Trang

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Xin cắn hạt dưa mà chịu đựng.

(Blog Cánh Cò) - Chưa bao giờ người giáo viên phải đối diện với những căn bệnh bỉ thử của xã hội nhiều như hôm nay. Nghề nghiệp cao quý chỉ mới đây vài thập niên được tôn vinh hết mực, được xã hội nể vì, được học trò kính trọng như một điểm sáng dẫn đường trong hành trình đi tìm tri thức nay đã thành điển hình cho những gì tan vỡ nhất trong cộng đồng.
Sự học không còn phục vụ cho tri thức mà nó đã được mặc nhiên thừa nhận như phương cách để kiếm tiền sau khi tốt nghiệp. Cái giá đem trả cho người thầy được đặt xuống như một thách thức của xã hội khi nhà nước từ lâu không còn trách nhiệm với cuộc sống của người giáo viên nói chi đến việc tuyên dương giá trị kiến thức của họ qua đồng lương thích đáng.
Giáo viên cả nước tự bơi trong chiếc hồ khổng lồ đậm đặc ô nhiễm và xuống cấp của đạo đức. Họ kiếm thêm thu nhập khi đồng lương chính thức không thể giúp gia đình no lòng. Dạy thêm là phương cách khó từ chối để người thầy không quỵ ngã nhưng nó đang là con dao hai lưỡi giết dần mòn niềm tin của học sinh lẫn cha mẹ chúng.
Người giáo viên có chọn lựa duy nhất là phải có học sinh học thêm. Học sinh có chọn lựa cũng duy nhất là nếu không học thêm sẽ khó đạt điểm cao trong lớp khi bạn bè em ai cũng theo học thêm bằng cách nào đó. Học và dạy thêm hiện nay hình thành bán chính thức vì không có một quy định nào khuyến khích hay ngăn cấm việc này. Bộ Giáo dục có lẽ là nơi vô trách nhiệm nhất đối với nhân viên của mình so với các Bộ khác khi biết rõ và chắc chắn rằng không ai có thể sống được với đồng lương nhưng cấp cao nhất vẫn chọn thái độ im lặng. Các cơ quan khác thì chọn tham nhũng, ăn cắp của công, còn nhà giáo thì không thể làm gì hơn là phải chọn lựa dạy thêm và chấp nhận ánh mắt thiếu thiếu cảm của phụ huynh học sinh soi mói. Nhưng biết làm sao hơn vì họ không thể ăn cắp như những cơ quan khác.
Xã hội đồng lòng chấp nhận trả tiền học thêm cho con em mình như một cách trả nợ để chúng thoát các kỳ thi cuối cấp. Không ai ngạc nhiên khi những ý kiến nêu trên mặt báo của phụ huynh học sinh không nhiều thì ít luôn cho rằng tiền học thêm của con cái họ làm cho đôi vai của cha mẹ học sinh cong quằn hơn.
Còn giáo viên thì sao?
Đâu đó cũng không thiếu giáo viên nhờ dạy thêm mà khấm khá. Sự ăn nên làm ra dựa vào bục giảng của một số rất ít này trở thành kim chỉ nam cho rất nhiều đồng nghiệp. Nhiều, rất nhiều giáo viên các cấp hiện nay chăm chú nhìn vào sự thành công đó rồi buộc mình vào cỗ xe không người lái này.
Dù khấm khá hay không thì những con người trí thức khốn khổ mang tên Giáo viên có miệng mà không nói được. Tại sao phải dạy thêm.Tại sao phải chịu đựng sự sỉ nhục âm thầm chung quanh môi trường sống. Tại sao chấp nhận đồng lương khốn nạn như vậy mà không hề phản kháng? 
Ngày thường thì gia đình những giáo viên nghèo túng có thể nương tựa nghiêng ngã vào nhau mà sống, điều đáng sợ nhất của nhiều gia đình giáo viên khi năm hết tết đến. Họ phải đối diện với những vấn đề nan giải mà không ít người chỉ biết ngậm ngùi chịu đựng.
Truyền thông trong những ngày cận tết ngoài việc đưa tin giá cả của các loại thực phẩm cần thiết thì vấn đề tiền thưởng tết được bàn thảo rất kỹ. Theo báo chí thì năm nay tuy kinh tế trì trệ nhưng mức thưởng tết cho công nhân trong các khu công nghiệp không đến nỗi tệ, bình quân mức thưởng tết năm nay cho lao động là 2 triệu cho mỗi người.
Về cán bộ nhà nước thì báo Thanh Niên dựa theo số liệu thống kê của Liên đoàn Lao động TP.HCM cho thấy UBND phường của Q.11 là nơi lương, thưởng tết cao hơn so với các quận, huyện khác. Cụ thể, mức cao nhất 24 triệu đồng một người, và thấp nhất là18 triệu đồng một người, bình quân 19 triệu đồng mỗi người.
Những người hoạt động trong các đơn vị hành chánh sự nghiệp như bệnh viện thì mức thưởng tết rất cao. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương công bố mức thưởng Tết cho nhân viên với mức 17 triệu đồng mỗi người.
Tại bệnh viện Nhân dân 115 mức thưởng dự kiến là 18 triệu đồng. Tuy nhiên bệnh viện Từ Dũ đã qua mặt tất cả với mức thưởng 20 triệu bình quân. Mức thưởng của các bệnh viện chỉ chênh lệch nhau không đáng kể nhưng sự chênh lệch kinh khủng nhất là người làm việc tại bệnh viện và người giáo viên trên cả nước.
Cùng là đơn vị sự nghiệp như nhau, một bên cứu người còn một bên trồng người nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo không hề lên tiếng về việc không có việc thưởng tết cho nhân viên của mình. Giáo viên tiếp tục bơi mà không dám nhìn sang người bạn y tế bên cạnh. Có mặc cảm cũng đúng bởi cả xã hội đã nghiễm nhiên thừa nhận lối tổ chức ngu xuẩn này từ nhiều chục năm nay của cả hệ thống. Ngậm đắng nuốt cay là chọn lựa của nhiều giáo viên cho vị trí kiếm sống của mình.
Cũng có người chú ý tới hoàn cảnh bi đát của những giáo viên và họ tự ý quyên góp phẩm vật để “đi tết”cho thầy cô thay vì tiền thưởng. Những vật phẩm mà người hảo tâm mang tặng thầy cô giáo thật không khác gì để cứu trợ nạn nhân bão lụt. Cũng mì gói, cũng dầu ăn, nước tương, nước mắm…và vì dịp tết nên có cô giáo nhận được một bịch hạt dưa để dành cắn trong dịp tết!
Mà suy cho cùng thầy cô giáo có khác gì nạn nhân bão lụt đâu? Khác chăng là bão lụt thật xảy ra vào giữa năm còn bão lụt của giáo viên thì lặp đi lặp lại vào dịp tết. Bão lụt thật thì chết người trước mắt còn bão lụt trong đời giáo viên sẽ gây ra những cái chết mòn.
Bức tranh này diễn mãi hàng năm lâu dần đã trở thành quen và bởi quen nên cảm xúc của xã hội trở nên chai lỳ. Thật đáng tuyên dương cho ai đó có ý tưởng tặng hạt dưa cho thầy cô giáo, bởi hạt dưa được nhuộm  màu đỏ nên khi cắn chúng sẽ ướp cho cô giáo một chút hồng trên môi, cũng là cách che bớt chua chát, đắng cay trong lòng cô trong những ngày cận tết.

Không có nhận xét nào: