Trang

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Xã hội kết nối & Cân thịt lợn mông

Khuya Chủ nhật, 2/10/2011

Gần đây có một khái niệm mới mà hình như ít người ở quanh mình quan tâm đó là “xã hội kết nối” nhưng ảnh hưởng và tác động của nó thì quá khủng khiếp. Có thể thấy những cuộc cách mạng hoa lài, hoa nhài xảy ra liên miên nhiều tháng qua ở Trung Đông, Châu Phi… đều được cho là xuất phát từ những mạng xã hội. Ở một số nước khác yên ổn hơn thì chính phủ đang cố gắng ngăn chặn, giảm ảnh hưởng của những kết nối đó để tránh lây lan những mùa hoa nhài, hoa cứt lợn chỉ chực chờ mưa đến là sẽ nở rộ khắp nơi.


Như bao nhiều người khác mình chả quan tâm gì nhiều nhưng vẫn có cảm giác rằng với một xã hội được kết nối bởi công nghệ thông tin thì thế giới ngày nay gần như trở thành Thế Giới Phẳng (theo Thomas Friedman) hơn bao giờ hết. Nó không còn bị bó buộc và giới hạn trong những không gian, thời gian thông thường nữa, thậm chí cái xã hội đó không phân biệt ngôn ngữ, độ tuổi, giới tính, chủng tộc, quốc gia… và cũng chẳng còn có đường biên hay ranh giới nào cả. Điều dĩ nhiên là nó hoàn toàn không còn phụ thuộc vào một cá nhân nào dù đó là tổng thống Mỹ đầy quyền lực hay chủ tịch Cộng hòa Trung Hoa vĩ đại. Có nghĩa sẽ xảy ra ở một tương lai gần rằng quyền lực sẽ không còn nằm trong tay những cá nhân này nữa và có thể hình thái xã hội sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp hơn với một thế giới phẳng – one click.

Đó là chuyện nhớn, chuyện thế giới còn mình thì sao. Chịu, không biết, nhưng thấy rằng quanh ta giờ đây đã đầy rẫy và tối mặt tối mũi bởi những mối quan hệ nhằng nhịt như mạng nhện dù chưa hình thành một xã hội kết nối thực sự. Hàng ngày ta vẫn đang quay cuồng, điên đảo bởi những mối quan hệ đó mà gần như không có cách gì thoát ra được. Những email, điện thoại, nhậu nhẹt, cà phê liên miên…. là điều gần như hiển nhiên để ta có thể tồn tại được trong cái mớ bòng bong quan hệ này.

Nếu có lúc nào đó thử hỏi chính mình rằng bao nhiêu phần trăm trong số những kết nối chằng chịt đó ta thật lòng và duy trì nó để mà sống đúng nghĩa là sống thay vì tồn tại, thì tin chắc sẽ không dám trả lời câu này. Công nghệ thông tin ra đời gần như giúp con người xích lại gần với nhau hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn,… tóm lại thuận lợi đủ đường. Nhưng lại phải nói là “gần như” vì điều đó chưa chắc đã đúng, bởi công nghệ giúp người ta có thể nói, viết bất cứ điều gì cho dù thực sự ta không nghĩ thế. Hàng ngày ta vẫn duy trì các liên kết bằng email, điện thoại… mà chẳng cần gặp nhau, nhìn vào mắt nhau để rồi bịa ra, nói ra đủ thứ chuyện mà chẳng cần suy xét, ngại ngùng để mà sống chung với mớ quan hệ đó. Lạ thay có cảm giác rằng hình như càng bịa nhiều, huyên thuyên nhiều, lươn lẹo nhiều thì quan hệ được cho là sẽ tốt hơn, bền chặt hơn.

Nhớ lần đầu tiên gọi điện thoại cho cô người yêu là ở bốt điện thoại công cộng gần chợ Khâm  Thiên (Hà Nội), bấm máy xong thật sốt ruột vì phải đợi gần năm phút để chờ bà trực điện thoại chạy đi gọi cô bé từ trên ký túc xá xuống nghe nhưng đến khi đầu dây bên kia vang lên tiếng alo thì gần như cổ họng mình nghẹn lại. Lúc đó cảm giác như muốn khụyu xuống, các mạch máu trong người như đông cứng, tòan thân tê dại… hơn năm phút trôi qua mà chẳng nói được câu nào ngoại trừ ba từ ‘em đó ạ’ rồi cúp máy và mất đứt hơn hai chục ngàn (tròm trèm một cân thịt lợn mông). Bây giờ mỗi ngày có cả chục, có khi cả trăm cuộc gọi nhưng cứ bốc máy lên alo là y như cái máy nói, leo lẻo leo lẻo không hề vấp hay ngọng một từ nào dù đó là giao dịch công việc hay tình nghĩa tình ngheo. Kỳ lạ, nhưng không thể giải thích được tại sao mình có thể làm  một cách chuyên nghiệp như vậy và mỗi lần tự hỏi lại nhớ đến lần mất gần cả cân thịt lợn mông đó rồi lại suy nghĩ sao lúc đó lại thế và rốt cục cũng chẳng hiểu tại sao nốt…

Đôi khi những email, những cuộc gọi, cuộc nhậu ... với những cái chạm ly, câu từ, lời nói khuôn sáo, vô cảm làm mình thấy mệt mỏi và sợ. Xã hội dù có phát triển đến đâu thì con người vẫn phải thiết lập giao tiếp và vẫn phải chạm đến cảm xúc của con người. Một trong Thập nhị Nhân duyên (theo Phật giáo) làm cho con người đến gần với mọi khổ đau, hạnh phúc hay bất hạnh trong cõi này chính là “xúc” nhưng một khi đời mình chưa “thoát” được hoặc chưa đến được với cõi Niết bàn thì ta vẫn phải luôn cần và có nó để cảm được mà sống cho đúng nghĩa sống.

Thế mới biết rằng dù có viết cả ngàn câu chữ bóng bảy, nói cả ngàn từ hoa mỹ thì cũng chỉ là sự sáo rỗng đến tẽn tò mà thôi. Vậy nên dù gì thì vẫn cần lắm một cái bắt tay thật chặt, một cái ôm hôn nồng ấm, một ánh mắt trìu mến hay dù chỉ một cái vỗ vai nhẹ nhàng, một câu hát vu vơ  nhưng chân thành… để ta vẫn thấy được rằng cuộc sống này đầy mến thương và ta đang được sống, được yêu thực sự.

Khỉ Cần Giờ ngơ ngác
Chợt nhớ bữa đi Cần Giờ, khi vào thăm chiến khu rừng Sác, từng đàn khỉ nhảy choi choi, la chí chóe rồi nghịch nghợm rình cướp thức ăn của khách tham quan. Nhưng thỉnh thoảng vẫn bắt gặp bên đường có những con khỉ ngồi vô hồn nhìn dòng người đi qua lại đến đờ đẫn nom lạc lõng đến tội nghiệp. Haizaa… Nghĩ mình thật buồn cười vì mình vẫn phải sống, vẫn phải quay cuồng với mớ bòng bong quan hệ hỗn độn đó, ôm ấp lấy nó từ bảnh mắt đến tối mịt để rồi chẳng còn phút giây nào nhìn lại chính mình xem đã và đang làm gì. Biết thế, nhưng nếu không làm thế thì sẽ có ngày mình cũng mọc đuôi và ngồi ngơ ngác nhìn đời chẳng khác nào mấy con khỉ già  ở Cần Giờ kia. Nghĩa là vẫn phải tiếp tục leo lẻo, hì hì hà hà, zô zô ra ra, viết viết nói nói, gửi gửi nhận nhận … suốt ngày để may ra có được cân thịt lợn mông siêu nạc thay vì nghĩ về một cân thịt và phải thắc mắc về được & mất suốt đời như lần đầu tiên gọi điện ở phố Khâm Thiên ngày nào. 

Chán chẳng buồn ngủ ...

Không có nhận xét nào: