Trang

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Ngơ ngác rơi, giọt nước mắt không rõ buồn vui...


RC, 27/5/2012

Chẳng hiểu sao mấy ngày nay đầu óc nó cứ âm âm u u một cách vô thức bài "nỗi buồn" của Phú Quang. Mình nghe bài này hồi còn sinh viên, cỡ khoảng năm 1997 lúc còn ở gác trọ gần trường. Nhớ không biết thằng bạn lụm đâu được cái băng catsset Phú Quang về cứ mở nghe từ sáng đến đêm. Thích nhất là lúc chiều về ngồi cheo leo trên cái cửa sổ nhỏ của nhà tắm ở tận tầng bốn nhìn xuống dưới đường và nghe văng vẳng bài hát này từ trong nhà vọng ra. Giờ tan tầm nhìn mọi người đang cập rập về nhà mà lòng thấy chơi vơi đến lạ, lúc đó cứ tự hỏi mình rồi không biết sẽ đi về đâu...


Đó là những ngày tháng khốn khổ nhất của đời sinh viên, lòng lúc nào cũng bất an và đôi chút hoảng loạn bởi những suy nghĩ, khái niệm về sự trống trải, cô đơn và khát khao về những điều mới lạ. Vật vã chán chê gần hết cả đời sinh viên  như thế, nghĩ lại thấy thật phục mình có sức chịu đựng phi thường khi vượt qua được vực thẳm của những mơ hồ đó. Vậy nhưng đôi khi nghĩ lại lại thấy giận mình vì ngu hết thuốc chữa, bởi lúc đó chỉ biết lang thang với cái bóng của mình và ngắn dài cùng nó chứ chẳng biết làm gì hơn ...

Hồi đó chỉ thích nghe vậy thôi chứ chẳng chú ý mấy đến tác giả hay bài thơ nguyên gốc, nói chung chỉ cảm nhận được vài hình ảnh trong ca từ của bài hát với giai điệu chầm chậm của nó, vậy là thích. Tối nay lang thang mạng, đọc được một bài cảm nhận khá hay về bài hát này nên rinh về đây ngâm cứu thêm. 
Bà con muốn thì vừa nghe bài này vừa ngâm cùng nha:



Ngơ ngác rơi, giọt nước mắt không rõ buồn vui...

Khi nghe bài hát ấy trong một tâm trạng buồn tôi chỉ cảm nhận được một nỗi buồn rợn người, nhưng bình tâm trở lại mới nhận ra rằng ca từ của bài hát ấy thật đẹp! 


Có nhiều khi tôi quá buồn

Tôi ước mong tìm về dưới gốc cây xưa

Em có gửi điều gì theo lá rụng

Nỗi đau nào đậu khẽ vào tôi 


Giọng Thuỳ Dung hát rất chậm, giống như bước chân của một con người đang tìm về nẻo quá khứ. Hình như mỗi khi người ta buồn người ta lại nghĩ về quá khứ, như một sự an ủi. “Em có gửi điều gì theo lá rụng?” Người đàn ông ấy đang đi tìm lại một thời quá khứ, tìm lại bóng dáng giai nhân xưa. Người đã đi rồi, có còn gửi lại điều chi…Lá đã rụng về cội, biết còn những gì gửi theo chiếc lá ấy… Lại mơ về Bài hát về 5 chiếc lá của Dạ Thảo Phương: 


Hạnh phúc là một chiếc lá

Âm thầm nảy lộc đêm đông

Buồn đau là một chiếc lá 

Rụng trong nhựa ứa mai hồng

…..

Cô đơn là một chiếc lá 
Lay lắt mãi giữa cành đông 


Ai đang đau đáu đi tìm chiếc lá thương yêu hay chỉ còn con gió đưa chiếc lá u buồn đậu khẽ vào vai ai đó? Nhớ bóng một người chiều chiều đi nhặt xác hoa… Chẳng còn nữa rồi những buổi chiều xa em về trên cát bỏng chỉ còn anh và cái bóng…em có đến dịu dàng như một cơn mưa? 


Bóng ai như tôi đi qua cánh đồng

Bóng ai như tôi đi qua cõi đời

Nhặt lại mình trên ngọn gió

Giống như con chim sẻ nọ

Tha về từng cọng vàng khô 


Một mình chưa hẳn là cô độc, vì vẫn còn cái bóng - sao mà nghe xót xa? Câu hát buồn lắm, khi người đàn ông đối diện với cái bóng của mình. Những suy nghĩ và hoài niệm mông lung: “bóng ai như tôi đi qua cánh đồng”. Đi hoài trong cõi vô biên, trở lại chốn xưa có một người bắt gặp chính mình…phải chăng cái bóng ấy là quá khứ còn lại trong người đàn ông đó? Mỗi lần nhắc đến hai từ “cái bóng” tôi cảm nhận được một sự ám ảnh đáng sợ, ám ảnh từ miền quá khứ đã xa xôi… 

“Giống như con chim sẻ nọ tha về từng cọng vàng khô” – sao tôi thấy thương con người ấy đến thế. Quá khứ là nhánh vàng lỗi hẹn, biết bao giờ nhặt lại cho đủ đầy. Cứ cặm cụi mãi như thế sao, nhạnh nhạnh ký ức từ một miền hoài niệm xa thẳm? Có thể được không…được không… hay quá khứ sẽ mãi mãi lỗi hẹn cùng năm tháng trôi về một nơi rất xa… 


Cây xấu hổ đau gì mà rũ lá

Tôi gục đầu trên bóng tôi 


Chạm nhẹ tay vào cây xấu hổ để thích thú trước sự rụt rè của những cành lá khép lại. Nhưng câu hát buồn quá, và cây xấu hổ kia ơi sao giống thế một nỗi đau, chỉ cần chạm nhẹ vào thôi cũng làm cho con người ta gục xuống… Nghe câu hát này tôi đã khóc, khóc chênh chao giữa hai nửa mong manh. Nửa này là nỗi đau làm cho tôi quỵ ngã, nửa kia tôi không cho phép mình gục đầu. Sự đối chọi giữa hai tâm trạng trong một trái tim vốn làm bằng những khoảng vỡ làm cho tôi chới với. Giá như tôi được như cây xấu hổ kia rũ lá xuống như một lẽ tự nhiên…Vậy là tôi ước… Cả bài hát tôi nghĩ về người đàn ông đi tìm nỗi buồn chỉ giữ riêng mình câu hát này thôi! 

Phú Quang đã sửa lại hình ảnh trong câu thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường. “Tôi gập người trên bóng tôi” được thay bằng “Tôi gục đầu trên bóng tôi”. Hình ảnh một con người gục đầu có sức gợi hơn hẳn. Giọng hát Thuỳ Dung vút cao xé lòng trút biết bao nhiêu nỗi buồn vào hai từ ấy. Gục đầu trên cái bóng của chính mình, hay là gục đầu trên quá khứ. Hiện tại nhạt nhoà trước ước mơ về một miền quá khứ xa xăm. Hình ảnh cái bóng lại quay trở về như trong biết bao câu thơ khác của Hoàng Phủ Ngọc Tường: 


Có buổi chiều nào như chiều nay

Căn phòng anh bóng tối dâng đầy

Anh lặng thầm như cái bóng

Hoa tàn một mình em không hay 


Sự cô đơn được đẩy lên đến cùng cực bằng giọng hát của Thuỳ Dung khắc khoải đến nao lòng, như những vết cắt cứa vào tim. Tất cả nỗi đau được trút vào giọng hát như rút ruột ra và những ngón tay nhấn chặt lên phím piano. Từng thanh âm gãy gọn và đứt quãng. Có điều gì vỡ vụn trong tôi… 


Không còn nghe không còn nghe ai nói cười

Tôi còn ngồi chi đây một mình

Từng ý nghĩ mong manh… 


“Không còn nghe không còn nghe ai nói cười” - cụm từ không còn nghe được lặp lại đến hai lần. Một con người khi không - còn - ý - thức - được - thế - giới - xung - quanh thì hẳn người đó cô đơn lắm. Tự hỏi mình rằng “tôi còn ngồi chi đây một mình” - vậy là chỉ ý thức được rằng mình còn đang tồn tại mà thôi. Những ý nghĩ mong manh hay là ký ức về quá khứ còn lẩn khuất, viết lên trên tim nỗi buồn…Tiếng piano chậm dần rồi tắt hẳn nhưng những giai điệu của bài hát ấy vẫn còn lẩn khuất đâu đây, xung quanh tôi… 

“Cảm ơn cuộc đời không chỉ bởi những niềm vui mà còn cả những nỗi buồn người đã không quên mang đến...." Xin mượn một câu nói của Phú Quang làm lời kết cho bài viết này…Vẫn cần cảm ơn cuộc đời vì nỗi buồn người mang đến để ngày mai ta cảm nhận được niềm vui… 


Nếu nỗi buồn như sợi tóc

Mỏng manh vắt qua lời thề

Xin thời gian làm gió thổi

Nỗi buồn ơi mau bay đi…



Còn đây là bài thơ nguyên gốc:

CỎ, CHIM SẺ VÀ CHÂU CHẤU
 Hoàng Phủ Ngọc Tường

1.Có nhiều khi tôi quá buồn
Tôi ước mong về ngồi dưới cội cây xưa
Em có nhắn điều gì theo lá rụng
Ký ức nào khẽ động vai tôi

Dáng ai như tôi đi qua cánh đồng
Thu nhặt lại mình trên ngọn gió
Giống như con chim sẻ nọ
Thu về từng cọng vàng khô

2.Có nhiều khi tôi quá buồn
Tôi ước mong chung quanh chỗ tôi ngồi
Mọc lên thật nhiều cây cỏ
Cây xấu hổ đau gì mà rủ lá
Tôi gập người trên bóng tôi

Không nghe tiếng ai nói cười
Tôi còn ngồi chi đây một mình
Cắn móng tay từng ký ức mong manh
Giống như con châu chấu nọ
Gặm hoài lá cỏ xanh.

Không có nhận xét nào: