Theo TrịnhTuấn blog.
[Thư gửi Hiền huynh Hoài Thu Tử]
Đúng 6 giờ sáng ngày 5/6/2011, huynh gọi ra cho đệ. Chưa bao giờ huynh gọi đệ vào giờ này. Cứ tưởng chuyện gì to tát, huynh đã làm cho đệ có thoáng chút nghĩ về điều xấu gì đó xảy ra, trước khi nhấp ngón tay vào nút nghe trên điện thoại. Không. Tuyệt nhiên không. Giọng huynh vẫn ấm áp như mọi khi. Tiếng cười của huynh đã xua đi mọi dự báo âm thầm trong lòng đệ.
Hóa ra, vì lâu nay huynh bận bịu, có khi đệ gọi vào cho huynh cũng chỉ nói được dăm câu ba điều. Nay tư sự đã vơi bớt bộn bề. Một buổi sáng thật ngẫu nhiên mà cũng rất đỗi tình cờ, vì đệ đang chuẩn bị để đi tuần hành phản đối sự xâm chiếm lãnh hải Việt Nam bởi sự ngang ngược của Trung Quốc, thì trong ấy, huynh vừa sai trưởng tử đi mua trà về uống sáng. Sau khi cúng dường Phật, huynh nhớ đệ mà gọi, để anh em chạm cốc qua phi cáp truyền tin. Chuyện thật lành trong một buổi sáng cũng rất yên lành!
Đã từ lâu, huynh khép cửa buồng văn, cắt nốt đường truyền internet, quay lưng ra với cửa đời, chắp một tay sau lưng dạo vườn mai đọc sách. Những thứ ồn ào dâu bể huynh ngó qua là tỏ hết mọi nguồn cơn, nên chẳng cần thưa thốt nữa làm gì. Đệ thấu hiểu nỗi lòng an vi của huynh. Nhưng huynh dạy đệ ba điều, đệ chỉ làm được hai thôi, còn một điều trong cái Đạo-Yên-Thân bao gồm ba ý:
- Thân phận trí thức từ cái thời của Vũ Tài Lục đã là... bi kịch. Vươn ngạo ắt sẽ hại thân.
- Đây chẳng phải thời của cụ Phan Bội Châu hay a,b,c trong sử sách...
- Tránh chỗ phiền phức để khỏi làm phương hại đến việc tu tập của mình. Ví như nóng giận, bực tức... hại đến đường tu.
Thưa huynh, đệ hiểu, nhưng chắc khó mà tu được cái Đạo-Yên-Thân này! Vì mấy lẽ:
Thứ nhứt, dâu bể hóa hình, tinh cha huyết mẹ hợp phối với vạn kiếp trôi lăn, sinh thành ra đệ vẫn là kiếp ngựa trâu chưa mãn nợ. Cái chữ nợ bao gồm thập lẽ nhân gian, chẳng chừa tinh thần hay vật chất. Bởi vậy, phải còng lưng để trả.
Thứ nhì, trí thức lâu nay dân trí tuy cao mà dân khí có vẻ như không tương hợp, nếu chẳng muốn nói đâu đó còn tỏ nét ươn hèn. Đệ dẫu nghèo kiết xác cũng không muốn hèn. Cái chữ hèn nó tanh hôi quá, ngửi không chịu được, huống gì sống chung với nó. Bậc thức ngộ như huynh đã vượt qua cái lý của sắc-không, an nhiên bước trên mọi thuận nghịch bể dâu, lòng vẫn không vướng bận. Còn đệ, nửa bước đường tu còn lởm chởm, đôi viền phàm tục vẫn vêu vao. Thân-ý-khẩu cả ba nghiệp vẫn còn dư nặng. Khó thinh lặng vô cùng!
Thứ ba, sách có câu "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", huống gì trót đã nhầm sinh nam nhi chi chí. Tuy thật xấu hổ mỗi bận lần giở cổ thư, lén đọc dưới đèn về những câu như: "Nam nhi vị liễu công danh trái | Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu" [Công danh nam tử còn vương nợ | Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu], nhưng dẫu sao cũng không làm ngơ được. Đệ bây giờ đã làm cha của trẻ con. Khi con đệ lớn lên, nó hỏi đệ rằng, buổi giặc chỉa súng vào đầu đồng bào trên biển Việt Nam, cắt cáp của tàu BM2, gây hấn khoanh vùng đường lưỡi bò phi lí v.v... cha đã làm gì? Thì đệ sẽ trả lời con đệ ra sao? Chẳng lẽ vỗ vai con để nói với nó rằng: Con ơi, hãy hiểu cho cha | Vì hai lần... sợ, nên ta phải... hèn, ư?
Với ba lẽ ấy, mà đệ đành lỗi đạo với huynh, cầu mong huynh tha thứ. Thế gian chẳng có đệ thì vẫn có hàng triệu người lương thức. Đệ tin như thế. Nhưng để thêm vào đằng sau con số ấy một số nguyên dương, thì dù có chết đệ cũng xin theo.
Vì vậy, dù đã hứa với huynh trong điện thoại rằng, sẽ nằm ở nhà ngủ bù cho đêm thứ bảy thức trắng, nhưng sau vài phút định thần, đệ lại xuống đường. Có xuống đường, đệ mới được cảm nhận và... Tin - Yêu lắm, Việt Nam ơi!!!
Xin tạ tội với huynh và cầu chúc hiền huynh vạn sự bình an!
Tiểu đệ Trịnh Tuấn bái thư!
Bài đọc thêm:
Tại sao Việt Nam lại nhập siêu mạnh từ TQ?
Nguyên Minh Cường
SGTT.VN - Trong năm 2010, cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc thâm hụt 12,7 tỉ USD, gần bằng với giá trị nhập siêu của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Cũng trong bốn tháng đầu năm 2011, giá trị nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc tiếp tục tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2010 và đạt khoảng 7,1 tỉ USD, trong khi xuất khẩu chỉ có gần 3 tỉ USD. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân đối trên?
Nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc của Việt Nam bắt đầu gia tăng mạnh từ năm 2000. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, vượt qua cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Tỷ trọng nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ năm 2005 đến nay hầu như đều ở mức trên 15%/năm, cao hơn từ hai đến ba lần so với tỷ trọng của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trên tổng kim ngạch xuất khẩu.
Yếu tố tỷ giá giữa hai nước
Tỷ giá là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến cán cân thương mại và ngược lại. Thông thường các quốc gia muốn đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sẽ theo đuổi một chính sách đồng tiền yếu. Hàng hoá sẽ trở nên rẻ tương đối so với các nước khác khi đồng tiền bản tệ bị định giá thấp.
Trong giai đoạn vừa qua, quan hệ Mỹ – Trung ngày càng trở nên căng thẳng khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc chủ động định giá đồng CNY thấp để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tạo ra sự mất cân đối giữa các nền kinh tế trên thế giới. Do sức ép lạm phát ở trong nước, Trung Quốc đã đồng ý nhượng bộ Mỹ nâng giá CNY từ tháng 6.2010. Đồng CNY đã liên tục mạnh lên kể từ thời điểm này. Tính cho đến ngày 31.5.2011, tỷ giá USD – CNY đã tăng thêm gần 5,2% đạt mức 6,478.
Thế nhưng, dường như những thay đổi tỷ giá giữa VND và CNY lại không có ảnh hưởng nhiều đến cán cân thương mại Việt – Trung. Tính từ đầu năm 2007 đến hết 2010, VND mất giá so với USD khoảng 21%. Trong khi đó, đồng USD lại mất giá so với đồng CNY khoảng 15,35% trong cùng khoảng thời gian. Điều này cho thấy tiền VND mất giá kép so với tiền CNY. Tuy nhiên, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc, thay vì suy giảm, lại tăng thêm 40%, từ mức 9,06 tỉ USD của năm 2007 lên mức 12,71 tỉ USD vào năm 2010.
Nguyên nhân từ cơ cấu xuất nhập khẩu
Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc liên tục tăng kể từ khi hiệp định tự do thương mại giữa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.7.2005. Trung Quốc là đối tác đầu tiên ký thoả thuận mậu dịch tự do với khối ASEAN. Nhưng đây chỉ là cơ sở pháp lý để Việt Nam chuyển mạnh nhập siêu từ các nước ASEAN sang Trung Quốc, khi đồng CNY vẫn yếu tương đối so với các đồng tiền trong khu vực trong những năm vừa qua. Còn bản chất của việc Việt Nam nhập khẩu từ các nước láng giềng chủ yếu là do cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam. Việt Nam nhập khẩu phần lớn máy móc thiết bị cũng như nguyên vật liệu chế tác từ nước ngoài, sau đó gia công lắp ráp và xuất khẩu đi các nước khác.
Số liệu của tổng cục Hải quan cho thấy, cơ cấu của từng nhóm mặt hàng trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc vẫn khá ổn định qua từng năm. Nhóm hàng hoá tiêu dùng và phương tiện giao thông vận tải thường chiếm từ 4 – 5,5%. Nhóm hàng hoá phục vụ sản xuất chiếm từ 55 – 60%. Còn nhóm máy móc thiết bị chiếm từ 22 – 25%.
Nhóm hàng hoá phục vụ sản xuất bao gồm các nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất trong nước như phân bón, thuốc trừ sâu thức ăn gia súc và nguyên liệu; xăng dầu và khí đốt; chất dẻo, cao su, gỗ và hoá chất… và các nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu như nguyên vật liệu dệt may da giày, chất dẻo, máy tính và hàng điện tử… Đa phần các nguyên liệu nhập từ Trung Quốc đều là sản phẩm đầu vào của các hãng xuất khẩu trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Do các ngành phụ trợ sản xuất nguyên vật liệu phục vụ xuất khẩu của Việt Nam chưa phát triển, nên Việt Nam buộc phải nhập từ Trung Quốc. Sự phụ thuộc này là một lẽ tự nhiên bởi Trung Quốc ở gần Việt Nam. Khoảng cách địa lý thuận lợi sẽ giúp cho việc vận chuyển hàng hoá dễ dàng với chi phí thấp. Đơn cử như hàng dệt may da giày, Việt Nam nhập rất nhiều sợi và da giày từ Trung Quốc, nhưng lại xuất rất nhiều thành phẩm cuối cùng sang các thị trường lớn khác như EU và Mỹ. Hàng máy tính và linh kiện điện tử, chất dẻo… cũng tương tự như vậy.
Đối với nhóm hàng hoá máy móc thiết bị, Việt Nam ưa chuộng hàng Trung Quốc bởi công nghệ của Trung Quốc thường không quá đắt và phù hợp với tài chính của các doanh nghiệp trong nước. Hơn nữa, sản phẩm sản xuất trong nước lại không phải đáp ứng các chất lượng tiêu chuẩn khắt khe của hàng xuất khẩu nên việc lựa chọn các máy móc thiết bị từ Trung Quốc là phù hợp. Còn với các hàng hoá xuất khẩu, Việt Nam thường xuất thô hoặc xuất khẩu hàng sơ chế nên các máy móc sản xuất cũng không quá phức tạp, và việc lựa chọn nhập khẩu từ Trung Quốc có thể giúp giảm chi phí đầu tư lớn.
Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến cho việc nhập khẩu máy móc thiết bị từ Trung Quốc tăng mạnh là do các nhà thầu Trung Quốc liên tục thắng thầu ở các công trình lớn và quan trọng tại Việt Nam, chủ yếu là xây dựng các nhà máy nhiệt điện, phân đạm, ximăng, bôxít, đường sắt… Với chi phí nhân công tại Trung Quốc thấp, máy móc thiết bị rẻ hơn và nhận được sự hỗ trợ từ chính sách tỷ giá đồng CNY yếu, đã khiến cho giá bỏ thầu của các doanh nghiệp Trung Quốc cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài khác và các doanh nghiệp Việt Nam.
Các gói thầu mà doanh nghiệp Trung Quốc trúng thường được thực hiện theo hình thức EPC, tức là các nhà thầu Trung Quốc sẽ làm trọn gói từ khâu thiết kế, mua sắm thiết bị đến xây dựng. Các chủ đầu tư trong nước chỉ làm nốt công đoạn cuối là vận hành và sử dụng. Một số công trình lớn của Việt Nam đang do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận bao gồm: nhà máy đạm Cà Mau; nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2; nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2; nhiệt điện Kiên Lương; dự án đường sắt nội đô Hà Nội gói thầu 350 triệu USD; dự án dây chuyền 2 ximăng Nghi Sơn và dự án ximăng Công Thanh; dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Sài Gòn – Long Thành – Dầu Giây; dự án khai thác bô xít Tây Nguyên và nhiều dự án khác nữa…
Tuy nhiên, đồng CNY của Trung Quốc đang có xu hướng mạnh lên. Hàng hoá Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ hơn và có thể Việt Nam sẽ lại quay sang nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN hoặc Ấn Độ để đáp ứng các nhu cầu chế tác của mình. Số liệu cho thấy, bốn tháng đầu năm 2011 tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm thấp hơn so với năm 2009 và 2010, trong khi nhập siêu tổng thể vẫn tăng mạnh. Vì thế, nhập siêu tổng thể của Việt Nam chỉ có thể giảm nếu như Việt Nam xây dựng được một chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp, đáp ứng được các nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như của doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét