Trang

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Thử lại ngón trỏ

Trần Tiến Bản

Lâu nay bị cuốn vào công việc, quần quật suốt ngày. Giờ nhận ra đấy chỉ là...tự làm khổ chính mình, chẳng giải quyết được chuyện gì hết. Cuộc đời quá ngắn để phí những tháng ngày quần quật, mỗi phút giây phải là một sự tận hưởng. Sống chậm lại để tận hưởng.

Nói thế thôi chứ ngày mai thứ bảy vẫn mò lên công ty, cũng xuống công trường như một cái máy cài sẵn chế độ. Chẳng phải đam mê gì hết, nhưng tự nhiên có cái gì đó bắt mình phải đi làm, giống như một bản năng. Hình như trong mỗi con người có một phần của con lừa. Như mẹ mình cô mình ở quê, ở không một ngày không chịu được, phải kiếm cái gì đó để làm. Mình nhớ một anh sỹ quan Khu bốn ngày xưa xuống xóm mình mượn ruộng để giữ bố. Bố anh vốn nông dân Khu bốn vào chơi thăm con, nhưng không có chuyện gì để làm, rảnh tay chân không chịu được, năng nặc đòi về. Anh xuống xóm mình mượn một mãnh đất trống để bố anh có cái cuốc ngày ngày cho đỡ buồn. Có thể sau này mình mở dịch vụ cho thuê đất cuốc cho đỡ buồn. Ở cái đất nước này có rất nhiều những công chức, doanh nhân ở phố có bố mẹ là nông dân ở quê. Nhu cầu có cái gì đó để làm cho nhóm đối tượng này là khá lớn.

Mức độ "cày" của mỗi người có lẽ là do phần lừa tron gen người đó quy định. Phần gen lừa nhiều sẽ cày nhiều, gen lừa ít sẽ cày ít. Chuyện này Darwin có nói lúc đi nhậu nhưng chưa kịp viết ra nên chưa đưa vào sách giáo khoa chương trình sinh học phổ thông. Mà Darwin chưa biết  về hiện tượng tiến hóa ngược, nghĩa là người sống trong môi trường hoang dã sẽ có xu hướng mọc lông, mọc đuôi giống vượn. Ngày xưa mấy người đi làm gỗ chổ mình bảo rằng cứ mỗi lần về xuôi, tới đường xe lửa, kê đít  lên đường ray dùng rìu phập một nhát, đứt đoạn đuôi đi, rồi mặc quần đi tiếp, ghé tiệm cắt tóc cắt tỉa bớt lông lá rồi mới về nhà. Thời sinh viên, một ông thầy bất đắc chí bảo hễ dắt một con bò qua Nga, dắt về là nó thành tiến sỹ. Hiện tượng này Darwin cũng chưa biết.
 
Đêm không ngủ được, có cái gì đó gõ gõ cũng đỡ buồn. Hóa ra blog và mảnh đất ông sỹ quan khu bốn mượn ở xóm mình ngày xưa cũng chẳng khác nhau nhiều

Không có nhận xét nào: