Trang

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Vì sao học sinh ngày càng lười phát biểu?

SGTT.VN - Nguyễn Trọng Tín: Thưa các bác, năm cùng tháng tận rồi, đáng lẽ ta nên bàn chuyện gì đó vui vẻ hơn. Nhưng có một vấn đề phải nói rất nóng mà mình không thể không nói đến, đó là thực trạng học sinh ngày nay lười phát biểu.
Vấn đề này thoạt nghe thì nhỏ nhưng kì thực nó rất lớn, liên quan đến tương lai, đến tiền đồ con cháu chúng ta. Vì thế tôi đề nghị bà con chịu khó ngồi lại thảo luận đề tài này: Vì sao học sinh ngày càng lười phát biểu?
Câu hỏi đầu tiên: Tâm trạng của các bác về thực trạng học sinh ngày càng lười phát biểu, nó cảnh báo điều gì? 

 Nguyễn Minh Sơn: Tất nhiên là buồn rồi. Đó là những lớp học thụ động. Học sinh học cho có, cho đủ điểm còn giáo viên thì cố gắng nhồi nhét kiến thức cho các em. Rõ ràng đối với những lớp học như thế này, học sinh từ trong trường bước ra chỉ biết suy nghĩ theo một cái khuôn đúc sẵn. 
 Võ Đắc Danh: Không những buồn mà còn đau nữa. Có gì đau hơn khi thấy con cháu mình không còn hứng thú học tập.
 Nguyễn Quang Lập: Không những buồn, đau mà cay đắng. Có gì cay đắng hơn khi biết việc dạy và học đang diễn ra như là làm cho phải phép. Nó cảnh báo cái mà ta rất lo sợ, các cháu bây giờ không màng đến tương lai, không có khát vọng gì về tương lai. Chúng đi học cho bố mẹ chứ không phải vì tương lai của chính chúng, rất đáng sợ.
Hồ Trung Tú: Bác Danh, bác Lập, chú Sơn nói đúng đấy. Phát biểu gì được mà phát biểu, một buổi 5 tiết, 5 thầy cô bước vô rồi bước ra, mỗi thầy cô ném cho một mớ kiến thức, lo nắm cho đủ ý, hiểu cho được vấn đề đã mướt mồ hôi. Cái chương trình giáo dục của ta, vì quan điểm giáo dục toàn diện nên dồn vào năm tiết học rất nhiều thứ, bài tập của mỗi môn thì cấp chuyên gia chuyên ngành cũng lúng túng. Người soạn chương trình thì như muốn khoe kiến thức, thầy giáo thì nói cho xong vì 1-2 tiết có muốn nói kỹ cũng không nói được. Vì vậy mà học thêm. Vì học thêm mà thầy cô có thêm thu nhập. Vì có thêm thu nhập nên không muốn thay đổi. Muốn phát biểu cũng đâu có lúc nào để phát biểu đâu?
Nguyễn Trọng Tín: Vâng, đúng như vậy. Tôi rất đồng tình với bác Tú. Tuy nhiên còn một ý này nữa, tôi xin nói thêm. Thằng con tôi đang học lớp 10. Vừa rồi họp phụ huynh tôi được cô chủ nhiệm thông báo một nhận xét về nó: học thụ động, không tham gia phát biểu, hay ngủ gục. Thằng này từ nhỏ cho tới giờ ở nhà nó toàn tranh cãi với tôi, cãi bướng cũng có, nhưng có chuyện nó cũng làm tôi bí vì nó cãi toàn bằng những câu hỏi ngược. Hồi học tiểu học thì nó ngoan, học giỏi, thầy cô nhận xét nó có trí nhớ rất tốt, giảng gì nó nhớ nấy. Khi lớp có “dự giờ”, nó toàn “làm mẫu”. Nhưng lên trung học cơ sở, nó phát triển quá nhanh khả năng cãi, mà toàn cãi bằng câu hỏi ngược, học môn văn nó toàn làm ngược bài mẫu… khiến thầy cô ghét, nhận xét không ngoan, khi có “dự giờ” nó được đe trước là không được phát biểu. Bây giờ thì nó thành ra là đứa học sinh ngủ gục. Nhưng ở nhà thì tôi thấy nó phát triển bình thường, là đứa tò mò cái gì cũng muốn biết, cũng muốn đọc. Chỉ bậy bạ là rất làm biếng lật sách giáo khoa. Con học bị mắng vốn hoài tôi cũng mệt.
Thôi thì cũng đành vậy. Đời người lớn lên ai không phải đi học. Chỉ rủi cho nó là học vào cái thời khác tôi, dù thời tôi học là thời cổ lổ sỉ, không máy tính, không internet, trong đời học chỉ có một lần duy nhất thi trắc nghiệm để máy IBM chấm bài. Nhưng ta đang sa vào nguyên nhân mất rồi. Câu hỏi này chỉ muốn các bác nói lên tâm trạng của mình thôi.
Vâng, thế thì tôi đưa ra câu hỏi thứ hai vậy: Có phải vì các cháu lười học, thiếu tự tin. Khả năng sư phạm, trình độ chuyên môn của cô thầy hay vì một lý do nào khác? 
Nguyễn Quang Lập: Nó là tổng hoà của tất cả nguyên nhân trên. Nhưng chủ yếu là giáo dục đang mất dần nhiệt huyết. Thầy không còn hào hứng khi lên lớp, trò chán nản khi phải ngồi nghe những điều mà chúng cho là chẳng quan trọng gì cả.
Võ Đắc Danh: Đúng vậy, một khi người ta ở tâm trạng phải học và phải dạy thì người ta rất dễ rơi vào chán nản. Chẳng hiểu tôi có quá bi quan hay không, vì đôi khi tôi chợt nghĩ liệu có còn hay không cái sự háo hức đến trường như thời chúng tôi đi học. Hồi đó chúng tôi nghe nói đi học để sau này xây dựng đất nước mạnh giàu thật háo hức vô cùng, tự hào vô cùng. 
Hồ Trung Tú: Trăm thứ của ngành giáo dục nằm trong cái chương trình. Chương trình dành cho các em phát biểu thì cách em phát biểu, chương trình chỉ truyền đạt thì các em ngồi nghe. Tội lắm các bác ạ, mình đi học chính trị, 4 giờ đồng hồ ngồi nghe một thứ đã ù tai hoa mắt, vậy mà các cháu cũng chỉ ngồi nghe, mỗi bàn 4-5 cháu, mùa hè mùi mồ hôi nghẹt thở, chúi đầu vào chép ghi hết môn này đến môn khác, mỗi môn là một khám phá văn minh nhân loại, sau đó là bài tập khó đến kinh nghười, các bác thử một lần theo các cháu sẽ biết. Không phải do trình độ thầy cô đâu, do chương trình cả đấy. Thay đổi chương trình thì thầy cô không dạy thêm được. Phức tạp là ở đó. 
Nguyễn Minh Sơn: Tôi nghĩ do giáo trình và phương pháp sư phạm hiện nay. Thầy và trò ở ta là hai khái niệm cách biệt. Tôi có dịp tham dự vài lớp học trường Tây. Suốt buổi học, học sinh phát biểu ào ào. Những em kém nhất, những em có những ý kiến kỳ dị nhất cũng chen nhau phát biểu. Thầy giáo nói với học sinh tôi chỉ là người hướng dẫn, tôi chỉ cho các em đích đến còn tự các em phải tìm đường của mình... Rõ ràng phương pháp dạy đó khuyến khích suy nghĩ, sáng tạo, tìm tòi và năng động. Học trò không bị cái bóng của thầy đè nặng như một áp lực. Phương pháp sư phạm từ bậc tiểu học hiện nay ở ta phần lớn giáo viên bám vào giáo trình. Con đường của thầy đi là con đường đúng nhất và tất cả các em phải đi theo con đường đó.
Nguyễn Trọng Tín: Chúng ta mỗi người nói một ý nhưng đều rất đi đúng trọng tâm câu hỏi. Hồi nhỏ tôi cũng lười học khi thấy chuyện học, giờ học chán ngắt, mệt mỏi. Nhưng cũng có những môn học, nhất là những ông thầy, bà cô dạy hay quá khiến tôi cứ chờ đến tiết học sau của môn ấy, thầy cô ấy. Bây giờ tôi không đi học, nên xin không dám nhận xét gì. Có điều ngày tôi đi học, thầy cô ít bắt chúng tôi thuộc, nhớ mà bắt suy nghĩ nhiều. Ngày nay internet, máy tính có thể ghi nhớ tất cả thì thấy con tôi toàn phải học để nhớ, mà phải học quá nhiều, phải nhớ quá nhiều, có cái nhớ chẳng biết để làm gì cho đời nó sau này. Đấy là ý kiến của riêng tôi.
Bây giờ ta sang câu hỏi cuối: Những tiêu cực của xã hội đương thời có ảnh hưởng đến vấn đề này không? Nếu có, nó ảnh hưởng như thế nào? 
Hồ Trung Tú: Tôi nghĩ không nói thì ai cũng bảo là có. Cứ nhìn mà xem, thầy cô, bố mẹ cũng có phát biểu thật thoải mái đâu mà dạy các em sự tự tin trong phát biểu ý kiến riêng của mình. Chuyện dài nhiều tập, chỉ thương các em đến sốt ruột mà không biết làm sao.
Võ Đắc Danh: Cái sự nói của bố mẹ, thầy cô như bác Tú nó khác với sự phát biểu của học trò. Một đằng là thể hiện chính kiến của mình trước các vấn đề xã hội, một đằng là thể hiện sự hiểu biết về kiến thức. Cho nên e khó có thể so sánh hay rút ra từ một hiện tượng xã hội là chúng ta đều ngại nói, nếu có nói thì cũng khó thật lòng trước đám đông để có thể gíải thích cho sự ngại phát biểu của học trò. Tuy nhiên trong sâu thẳm tôi cũng nghĩ như bác Tú.
Nguyễn Quang Lập: Cũng rất khó nói. Cái thời chúng tôi đi học thì diễn ra trước mắt chúng tôi hiện tượng người có học thường nghèo, thường bị coi là tiểu tư sản và rất ít có cơ hội phát triển bằng người có lý lịch tốt. Nhưng chúng tôi vẫn rất chăm học, vẫn phát biểu rất hăng say. Còn ngày nay thì khác, đã diễn ra trước mắt bọn trẻ những người tài, người có học đều có đất sống, được tôn trọng, có lương cao, vân vân… Thế mà bọn trẻ lại lười học là vì sao? Có lẽ khi đó vì nghèo đói quá nên chúng tôi có mơ ước là phải học thật giỏi để tự mình thay đổi cuộc đời mình chăng? Cho nên nói tiêu cực xã hội đương thời ảnh hưởng đến cái sự lười phát biểu e có phần áp đặt. Tuy nhiên sự mệt mỏi khi ngước nhìn tương lai của người lớn nhất định ảnh hưởng đến khát vọng về tương lai của bọn trẻ, tôi nghĩ là như vậy. Và hình như đây là lý do chính. 
Nguyễn Minh Sơn: Tôi rất đồng tình với ý kiến của bác Lập. Tuy nhiên tôi nghĩtiêu cực xã hội chỉ ảnh hưởng phần nào đó thôi. Nguyên nhân chính vẫn là do phương pháp sư phạm.
Nguyễn Trọng Tín: Cảm ơn các bác. Tôi đặt câu hỏi này là vì nó có đấy. Cũng chính là vì thằng con mà tôi biết. Có lần hình như đó là môn giáo dục công dân dạy phải đi đúng luật đi đường, nó buột miệng nói hôm trước thấy thầy chạy xe vượt đèn đỏ. Thầy hỏi làm sao em thấy? Nó nói đi học về ngồi sau xe tôi nên nó thấy. Tôi bị mời vô văn phòng trường để “đối chất”. Thấy nguy quá, tôi đành phải nói chắc là nó nhầm người, rồi xin lỗi thầy…
Vâng, với câu chuyện nho nhỏ này tôi xin kết thúc bàn tròn tại đây. Lần nữa cảm ơn các bác.

Không có nhận xét nào: