Trang

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Ig Nobel y học cho Vương Bộ trưởng


(Blog Đào Tuấn) - Năm 2009, Giải Ig Nobel trong lĩnh vực toán học được trao cho Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe Gideon Gono. BBT Tạp chí Biên niên sử về các nghiên cứu vớ vẩn đã có sự thống nhất tuyệt đối bởi vị Thống đốc, với việc phát hành các đồng tiền có giá trị từ 1 xu tới 100 nghìn tỷ đôla Zimbabwe đã khiến cho người dân trở nên thông thái, có “nguy cơ” trở thành nhà toán học hơn với nhờ việc xử lý, tính toán hàng loạt con số mà mỗi đơn vị là 1.00.000.000.000.000 mỗi ngày.

Cái vị đắng mà người dân Zimbabwe đón nhận khi hay tin, có lẽ đến hôm qua người Việt cũng đã được cảm nhận khi vô tình rơi vào ma trận giá xăng dầu.

Trong phiên thảo luận tình hình KT-XH, ĐBQH Nguyên Đỗ Mạnh Hùng nêu “Trường hợp Petrolimex” như sau: Năm nào cũng báo cáo lỗ, nhưng khi cổ phần hoá lại báo cáo lãi hàng ngàn tỷ đồng . “Vậy bản chất kinh doanh lãi hay lỗ, lãi thật hay giả, lỗ thật hay giả?”- Ông đặt câu hỏi chung cho tình trạng các ông lớn “Cần huy động vốn thì báo lãi, cần hỗ trợ, cần tăng giá lại báo lỗ. Một hình thức làm mình làm mẩy đầy hư hỏng, chỉ có ở những quý tử nhà giàu được nuông chiều.

Nhưng sau phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, người dân, và có lẽ cả các vị đại biểu QH cũng không thể phân định được Petrolimex lỗ, hay lãi, giả, hay thật, khi mà Bộ trưởng Bộ Tài chính thì khẳng định như đinh đóng cột: “Petrolimex lãi 3 năm liền!”. Xuất thân 10 năm kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Huệ dẫn báo cáo kết quả kiểm toán trong ba năm từ 2008 – 2010, cho hay: Năm 2008 Petrolimex lãi 913,7 tỷ đồng, trong đó kinh doanh xăng dầu (KDXD) lãi 642 tỷ đồng. Năm 2009, lãi 3.217 tỷ đồng, trong đó KDXD lãi 2.660 tỷ đồng. Và năm 2010, doanh nghiệp này lãi 314 tỷ, trong đó KDXD lỗ 172 tỷ đồng, nhưng các ngành khác lại lãi gần 200 tỷ đồng. Rất rõ ràng và hoàn toàn không có sự nhầm lẫn giữa lãi từ kết quả kinh doanh tổng hợp và từ kết quả KDXD. “Tính tổng lại thì xăng dầu vẫn lãi, và trong ba năm thì Petrolimex đều có lãi cả”, tư lệnh ngành Tài chính khẳng định. Nhưng ngay sau khẳng định này, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định ngược lại, cũng như đinh đóng cột: Riêng KDXD, Petrolimex lỗ.

Sự thể càng thêm rắc rối bởi chỉ 1 ngày sau khi QH bế mạc, Bộ Tài chính ra công văn, mà báo chí gọi chính xác là “cải chính” những con số mà Bộ trưởng Huệ đã đưa ra trước QH. Bản tin Tài chính của Bộ Tài chính dẫn báo cáo quyết toán hợp nhất 6 tháng đầu năm 2011 của Petrolimex khẳng định KDXD lỗ 1.840 tỷ đồng.

Đúng là miệng quan. Sổ toẹt luôn cả kết quả kiểm toán đã từng dẫn.
Đến mức này thì nhân dân không thể không “mắt chữ O mồm chữ A”.
Lỗ lãi, không đơn giản chỉ là chuyện của một doanh nghiệp (DN), vì đó là DN độc quyền, vì đó là DN chiếm 60% thị phần bán lẻ, vì loại hàng hóa đó ảnh hưởng đến không chỉ đời sống của người dân mà cả nền kinh tế.

Trong Hội thảo về cơ chế kinh doanh xăng dầu chỉ cách nay 2 tháng, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú gay gắt đến mức chỉ trích Bộ Tài chính: “Thích dùng chân tay hơn cái đầu, ngại biện pháp kinh tế, chỉ thích biện pháp hành chính…”. Còn một vị phó vụ trưởng thì kháy rằng: “Tôi không giỏi nhưng cũng đi thi toán quốc tế…”. Dư luận sau đó mải tán tụng câu trả lời, rất hàng tôm hàng cá, của Bộ trưởng Huệ, rằng: “Dù học nhiều nhưng cần có kiến thức thực tế” mà quên mất rằng có nhiều thực tế ở Việt Nam không tính bằng toán học được, chẳng hạn như chuyện lỗ lãi của DNNN.

Xung quanh câu chuyện lỗ lãi của Petrolimex, các bộ, ngành và bản thân Petrolimex đang “dùng tay”, “dùng đầu”, hay dùng…miệng, có lẽ đến giờ thì cũng chỉ mình họ biết.
Với tiêu chí “Đầu tiên khiến mọi người cười, sau đó khiến họ phải suy nghĩ”, Nobel ig năm nay, ở lĩnh vực… y học, chính xác phải được trao cho hai vị bộ trưởng. Bởi với việc đưa ra những tình trạng ngược nhau xung quanh giá của cùng một loại mặt hàng, họ có thể khiến những công dân đất nước mình không nhìn, cũng vẫn có thể rơi vào trạng thái mù màu về giá.

Không có nhận xét nào: