Trang

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Y Kẹo, thị Tấm


Bài liên quanTruyện Tấm Cám, nhìn thế nào cho đúng

(Blog Đào Tuấn) - "Tấm sai người đào một cái hố, bảo con Cám tụt xuống rồi sai người đem nước sôi giội vào con Cám, con Cám chết còng queo dưới hố. Tấm đem xác con Cám làm mắm gửi cho dì ghẻ, nói là quà của con gái mụ gửi biếu. Mẹ con Cám tưởng là quà của con thật, lấy làm sung sướng, ngày nào mụ cũng giở mắm ra ăn, khen lấy khen để. Một con quạ bén hơi, bay đến đậu trên nóc nhà, nhìn xuống kêu: Ngon gì mà ngon, mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng.
Mụ chửi bới quạ, xua đuổi con quạ bay đi. Đến ngày mắm gần hết, nhòm vào chĩnh, mụ mới nhìn thấy đầu lâu con mình…, uất lên, ngã vật xuống đất mà chết.”
 
Đây là đoạn kết của truyện Tấm Cám chính thống. Và gần đây được những người biên soạn SGK cắt bỏ bớt đoạn đem xác làm mắm gửi mẹ ăn. Có lẽ, vì đó là một hành vi quá thú tính, quá dã man, một tội ác ghê rợ, trong phần kết tàn khốc, của một trong những câu chuyện nổi tiếng mà không một người Việt nào không biết, không được học qua.
 
Nhân câu chuyện SGK sửa đoạn kết chuyện “Tấm cám”, trên một diễn đàn pháp luật, một câu hỏi được đặt ra: Cô tấm đã phạm tội gì? Câu trả lời là Tấm đã phạm tội giết người theo điều 93 BLHS với các tình tiết tăng nặng: i) Thực hiện tội phạm một cách man dợ và q)Vì động cơ đê hèn”. Có lẽ một cái án tử cho “thị Tấm” vẫn còn là quá nhẹ nhàng.
 
Tất nhiên, không thể dùng luật hình sự để truy cứu một hành vi trong văn học. Cũng như không thể dùng đạo đức hiện tại để xem lại quan niệm đạo đức của ngày xưa. Nhưng còn đúng hơn khi cái ác thì ở đâu, đời nào, cũng đáng phải bị lên án như nhau.
 
Một thạc sĩ ĐH Paris 7 viết trên VietNamNet: Tôi có đem câu chuyện Tấm Cám kể cho một người bạn Pháp, đến đoạn kết thúc, cô bạn Pháp hỏi tôi là khi còn bé nghe chuyện này tôi có ngủ được không? Chắc chẳng có dân tộc nào lại có những câu chuyện ghê rợn đến như vậy để kể trước lúc bọn trẻ con đi ngủ.
 
Dân gian muốn cái ác phải bị diệt trừ tận gốc. Điều đó đúng. Nhưng không thể diệt trừ một cái ác bằng một tội ác ghê rợn hơn, khiến những đứa trẻ “được giáo dục” mất ngủ vì quá ghê sợ.
Bởi vậy, câu hỏi đặt ra hôm nay, thực ra cũng đã được đặt ra từ hàng chục năm trước- không phải là có nên sửa đoạn kết của câu chuyện hay không, mà phải là “Có nên để tồn tại cái ác, sự tàn nhẫn dã man trong SKG, loại sách vẫn được coi là mực thước giáo dục nhân cách con người từ khi họ còn là những tờ giấy trắng?”.
 
Sự tàn bạo không phải là ở cái chết, mà là cái cách giết chết. Cái ác có ngay trong hành vi giết người, nhưng sự phi nhân tính và sự ghê rợn của tội ác lại ở những hành vi sau đó, khi cô Tấm dịu hiền băm xác người làm mắm gửi về, nhấn mạnh là cho mẹ cô- dù đó là mẹ ghẻ.
 
Một Giáo sư- Viện trưởng đã bảo vệ cái kết độc ác này, khi phê phán việc bỏ nó trong SGK, rằng: Người đọc không thấy được hả hê cõi lòng khi thấy cái ác không bị trừng trị một cách thích đáng nhất.
 
Ảnh chụp facebook "kẹo mút" post đoạn tin "sốc"
Trong thời điểm xảy ra tranh cãi “Tấm cám”, trên facebook, Nickname “Kẹo mút chơi bời” đã post một đoạn tin sau: “Tin buồn! Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy, đã củ tỏi hồi 17h07. Anh em phang lô đề nhiệt tình đi, lão sinh năm 1953”. Không có tí stress nào khi đâm chết người. Chỉ thấy sự hả hê, khoái trá. Thái độ mà nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên gọi là sự hồn nhiên độc ác.
 
Sự hả hê này chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ở những người sáng tạo ra đoạn kết tội ác trong câu chuyện Tấm cám và, một phần nào đó, ở những người đọc nó. “Sự kiện Kẹo mút” còn tàn bạo ở chỗ trong rất nhiều status, y thản nhiên, và hả hê, rằng: Nhẹ cả người (khi nạn nhân chết) chứ lão sống thì khổ bọn tao. Sẽ có rất nhiều người thừa nhận đây là một thứ tâm lý xã hội chung với vô số những ví dụ. CA Yên Bái đã triệu tập “Kẹo mút”. Câu hỏi đầu tiên, giờ đây chắc chắn là “Có học chuyện Tấm cám trong SGK không?” (Thay vì “Có chơi games online không)
 
Rất dễ hiểu: Chúng ta hắt mực tàu lên giấy trắng chúng ta sẽ phải nhận lại bức tranh đen đúa- những sản phẩm phi nhân tính.
Đào Tuấn .

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cổ tích vẫn là Cổ Tích. Người xưa đã dạy rằng: Xưa như Cổ Tích. Xin đừng đem quan niệm thời nay để phán xét người xưa. Vì có ai tính được Truyện Tấm Cám có tự bao giờ, mấy mươi năm tuổi...

Nặc danh nói...

Cổ tích vẫn là Cổ Tích. Người xưa đã dạy rằng: Xưa như Cổ Tích. Xin đừng đem quan niệm thời nay để phán xét người xưa. Vì có ai tính được Truyện Tấm Cám có tự bao giờ, mấy mươi năm tuổi...