Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Về bài thơ “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban căng”




Ông: Khổng Văn Đương
Nhân có 1 cháu hiện đang là sinh viên ngôn ngữ tại trường Đại học Tổng hợp Sofia hỏi về bài
thơ, tôi tìm thấy các bài báo nói về tác giả bài thơ và câu chuyện về mối tình của ông, xin chia sẻ cùng các bạn. Ngày ở bên Bul mới đầu tôi cũng nghĩ bài thơ nói về tình cảm của cô gái Bul với anh sinh Việt nam vì thấy có cả biển Đen và sông Đa-nuýp, nhưng núi Carpat thì ở Bulgari không có, sau mới biết đó là ở Rumani.

Chuyện tình không biên giới và bài thơ tình hay nhất thế kỷ XX

Chàng là một sinh viên Việt Nam tài hoa với rất nhiều tài lẻ, du học tại Rumani những năm 60 cuả thế kỷ XX. Nàng là sinh viên người bản xứ, xinh đẹp, tóc vàng, mắt biếc. Như duyên trời định, họ bất ngờ gặp và quen nhau trong một kỳ nghỉ hè bên bờ Biển Đen. Và họ yêu nhau. Tình yêu nồng nàn đắm say của tuổi trẻ dạt dào như sóng biển. Thế nhưng, do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ quá khắc nghiệt, chàng bị “tổ chức” bắt buộc phải chia tay nàng mà không được tiết lộ với người yêu nguyên do… Bỗng dưng chàng biến mất, cô gái đã phát bệnh tâm thần và lang thang đi tìm người yêu ở tất cả những nơi trước đây 2 người đã từng hò hẹn, từng chỉ non thề biển… Chàng trai đau khổ đến tột cùng khi phải câm lặng chứng kiến nỗi đớn đau vì bị phụ tình của cô gái trong trái tim mình, chàng đã bật lên những lời thơ, mà lúc ấy chàng không hề nghĩ rằng nó đã lập tức trở thành những áng thơ tình bất hủ và sau này còn được bình chọn là một trong những bài thơ tình hay nhất thế kỷ XX…

Rụt rè… vụ kiện đòi nhận bản quyền của “thi phẩm bất hủ”

Hơn 30 năm qua, các thế hệ sinh viên VN, đặc biệt là SV miền Bắc và những người yêu thơ đã cực kỳ yêu thích bài thơ “Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban- căng”, một bài thơ tình với những lời thơ nồng nàn, da diết: “Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban-căng/ Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng/ Một mình em trong màn đêm thanh vắng/ Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng”. Chúng tôi đã thuộc, đã chép cho nhau, truyền tay nhau những câu thơ tình bất hủ, mặc dù không biết tác giả là ai, nhưng ai cũng nghĩ rằng đó là câu chuyện tình của những chàng trai cô gái châu Âu xa xôi. Cho đến năm 1990, khi NXB Văn hoá cho ấn hành cuốn sách Almanach Người mẹ và phái đẹp, trong mục “Những bài thơ tình hay của Việt Nam và thế giới” đã tuyển chọn bài thơ này và ghi rất rõ tác giả là Onga Becgon (một nữ thi sỹ nổi tiếng của nước Nga) thì chúng tôi càng hồn nhiên tin rằng đó là một tác phẩm xuất sắc của thi ca châu Âu, mặc dù NXB không ghi rõ ai là dịch giả.
Thật bất ngờ, cuối năm 2004, trong một lần gặp gỡ bạn bè thân thiết ở TP Hồ Chí Minh ra công tác Hà Nội, vô tình tôi được tiếp xúc với kỹ sư hóa học Khổng Văn Đương. Thấy chúng tôi nói chuyện văn chương, Khổng tiên sinh rụt rè thổ lộ rằng thời trẻ ông cũng từng làm thơ, ông có bài thơ “Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban-căng” được in trong cuốn Almanach, nhưng tiếc rằng NXB lại nhầm là của Onga Becgon. Chúng tôi vô cùng sửng sốt. Nhưng sau khi nghe ông kể lại toàn bộ câu chuyện tình của ông khi còn là chàng SV Việt Nam trên đất Rumani với cô gái người bản xứ tóc vàng, bi kịch bị ép buộc phải từ bỏ tình yêu của mình và bức thư oán trách của cô gái đã là khởi nguồn cho bài thơ ra đời, thì chúng tôi đã thực sự bàng hoàng kinh ngạc. Và chúng tôi càng kính trọng tác giả của bài thơ hơn khi biết rằng suốt mấy chục năm qua, ông đã giữ im lặng hoàn toàn, cho dù hàng triệu người yêu thơ cũng như rất nhiều nhà xuất bản nghiễm nhiên coi “đứa con tinh thần” của ông là của người khác. Thấy chúng tôi chân thành khuyên ông nên làm đơn gửi kèm các chứng cứ đến Trung tâm quyền tác giả văn học (thuộc Hội Nhà văn VN) yêu cầu xác minh, chứng nhận bản quyền, Khổng Văn Đương rụt rè thổ lộ: ngay sau khi cuốn Anmanach do NXB Văn hoá xuất bản, ông đã viết một bức thư định gửi cho NXB yêu cầu đính chính, nhưng đắn đo mãi đến nay vẫn chưa gửi.

Chuyện tình không biên giới của chàng SV Việt

Khổng Văn Đương sinh năm 1945, tuổi Ất Dậu, quê ở Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ông không chỉ học rất giỏi mà còn làm thơ hay. Đến nay ông vẫn còn lưu giữ nhiều bài thơ trong số hơn 100 bài do ông sáng tác, từ sáng tác “đầu tay” khi còn là HS phổ thông cho đến khi ông phải “ngửa mặt lên trời than rằng “từ nay ta không làm thơ nữa” và bẻ gãy cây bút vào năm 1969 bởi nỗi lòng đau khổ vì yêu”- theo như ông tâm sự. Năm 1965 ông được Bộ Giáo dục chọn đi học Đại học Hoá học tại trường Đại học Bách khoa Georges Dej Bucarest Rumani. Số phận run rủi hay duyên kỳ ngộ khiến mùa hè năm 1966 khi đi nghỉ mát tại Biển Đen, Khổng Văn Đương đã gặp Valentina một cô gái Rumani tóc vàng hạt dẻ, mắt xanh, cô 17 tuổi học sinh lớp 12.
Một năm sau, vào dịp nghỉ hè năm 1967, Valentina lên nhà ông chú ở Bucarest chơi, ngay chỗ tôi đang học. Nàng gọi điện cho tôi đến chơi. Run bắn lên vì sung sướng, tôi vội vàng đi gặp nàng. Chúng tôi đã gắn bó với nhau suốt kỳ nghỉ hè. Đó là một thời gian tuyệt đẹp – Khổng tiên sinh bồi hồi nhớ lại. Tình yêu của hai chúng tôi nảy nở tốt đẹp, chúng tôi yêu bằng cả trái tim chân thành và trong sáng. Tôi đã cùng người bạn học thân thiết là anh Doanh về thăm nàng tại quê vào mùa đông năm 1967. Hôm đó bão tuyết mịt mùng, khi thấy tôi, nàng mừng đến nỗi nhảy chồm lên ôm lấy tôi, rồi nàng giới thiệu tôi với bố mẹ. Sau đó mỗi lần tôi đến chơi, mẹ nàng lại cho lúc giỏ táo, lúc trứng gà, lúc rượu trái cây. Nhưng tiếc rằng thời điểm đó chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta đang vào giai đoạn khốc liệt, nên chuyện yêu đương của bất cứ một SV Việt Nam nào với người bản xứ đều không được Ban chấp hành Đoàn và tổ chức SV tại Rumani chấp nhận. Tôi bị tổ chức phát hiện, bắt làm kiểm điểm và yêu cầu phải chấm dứt quan hệ. Thấy rõ nguy cơ nếu tiếp tục duy trì tình yêu thì sẽ bị trục xuất về nước, lúc đó thì gia đình, họ hàng dòng tộc chắc không ai thèm nhìn mặt tôi nữa, vả lại thâm tâm tôi cũng thấy phần nào có lỗi với các chiến sỹ ta đang chiến đấu ở chiến trường khốc liệt, do đó trong một lần đi chơi với Valentina, tôi đã đề nghị và quyết định hai chúng tôi phải cắt đứt quan hệ mà không nói lý do thực. Tôi hoàn toàn không ngờ việc đó đã gây ra một hậu quả rất đau buồn đối với nàng. Sau đó khoảng nửa tháng, tôi nhận được một lá thư  của Valentina với lời lẽ hết sức bi thiết và oán hận. Xúc động trước tình cảm chân thành, tha thiết này, tôi đã viết bài thơ “Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng” chỉ trong một buổi chiều. Bài thơ đã phỏng lại gần như toàn bộ nỗi niềm ai oán, giận hờn của Valentina thể hiện trong thư nàng và tâm hồn tôi lúc đó cũng vô cùng trơ trọi, trống vắng. Một điều hết sức đau khổ nữa là sau cú sốc đó, đang là SV trường Đại học Tổng hợp Bucarets, Valentina bị ngẩn ngơ đến nỗi phải nghỉ học mất một năm. Còn tôi bị tổ chức tịch thu tập thơ (trong đó có khoảng 50 bài tôi viết cho nàng), cả thư từ, ảnh chụp với nàng. Vì vậy tôi đã bẻ bút, thề không làm thơ nữa… Và cho đến nay, 40 năm trôi qua, tôi quả thực không hề làm một câu thơ nào nữa, nhưng tôi có thể sẽ công bố một số bài thơ sáng tác lúc còn… chưa bẻ bút…
( INT )

 Kết thúc có hậu chính từ tình yêu đẹp trong cuộc sống

- Vậy thời gian sau đó ông có thông tin gì về nàng không?
- Sau khi về nước công tác, tôi vẫn canh cánh trong lòng nỗi niềm và lo lắng cho nàng. Nhưng thật may mắn, năm 1979, có dịp đi công tác tại Tiệp Khắc, tôi đã hồi hộp tìm kiếm cơ may gặp lại nàng. Đến Tiệp Khắc, tôi liền điện thoại tìm nàng. Mấy hôm sau nàng đã cùng chồng và một đứa con có mặt tại Tiệp Khắc thăm tôi. Lúc ấy nàng đang làm việc tại Hội hữu nghị Rumani-Đức. Tôi thật vui mừng khôn xiết vì nàng khoẻ mạnh, vẫn xinh đẹp và đã có hạnh phúc gia đình, không như tôi vẫn canh cánh lo cho nàng…
Câu chuyện tình của Khổng Văn Đương quả có một kết thúc có hậu, và câu chuyện về bài thơ bị thất truyền của ông cũng đã kết thúc có hậu. Đó là sau khi nghe theo lời khuyên của chúng tôi, ông gửi hồ sơ đến Trung tâm Bản quyền của Hội Nhà văn VN, Trung tâm đã xác minh, và bài thơ “Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban-Căng” đã được trả lại tên cho khổ chủ, Khổng Văn Đương được cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả.
Nhưng còn một bất ngờ nữa mà chàng thi sỹ từng “bẻ bút rồi ngửa mặt lên trời thề không làm thơ nữa” này không hề ngờ tới, đó là khi câu chuyện về tác giả đi tìm lại bản quyền thơ sau gần 40 năm của ông được chúng tôi đăng tải trên một tờ báo, lập tức có hàng nghìn bạn đọc ở khắp nơi trong nước và nước ngoài đã gửi thư, điện thoại liên hệ với ông và với toà soạn. Nhiều người bạn cùng học biết rõ về ông, về hoàn cảnh và xuất xứ bài thơ thì vui mừng vì tìm lại được bạn cũ sau mấy chục năm xa cách, còn những người khác là SV cùng thế hệ với ông tại Rumani, thuộc bài thơ, yêu quý bài thơ nhưng không hề biết mặt tác giả, hoặc quên mất tên tác giả, dù họ đều biết xuất xứ bài thơ là của một chàng SV Việt sáng tác tại Rumani. Khổng tiên sinh vui vẻ khoe:
- Ông Lâm Quế. nguyên là Bí thư thứ 2 Đại sứ quán VN tại Rumani phụ trách lưu học sinh thời ấy, cũng vừa đến thăm và an ủi tôi “Khổng Văn Đương nên coi chuyện cũ là một kỷ niệm…”.
 - Thế là nhà hóa học Khổng Văn Đương bỗng nổi tiếng như cồn với tư cách một nhà thơ có tác phẩm bất hủ của thế kỷ?
- Cuộc đời quả không định trước. Tôi bỗng nhiên gặp các bạn, khiến “máu” văn chương nổi lên, thế là đem câu chuyện gần 40 năm không ai biết ra kể. Thực ra cũng đã có lúc tôi định gửi thư cho NXB Văn hoá sau khi họ in Amanách, nhưng tôi lại sợ không ai tin mình chứ. Khi các bạn khuyên tôi nên gửi đơn đến Trung tâm bản quyền, tôi cũng làm theo với suy nghĩ không nhằm đòi hỏi một quyền lợi gì về vật chất mà chỉ mong bất kể ai cũng có thể sao chép vào những mục đích tuyên truyền văn hoá lành mạnh, tôi chỉ muốn bài thơ thêm chút thi vị và những bạn yêu thơ có quyền biết về nguồn gốc ra đời của tác phẩm…

 

Các bài khác:

Tháng 11-2004, Trung tâm Quyền tác giả văn học VN (Hội Nhà văn VN) nhận được một lá đơn nhờ đăng ký bản quyền bài thơ Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng. Người viết đơn là Khổng Văn Đương, một kỹ sư hóa, hiện đang công tác tại TPHCM.
Sự việc trên vừa gây ngạc nhiên, vừa thú vị vì lâu nay không ai rõ bài thơ nổi tiếng ấy của ai. Nhưng ngạc nhiên và thú vị hơn nữa khi biết bài thơ đó được viết từ một mối tình say đắm, éo le giữa một anh chàng lưu học sinh VN với một cô gái tóc vàng bản xứ xinh đẹp.
Câu chuyện tình không biên giới 
Sau một thời gian tìm hiểu, xác minh, mới đây nhà văn Trần Thị Trường, cán bộ Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam, đã có thư trả lời ông Khổng Văn Đương. Trong đó, bà Trường đưa ra kết luận: Bài thơ Em đi tìm anh… chính là của tác giả Khổng Văn Đương và ông có thể công bố toàn vẹn tác phẩm của mình như đã viết.
Đã ở tuổi gần lục tuần nhưng còn phong độ, khá to con với tính cách cởi mở, chân thành. Đó là cảm nhận đầu tiên khi tôi gặp Khổng Văn Đương trong ngôi nhà nhỏ xinh xắn của ông trên đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3.
Vì yêu thành thơ 
Lôi ra một tập chép tay khoảng mấy chục bài thơ, ông Đương cười nói: “Từ năm 17 tuổi đến khi học đại học, mình đã từng viết khoảng gần 100 bài thơ nhưng thất lạc hết. Nay, chỉ còn một số ít mình cố nhớ chép lại”. Ông say sưa đọc lên cho tôi nghe, vừa đọc vừa giải thích ngọn ngành từng bài. Tôi có cảm giác những sáng tác của ông giống như một tập nhật ký tràn trề cảm xúc lãng mạn của một chàng thanh niên mới lớn.
Rồi ông ngừng đọc, đưa cho tôi một lá thư đề ngày 15-5-1997 gửi Nhà Xuất bản Văn hóa. Ông Đương giải thích: “Lý do tôi viết bức thư này là vì vào năm 1990, Nhà Xuất bản Văn hóa có xuất bản cuốn sách Almanach Người mẹ và phái đẹp. Trong mục “Những bài thơ tình hay” của cuốn sách có bài Em đi tìm anh… của tôi nhưng lại đề tên tác giả là nhà thơ Nga Onga Becgôn! Anh xem thư này sẽ hiểu Valentina là ai, xuất xứ bài thơ ra sao”.
Bức thư có đoạn: “Vào năm 1965 sau khi tốt nghiệp cấp ba phổ thông, tôi được Bộ Giáo dục chọn sang Romania học chương trình đại học tại Trường Đại học Bách khoa Georges Dej Bucarest. Trong thời gian học tại đây, vào năm 1967, tôi có quen và yêu một cô gái người Romania tên là Valentina, 17 tuổi, học sinh lớp 12 Trường THPT Cristina (Brasov). Vào thời điểm đó cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta bước vào những năm ác liệt nên việc yêu đương của bất cứ sinh viên VN nào với người bản xứ đều không được ban chấp hành Đoàn và tổ chức sinh viên tại Romania chấp nhận. Ý thức về điều đó và thấy rõ được nguy cơ nếu cứ tiếp tục yêu đương thì sẽ bị trục xuất về nước, do đó trong một lần đi chơi với Valentina, tôi đã đề nghị và quyết định hai người phải cắt đứt mối quan hệ. Tôi hoàn toàn không ngờ việc đó đã gây một hậu quả rất buồn, sau đó khoảng nửa tháng, tôi nhận được một lá thư của Valentina với lời lẽ hết sức bi thiết và oán hận. Xúc động trước tình cảm chân thành, tha thiết này, tôi đã viết bài thơ “Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng” …

Mối tình ở biển Đen 
. Hỏi: Quả là một câu chuyện tình xúc động. Thế chàng sinh viên Đương và nữ sinh Valentina đã yêu nhau trong trường hợp nào?
- Ông Khổng Văn Đương: Tôi gặp Valentina đầu tiên trong dịp nghỉ hè ở Biển Đen vào năm 1966. Chỗ tôi tắm lên ngồi cũng gần sát với nàng. Cô ấy có mái tóc màu vàng hạt dẻ, đôi mắt to, đẹp như thiên thần, nhìn là bị hớp hồn ngay. Tôi lập tức hỏi chuyện một cách tự nhiên và được nàng thân tình đáp lại.
. Tình yêu thực sự nảy nở mãnh liệt là lúc nào?
- Một năm sau, trong dịp nghỉ hè Valentina lên nhà chú của cô ấy ở Bucarest, ngay chỗ tôi đang học. Nàng đã gọi điện thoại cho tôi đến chơi. Run bắn lên vì sung sướng, tôi vội vàng chạy ngay đi gặp nàng. Chúng tôi đã qua lại với nhau suốt kỳ nghỉ hè đó. Đấy thật sự là những ngày đẹp đẽ.
. Chuyện hai người yêu nhau bố mẹ cô ấy có biết không?
- Biết chứ! Tôi đã từng về nhà nàng ở quê mà. Đó là vào mùa đông năm 1967. Bão tuyết mịt mùng. Khi đi, tôi kéo theo Đỗ Công Doanh, bạn thân cùng học với tôi. Doanh hiện đang công tác tại phòng xuất nhập khẩu Tổng Công ty Giấy Bãi Bằng. Khi thấy tôi, Valentina nhảy ra ôm chầm và giới thiệu với bố mẹ. Từ đó, mỗi lần lên Bucarest mẹ nàng lại giúi cho tôi lúc thì giỏ táo, lúc thì trứng gà, rượu trái cây…
. Theo ông, điều gì khiến Valentina lại đến với một anh chàng sinh viên vừa nghèo, vừa ngoại quốc như vậy?
- Thấy phong tục của VN yêu là chung thủy nên nàng rất thích. Hồi đó, tôi học cũng khá, tính tình lại xởi lởi dễ gần, tiếng “Ru” lại rất rành. Thậm chí còn biết làm thơ bằng tiếng “Ru” nữa cơ mà. Mình yêu bằng cả trái tim, chân thành và trong sáng. Có lẽ những điều đó đã làm nàng rung động.
. Tình yêu đẹp thế, lẽ nào ông không bảo vệ được mà phải nói lời chia tay?
- Không thể được, anh ạ. Tôi bị tổ chức phát hiện, bắt làm kiểm điểm và yêu cầu chấm dứt quan hệ. Nếu cứ tiếp tục, tôi sẽ bị trục xuất về nước. Tôi mà về nước thì gia đình, bà con họ hàng ai nhìn mặt tôi. Hơn nữa, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ác liệt, trong thâm tâm tôi cũng cảm thấy có lỗi phần nào với các chiến sĩ trên mặt trận… Mặc dù anh biết đấy, tình yêu có thể nảy nở ngay trong chiến hào!
. Nghe nói sau khi ông nói lời chia tay, Valentina đã bị điên?
- Nàng trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn đến nỗi phải nghỉ mất một năm học ở Trường Đại học Tổng hợp Bucarest. Tôi nhớ mãi lần về thăm Valentina khi nàng bị bệnh. Bước vào cổng, cảnh tượng đập vào mắt tôi là những cây hạnh nhân bị nhổ nham nhở, tan hoang. Đang nằm trên giường, thấy tôi đến nàng chồm dậy kêu lên “Đương, Đương” rồi ôm tôi nức nở.
. Bài thơ Em đi tìm anh… ông viết có lâu không?
- Tôi viết trong vòng một buổi chiều vào giữa tháng 3-1969, khoảng hai tuần sau khi Valentina gửi bức thư trách móc. Mọi người trong phòng đi vắng hết. Nhìn qua cửa sổ, tuyết rơi đầy, tự nhiên tôi thấy trơ trọi ghê gớm. Bài thơ được phỏng lại gần như toàn bộ nỗi niềm ai oán, giận hờn của Valentina thể hiện trong bức thư nàng gửi, tôi chỉ thêm một chút ít.
. Từ khi về nước đến bây giờ, ông có liên lạc hay biết tin gì về Valentina?
- Tôi chỉ gặp lại nàng một lần duy nhất khi tôi có dịp sang Tiệp Khắc công tác vào năm 1979. Tôi đã gọi điện thoại cho cô ấy và chỉ mấy ngày sau Valentina đã có mặt tại Tiệp Khắc cùng với chồng và một đứa con. Lúc bấy giờ, trông Valentina đã đỡ hơn nhiều. Cô ấy khoe đang làm việc tại Hội Hữu nghị Romania – Đức.

Tôi chỉ muốn bài thơ thêm thi vị 
. Bức thư ông viết cho Nhà Xuất bản Văn hóa nhằm khẳng định mình mới là tác giả đích thực của bài thơ Em đi tìm anh… Tuy nhiên sau đó đã không được gửi đi. Bẵng đi mấy năm, bây giờ ông lại viết thư nhờ Trung tâm Quyền tác giả làm thủ tục đăng ký bản quyền bài thơ?
- Thật ra tôi cũng không có ý định đó đâu. Anh Hồng Thái và chị Thu Phương, phóng viên Báo Văn Nghệ Công An, trong quá trình viết bài đã khuyên tôi viết đơn và đã chuyển giùm đơn của tôi cho Trung tâm Quyền tác giả. Trong đơn, tôi đã nói rõ việc đề nghị của tôi không nhằm mục đích bảo hộ quyền lợi về vật chất (ví dụ tiền nhuận bút…), bất kể ai cũng có thể sử dụng, sao chép vào những mục đích tuyên truyền văn hóa lành mạnh.
. Thơ là của mình làm ra nhưng ông lại không mặn mà với việc yêu cầu đính chính. Liệu ông có… gàn?
- Tôi đã từng viết thư cho bạn bè, tâm sự: “Văn chương vốn dĩ là sự thanh cao, tinh khiết. Thế nên mọi tranh chấp đều có thể làm tổn thương đến sự thanh cao, tinh khiết ấy. Do đó mặc dù bài thơ là của tôi 100%, tôi cũng không muốn cải chính lại làm gì nữa. Vả lại, bài thơ đã ra đời 35 năm rồi, cốt sao bài thơ có nhiều người thích đọc, còn tác giả là ai không quan trọng”.
. Có vẻ như ông đã mâu thuẫn với chính mình khi trong đơn ông đề nghị được bảo hộ một điều duy nhất là khi trích dẫn hay in ấn thì trích đúng lời thơ và tên tác giả?
- Để tôi đọc tiếp bức thư trên. “… Tuy nhiên, sẽ rất đáng tiếc nếu người đọc không biết lai lịch xuất thân của bài thơ, nên khi đọc sẽ kém đi phần thi vị”. Đó cái mâu thuẫn mà anh gán cho tôi chính là ở chỗ này đây.
. Ông nói rằng toàn bộ tập thơ ông viết trong đó có khoảng 50 bài tặng cho Valentina cũng như thư từ, ảnh đã bị phát hiện, tịch thu hết. Việc chứng minh bài thơ Em đi tìm anh… là của ông chắc không dễ?
- Rất may là tôi đã lục tìm lại được hai trang chép tay, trong đó có bốn khổ thơ của bài Em đi tìm anh… Theo nhà văn Trần Thị Trường (Trung tâm Quyền tác giả VN), thì đây là loại giấy viện trợ của Nga, chỉ có vào những năm 1960-1970. Mặt khác, rất nhiều sinh viên VN học ở Romania cùng thời điều biết bài thơ ấy là của tôi. Ví dụ nhanh Ngô Xuân Khoa, Công ty Liên doanh Dầu khí Petronas Malaysia; anh Đỗ Công Doanh, người cùng đi với tôi đến nhà Valentina; anh Trần Đức (Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu VN)… Ông Lâm Quế, nguyên bí thư thứ 2 đại sứ quán VN ở Romania phụ trách lưu học sinh, cách đây không lâu cũng đến thăm và an ủi tôi nên coi chuyện cũ là một kỷ niệm…
. Xin cảm ơn ông
Theo PL (Báo Người Lao Động, tháng 1/2005)

Ai là tác giả bài thơ “Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng”?


Ông Khổng Văn Đương
“Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng
  Tìm không thấy, chỉ thấy trời im lặng
  Một mình em trong đêm dài thanh vắng
  Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng…” 
Những câu thơ này xuất hiện trong vài cuốn sách với tác giả Ônga Bécgôn – một nữ thi sĩ của Nga nổi danh. Gần đây một người Việt Nam đã nhận là tác giả của những vần thơ này.
Chuyện bắt đầu từ năm 1990, NXB Văn hóa ấn hành cuốn sáchAlmanach Người mẹ và phái đẹp, trong đó mục “Những bài thơ tình hay” (Thế giới và Việt Nam) có đăng bài thơ Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng (trang 204) và ghi tên tác giả là nhà thơ Nga Ônga Bécgôn (1910 – 1975).
Sách in xong, có một người đàn ông ở Tp.HCM tình cờ đọc được bài thơ trên, đã lặng đi, cảm xúc buồn vui ùa về, khiến ông sửng sốt bàng hoàng: “Đứa con tinh thần” của ông sau bao năm lưu lạc tưởng đã mất, nay được xuất hiện trang trọng. Chỉ có điều người ta đã nhầm “người mẹ” là: Ônga Bécgôn! Và nội dung có khác một số câu chữ. Bảy năm sau, ngày 15/5/1997, ông mới rụt rè viết bức thư gửi NXB Văn hóa, nội dung bức thư như sau:
“Tôi tên là Khổng Văn Đương, sinh năm 1945, tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Nghề nghiệp: kỹ sư hóa, công tác tại Công ty Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia (SULECO) thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Tp.HCM… Thực tình tôi đã mua được cuốn sách này từ lâu, nhưng mãi gần đây tôi mới đọc kỹ và phát hiện ra điều này.
Vào năm 1965, sau khi tốt nghiệp cấp ba phổ thông tôi được Bộ Giáo dục chọn sang Rumani học chương trình đại học tại Trường đại học Bách khoa Georges Dej Bucarest. Trong thời gian học tại đây, vào năm 1967, tôi có quen và yêu một cô gái người Rumani tên là Valentina, 17 tuổi, học sinh lớp 12 trường THPT Cristina (Brasov).
Vào thời điểm đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta bước vào những năm ác liệt nên việc yêu đương của bất kỳ sinh viên Việt Nam nào với người bản xứ đều không được Ban chấp hành Đoàn và tổ chức sinh viên tại Rumani chấp nhận. Ý thức về điều đó và thấy rõ được nguy cơ nếu cứ tiếp tục yêu đương, thì sẽ bị trục xuất về nước, trong một lần đi chơi với Valentina, tôi đã đề nghị và quyết định hai người phải cắt đứt mối quan hệ.
Tôi hoàn toàn không ngờ việc đó đã gây một hậu quả rất buồn, sau đó khoảng nửa tháng, tôi nhận được một lá thư của Valentina, với những lời lẽ hết sức bi thiết và oán hận. Xúc động trước tình cảm chân thành, tha thiết này, tôi đã viết bài thơ Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng được đề cập ở trên.
Câu chuyện tình của chúng tôi về sau kết cục rất bi đát: Quan hệ của chúng tôi bị tổ chức phát hiện, tôi bị khai trừ ra khỏi Đoàn, Valentina phát điên, và mọi sự đều đổ vỡ tan tành. Tập thơ tôi viết tặng Valentina (khoảng 50 bài trong đó có bài Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng) bị đánh giá là có màu sắc xấu, bị tịch thu và gửi đi đâu tôi cũng không được biết.
Như vậy, bài thơ được in từ năm 1990 nhưng mãi 7 năm sau, tác giả mới gửi bức thư tới NXB xin đề nghị được đính chính, nhưng đã không gửi đi.
Sau này tâm sự với chúng tôi, Khổng Văn Đương buồn bã nói rằng: “Tôi vừa ngưỡng mộ, vừa sợ sệt văn chương. Tôi vẫn còn biết lặng đi trước một câu thơ hay, nhưng nghĩ tới tập thơ viết tay làm từ lúc 17 tuổi lên tàu ra nước ngoài mà thấy ớn lạnh…”
Lời lẽ tha thiết trong bức thư của Khổng Văn Đương đã thôi thúc chúng tôi tìm tới NXB Văn hóa (nay là NXB Văn hóa – Thông tin). Biên tập viên kỳ cựu mảng sách văn nghệ gần 30 năm có lẻ, ông Nguyễn Hoàng Điệp (Ban Sách nghệ thuật) cho biết, ông vừa là đồng tác giả, vừa là thư ký, vừa là biên tập viên của cuốn Almanach. Cuốn này xuất bản đầu tiên vào năm 1986. Đến năm 1990 thì cuốn sách đã nhiều lần tái bản, số lượng phát hành lên tới 4 – 5 vạn bản.
Ông Điệp cho hay: “ Trước đó bài thơ trên đã được in chính thức tại một giáo trình của một trường đại học, một chuyên khảo thơ hay một tạp chí nào đó, nên NXB Văn hóa mới chọn… Theo quan điểm của tôi, bài Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng có thể là của Ônga Bécgôn vì căn cứ vào cấu trúc, giọng điệu, ngôn ngữ của bài thơ đậm chất phương Tây và rất giống chất thơ của nữ thi sĩ người Nga này…”
Lật giở cuốn Almanach Người mẹ và phái đẹp tái bản năm 1990, chúng tôi thấy hai bài thơ Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăngvà Mùa lá rụng của Ônga Bécgôn được in trang trọng, dưới chùm thơ có dòng chữ: Trích “Mùa trăng mong chờ” – NXB Phụ nữ 1985. Tại thư viện Quốc gia, không khó khăn gì để tìm được cuốn Mùa trăng mong chờ, tập thơ nói về tình yêu của các nữ tác giả trong và ngoài nước.
Nhưng thật bất ngờ, Ônga Bécgôn xuất hiện trong tập thơ với hai bài thơ Chiếc móng ngựa ở Khécxônnet và Mùa lá rụng đều do nhà thơ Bằng Việt dịch mà không hề có Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng.
Trong cuốn sách Almanach nhắc tới đây, ở phần “Những bài thơ tình hay”, Ban biên soạn cũng từng để xảy ra một sự nhầm lẫn: Đó là việc tuyển in bài thơ Bóng đen của nhà thơ Bế Kiến Quốc nhưng lại đề tên tác giả là nhà thơ Đức nổi tiếng thế kỷ XIX Henrích Hainơ. Sự cố này đã gây cho nhà thơ Bế Kiến Quốc nhiều rắc rối và chỉ được giải quyết sau khi Giám đốc NXB Văn hóa (bấy giờ là nhà thơ Quang Huy) có công văn thông báo: Tập thơ Henrích Hainơ nhắc tới trong cuốn sách không hề có bài thơ nào là bài thơ Bóng đen, kèm đó là lời xin lỗi nhà thơ Bế Kiến Quốc vì sự sơ suất của Ban biên soạn.
Trong số những tài liệu mà ông Khổng Văn Đương cung cấp, chúng tôi đã được thưởng thức những bài thơ trong tập bản thảo viết tay của ông từ ngày còn học lớp 10, một số bài thơ làm trên đường sang Rumani, cả một số bài viết tặng Valentina, cô gái Rumani ngây thơ và tội nghiệp.
Đọc những bài thơ ông tặng Valentina như Valentina – tình yêu thế kỷHắc Hải đêm hèTình BarasevBài ca vĩnh biệt hay Ngẫm mình, có cảm giác những câu thơ ông viết trong lệ trào.
Trong bài thơ Ngẫm mình, bài thơ cuối cùng ông viết trên đất Rumani tặng Valentina có những câu thơ thật đau:
                      Hỡi nhân tâm ở trên đời
                      Tìm cho biên giới lòng người ở đâu
                      Tưởng rằng thời loạn xa nhau
                      Ngờ đâu nay cũng địa đầu cách ngăn
                      Sáu năm ở đất Bancăng
                      Vì yêu để nợ ngàn năm chốn này…
***  
Cội nguồn của “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban căng”


Ông Khổng Văn Đương (phải) cùng tác giả bài báo
(Thanh tra)- Năm 1990, Nhà Xuất bản Văn hóa phát hành cuốn sách “Almanach Người mẹ và phái đẹp”. Trong tác phẩm này có đăng những bài thơ tình hay nhất của Việt Nam và thế giới. Bài thơ “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban căng” được đặt ở vị trí trang trọng trong cuốn sách. Tác giả bài thơ được ghi là Onga Becgon – nữ sĩ nổi tiếng người Nga. 
Cuốn sách không ghi ai là dịch giả bài thơ. Theo một số người trong ban biên tập cuốn sách, họ đã tìm các dịch giả tiếng Nga nổi tiếng, nhưng cuối cùng không ai nhận mình là dịch giả, nên bài thơ thiếu tên người dịch. Có điều, với tình cảm nồng nàn, da diết mang màu sắc lãng mạn có phần bi lụy, bài thơ đã làm rung động hàng triệu trái tim của những người yêu thơ, đặc biệt là những thế hệ sinh viên Việt Nam trong gần 40 năm qua.
Tác giả là người yêu nhân vật trong thơ
Cách đây vài năm, tại một quán cà phê trên tòa nhà Hàm Cá Mập bên bờ Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), một đám bạn văn giao lưu với một số doanh nhân từ miền Nam ra. Trong tiệc vui, một người có dùng cụm từ “Ban căng” để phản ánh tình hình kinh tế của một doanh nghiệp. Vị doanh nhân ở phía Nam có hỏi lại người đó về nguồn gốc của cụm từ này và sau đó tự giới thiệu mình chính là tác giả bài thơ “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban căng”. Người đó chính là Khổng Văn Đương, sinh năm 1945, quê ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Năm 1965, ông Đương được Nhà nước cử sang Rumani học tại Khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa Georges Dej Bucarest Rumani. Kì nghỉ hè đầu tiên năm 1966, ông và một số sinh viên Việt Nam đi nghỉ tại Biển Đen. Nơi đây, ông đã gặp Valentina, nữ sinh trung học Rumani xinh đẹp. Năm 1967, vào kì nghỉ hè, Valentina lên nhà ông chú ở Bucarest chơi. Nàng đã gọi điện cho ông Đương, 2 người gặp nhau và gắn bó suốt cả mùa hè. Tình yêu đã đâm chồi nảy lộc. Ông Đương sung sướng được đón nhận tình yêu thánh thiện từ cô gái ngoại quốc đẹp người, thông minh và lãng mạn. Tình yêu giúp ông thông thạo về thứ tiếng bản địa và học hành giỏi giang hơn.
Mùa Đông năm đó, ông Đương và người bạn cùng lớp tên Doanh đã về nhà Valentina theo lời mời. Bố mẹ Valentina đều là nhà giáo và am hiểu về dân tộc Việt Nam qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cho nên rất quý mến ông Đương. Sau đó, cứ mỗi lần đến chơi, ông lại được gia đình Valentina mua cho nhiều thứ như: Táo, rượu vang, trứng gà đưa về kí túc xá để ăn dần.
Tình yêu của hai người cứ thế lớn dần. Đây cũng là thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam bước vào thời kì ác liệt. Chính vì vậy, những sinh viên được chọn ra nước ngoài học phải gạt bỏ yêu đương, tập trung học tập tốt nhất để sau này trở về xây dựng Tổ quốc. Chuyện tình của ông Đương vỡ lở. Toàn bộ các bài thư tình đã viết cho Valentina và những tấm ảnh chụp chung giữa hai người, ông Đương đem nộp cho tổ chức. Ông Đương ý thức được rằng, nhiều người bạn cùng trang lứa của mình đã xếp bút nghiên ra chiến trường khốc liệt nhất ở miền Nam. Nhiều người trong số họ đã hi sinh. Còn mình được yên ổn, ung dung trên giảng đường đại học nước ngoài. Ông hiểu, đó sẽ là một cú sốc lớn đối với Valentina khi ông quyết định cắt đứt quan hệ mà không dám nói thật về lí do. Ông đã viết thư chia tay.Nhưng, ông không ngờ rằng Valentina đã đau buồn đến nhường nào! Nhận thư nàng mà ông cảm thấy mình có lỗi lớn bởi đó là tình yêu trong sáng quá. Thư nàng gửi với những lời lẽ bi thiết, có phần oán hận, nhưng vẫn le lói một ngày kia ông sẽ quay trở lại. Chính vì vậy mà nàng vẫn đợi chờ, hi vọng.
Xúc động và đau khổ trước tình yêu của nàng, ông Đương đã viết bài thơ “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban căng” chuyển tải gần như toàn bộ tâm trạng giận hờn, trách móc, ai oán của Valentina thể hiện trong bức thư. Bài thơ viết xong trong một buổi chiều và được chuyền tay các bạn người Việt rồi lan sang khắp các nước Đông Âu và Liên Xô cũ. Mặc dù ông Đương đã quyết định chia tay Valentina, nhưng mùa Đông năm sau đó, vì quá thương nhớ, ông và ông Doanh lại đến nhà nàng. Và, cả hai ông đã không ngờ: Valentina bị suy sụp tinh thần, nghỉ học ở nhà để tĩnh dưỡng và chữa bệnh. Yêu nàng, thương nàng nhưng ông Đương không thể khác được. Kết thúc đại học, ông Đương trở về Việt Nam.
Năm 1979, nhân chuyến công tác tại Tiệp Khắc, ông đã liên lạc được với Valentina. Nàng cùng chồng và cô con gái đến thăm ông Đương, một cuộc đoàn viên ngắn ngủi và ấn tượng. Ông mừng cho nàng có một gia đình hạnh phúc. Nàng kể lại cho ông 1 năm nàng phải nghỉ học khi đã là sinh viên Khoa Tiếng Đức của Trường Đại học Tổng hợp Bucaret. Vì tình yêu mà nàng đã cố gượng dậy học tiếp những năm còn lại, ra trường được nhận vào làm việc tại Hội Hữu nghị Ruman – Đức. Ở đây, nàng đã gặp người chồng bây giờ. Và cuộc sống mới đã giúp nàng vợi đi nỗi đau của thời áo trắng. Valentina cảm phục người con trai Việt khi ông Đương nói ra nguyên nhân của cuộc chia ly hơn 10 năm trước. Và, Valentina đã hiểu, với người Việt, tình yêu lứa đôi vô cùng cao cả, nhưng với Tổ quốc thì tình cảm đó còn thiêng liêng hơn mọi thứ.
Bài thơ đã có tác quyền
Nhờ tư vấn của nhóm bạn văn đã gặp ở quán cà phê trên tòa nhà Hàm Cá Mập, ông Đương đã gửi rất nhiều bài thơ và tư liệu quý liên quan tới Valentina thời du học để xin được công nhận tác quyền. Và, Trung tâm Bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả của bài thơ trên cho ông Khổng Văn Đương. Với ông, đây là niềm vui lớn. Với bạn đọc Việt Nam, đây cũng là niềm vui bởi bài thơ tình lãng mạn và kết cục có hậu. Tác giả cũng chính là nhận vật trữ tình của bài thơ. Noe1 năm nay, ông Đương gọi điện cho tôi thông báo sức khỏe rất kém vì bị ung thư ruột. Ông gửi cho tôi tất cả những bài thơ đã viết trong thời gian du học để tôi giới thiệu trên trang tin cựu du học sinh nguoibienden.org.vn
Chuyện tình trong bài thơ có phần nghiệt ngã cũng chính như số phận của bài thơ được bạn đọc yêu mến trong thời gian dài nhưng chưa có tác giả đích thực. Còn bây giờ, cả 2 đều có kết cục có hậu.

Em đi tìm anh trên bán đảo Ban căng 

Em đi tìm anh trên bán đảo Ban căng
Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng

Một mình em trong màn đêm thanh vắng

Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng

Em trèo lên đỉnh núi cao Các-pát
Nhìn theo anh mất hút biết về đâu

Chân ai đi xa lắc tím trời Âu

Dòng nước mắt bỗng trào ra chua chát!

Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt
Sóng xô bờ liên tiếp gọi triền miên

Buồn! Chao ôi, gió làm em phiêu bạt

Thân cô đơn kinh khiếp cả trăng hiền! 

Ôi dòng xanh rầm rì sông Đa-nuýp
Mây trời in lồng lộng giữa dòng sông

Nên ngàn năm êm đềm trôi một nhịp

Chỉ mình em nhức nhối vết thương lòng! 

Hỡi trái đất rộng làm chi bát ngát!
Cho loài người chia biên giới thế gian

Cho sa mạc nổi bùng cơn bão cát

Cho tình anh chưa bén đã lụi tàn? 

Em xin hỏi Trời cao và Đức Phật
Cõi Niết bàn có mãi mãi mùa xuân

Đâu trời Tây, đâu xa gần cực lạc

Mà trần gian đầy bể khổ trầm luân?

Con lạy Chúa Giê-su ban phép lạ
Cho nước Người hết li biệt, chia phôi

Hai chúng con quỳ trước Người đa tạ

Xin hòa tan làm một, ngàn đời!

Em cầu nguyện. Còn anh anh chẳng biết
Trái tim anh sao giá lạnh thờ ơ?

Và hôm nay dù tình anh đã hết

Em vẫn mong, vẫn hy vọng, vẫn chờ…

Vẫn trèo lên đỉnh cao Các-pát
Vẫn theo dòng Đa-nuýp những đêm trăng

Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt

Đi tìm anh trên bán đảo Ban căng!
Bucarest, 19/3/1969
Bài và ảnh: Thế Lữ

Không có nhận xét nào: