhà thật nhanh.
Những lúc đó chợt nhận ra mình thèm ở quê mình có một cái cổng làng để
khi đến đấy chợt òa lên vui sướng rằng mình đã về đến quê và kêu lên con
về đây rồi mẹ ơi, cha ơi...
Viết
đến đây mình lại nhớ hồi học năm thứ ba trong một lần về quê gặp ông
chủ tịch của xã kế bên (hình như là người bà con), ông ấy nghe nói mình
học XD nên đề nghị vẽ cho xã một cái cổng chào để chuẩn bị đón cái huân
chương anh hùng lực lượng vũ trang. Lúc đó vì sĩ diện nên nhận lời đại
luôn nhưng quả thực mình đâu biết mô tê chi về kiến trúc với lại cũng
chỉ mới học năm thứ ba. Lỡ nhận lời rồi nên cũng ráng mày mò. Mình đi
tha thẩn khắp nơi và tìm hiểu về những cái cổng ở Hà Nội. Gần hai tháng
trời nhưng chả có phương án nào khả dĩ vì không dễ dàng bắt chước được
một cái cổng đẹp ở vùng kinh bắc này để về gắn vào cái cổng theo yêu cầu
phải hoành tráng của vùng quê anh hùng kia. Phương án tốt nhất là lờ
tịt đi. Đến tết năm đó đã thấy một cái cổng to vật được ốp gạch đỏ loại
chuyên dùng cho ốp nhà vệ sinh nhìn rất uy nghi và trên đó có đoạn đắp
nổi "đơn vị anh hùng". Cái cổng nằm chơ vơ một mình bên đường quốc lộ
giữa cánh đồng bàng bạc nước sau vụ đông. Nó đứng đó sừng sững đến câm
lặng làm người đi qua có cảm giác ớn lạnh sống lưng như thể là cái cảm
giác cần thiết để chuẩn bị bước vào với cái xã có nhân dân anh hùng kia.
Còn
bây chừ thì khỏi nói , dọc đường quê mình đầy các loại cổng kiểu ấy.
Không những vậy người ta còn làm cổng cho thôn cho xóm nên ai đó lâu
ngày chưa về quê cũng đừng thấy lạ khi có đoạn gần cây số mà gặp ba bốn
cái cổng chào của thôn này thôn kia đến rối cả mắt. Lạ hơn ở quê mình
dọc theo đường quốc lộ đầy
các loại cổng chào. Cổng nào cổng nấy to vật vã được xây theo lối tam
quan nửa kim nửa cổ kính nhìn chả biết theo trường phái nào. Trên
biển dĩ nhiên là tên xã và có khi thì là "anh hùng lực lượng vũ trang".
Tự dưng nghĩ ở mình sao đi đâu cũng thấy anh hùng, cứ đến đầu xã đầu
thôn
là gặp anh hùng nhưng bù lại quê mình lại là vùng nghèo gần như nhất
nước. Buồn không ...
|
Cổng vào xã K.Thọ ở quê mềnh nhìn nó cứ sao sao ý ... |
Tham khảo thêm mấy cái này để coi sao nha:
|
Ước một lần được tới nơi đây để tầm sư học đạo. Ai biết xin chỉ giáo để chạm được vào cái văn hóa này nha... |
|
Giá mà quen được một iêm ở đây thì hay biết mấy nhể... |
2 nhận xét:
Kỳ Anh có hai điểm tương đồng với đất Phương Nam: là miền quê mới khai khẩn ( từ năm 1836, trước đây chỉ là một phần của Kỳ Hoa, là miền biên ải, chiến trường của phân tranh Trịnh-Nguyễn) và đa số là dân góp. Nhưng đặc biệt hơn : quê mình nghèo (có “phú quý” thì mới sinh “lễ nghĩa” chứ). Hãy về đồng bằng Bắc Bộ mà xem, bước qua cổng làng là cảm nhận được “cái hồn”, “cái thần”, nét văn hoá… và cả cái “lệ” của làng nữa. Đường làng lát gạch thơm mùi rơm mới, những mảnh vườn nho nhỏ bố cục VAC gọn gàng, sạch sẽ, những ngôi nhà lợp ngói âm dương nép sát vào nhau, người làng từ tốn, hỏi chào lễ phép…
So với Hà Tĩnh, quê mình đang “giàu” lên từng ngày với dòng tiền từ Angola, từ Formosa, từ cơn sốt đất, từ khu đèn đỏ Cồn Cao…Dân Kỳ Anh nay “ăn chơi” nhất tỉnh, nhiều ô tô xịn, du nhập nhiều văn hoá lai căng (như mấy chiếc cổng làng ốp gạch WC chẳng hạn), tai nạn giao thông cũng nhiều nhất tỉnh, và có ông giáo làng (ở xã Kỳ Sơn) tha hoá nhất …nước.
Nhưng hãy về, để cảm nhận tình yêu từ quê mình nơi cơn gió lào mùa hè rát bỏng, mưa tháng chạp dầm dề “thúi đất thúi đai”, con đường làng nhão choẹt vết chân trâu, rừng phi lao và những con sóng biển miên man vỗ bờ cát hẹp…
Mỗi khi từ Bắc về qua cầu Rác, mình vẫn ngỡ như vừa bước qua “cổng làng” với trọn vẹn cảm giác của đứa con xa về với mẹ.
Người đâu yêu quê đến lạ rứa trời. Dù nó có ghẻ lở, hắc lào hay ắc-xi-ma thì vẫn cứ yêu bởi nó đã là một phần của mềnh, không thể khác. Hic...
Đăng nhận xét