Trang

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Bánh vẽ (?)

Cù rờ Cù rận, 7/11/2011

Lâu ni đi mô anh em nhà mềnh cũng bô la bô lô cái miệng khoe rằng ui quê  miềng là nhít, nhít, nhít  (cư) luôn, đặc biệt là từ dạo có cái khu công nghiệp và cảng nước sâu Vũng Áng thì càng nổ mạnh hơn. Nổ là cũng phải thôi vì mần chi có ở mô như quê choa nghèo rớt nghèo rơi, nghèo nhất nước chừ lại có quả dự án khủng nhất nước Nam. Sướng là đương nhiên.



Mà không riêng chi anh em nhà mềnh mô, cứ đi họp hội, ở mô hay như đọc báo, nghe đài, lâu lâu về thăm quê  bữa là i như ai ai cũng hồ hồ hởi hởi nói cái chuyện ni. Nhiều đứa về quê còn thuê hẳn chuyến xe đi vô tận cảng Vũng Áng coi cái cho biết rồi xuống bè trong cảng ăn mực nhảy - đặc sản quê, uống rượu coộc toóc mà lòng ngây ngất với tương nai. Hứng lên có thằng còn tè phát xuống cảng để đánh dấu và chứng tỏ mềnh cũng đã từng đến đây - vùng đất hứa, thành phố tương nai sầm uất...
Đốt cha cái đời coộc toóc
Nhưng nổ mãi, chém gió mãi, về quê hoài, say hoài, tè hoài xuống cảng  mà vẫn nỏ chộ chi khác mấy. Vẫn rứa. Bữa ni đọc được cái bài ni thấy dân miềng mà thương cho phận coộc toóc quá trời. TP tương nai mô nỏ chộ chừ thấy một viễn cảnh mịt mờ quá cũng chỉ tại dân miềng nghèo quá nên mấy đồng chí cứ cho ăn bánh vẽ mà tưởng bánh tày Voi với nếp cái hoa vàng đặc trưng ...Hhuhuhuhu !

Bữa ni thì trừa mặt cái tội "nổ" & "chém gió" bậy bạ nha, mà có ăn bánh thì lên Voi mà ăn, nỏ thiếu béng chi từ béng tày, béng rán, béng ít, béng tráng đến béng... bao các loại, miễn sao bóc béng là phải trả tiền, đừng ngu ngu mà ăn béng vẽ nhé, có ngày đói rã họng đó con ạ. Coộc toóc ạ, nhớ nha ....!

Đọc cái tin ni thi hết "nổ" nì: 
(Tamnhin.net 02/11/2011) - Từ khi chuyển về khu tái định cư (TĐC) cuộc sống của khá nhiều hộ dân thuộc 5 xã ven biển của huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh trở nên khó khăn hơn vì không có đất đai, nghề nghiệp mưu sinh.

Lên nơi ở mới những phụ nữ trong tuổi lam tuổi làm bỗng trở thành thất nghiệp, suốt ngày quanh quẩn trong nhà
Mất đất đồng nghĩa với thất nghiệp

Năm 2009, hàng nghìn hộ dân  của 5 xã vùng ven biển của huyện Kỳ Anh gồm: Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Thịnh phải dời chỗ cũ của mình  lên ở các khu TĐC để nhường đất cho siêu dự án PORMOSA. Họ được cấp mới đất làm nhà và lời hứa sẽ tạo công ăn việc làm tại các khu công nghiệp (KCN).


Thế nhưng sau hơn 2 năm từ những nông dân chỉ biết các nghề nông trồng trọt, chăn nuôi, đi biển... họ đã trở thành những người thất nghiệp ở nơi ở mới.

Nhiều người ở khu TĐC đang thực sự lo lắng cho tương lai của mình khi không có việc làm


Gia đình chị Nguyễn Thị Hiền về khu TĐC xã Kỳ Phương từ giữa năm 2009 sau khi nơi ở cũ bị giải tỏa để phục vụ cho dự án . Chị Hiền cho biết, ở nơi ở cũ nhờ gần biển lại có đất đai rộng nên kinh tế gia đình chị ổn định vì vừa làm nghề chài lưới vừa phát triển chăn nuôi. Nhưng từ ngày về khu TĐC, gia đình chị không còn đất để chăn nuôi, làm nghề biển, kinh tế gia đình hiện rất khó khăn, chỉ biết ở nhà trông con cho chồng đi làm thợ phụ hồ kiếm sống qua ngày.

Trước khi lên khu TĐC, họ hứa sẽ tạo mọi điều kiên thuận lợi cho chúng tôi như chỗ ở mới sẽ tốt hơn nơi cũ rồi có việc làm mới nhưng lên đây rồi mới biết không phải như thế chú ạ”, chị kể.


Ông Trần Đình Hàm (xã Kỳ Lợi, gia đình ông được đền bù 400 triệu đồng khi lên khu TĐC) tâm sự: Trước đây, tôi ở xã Kỳ Lợi quanh năm gắn bó với nghề biển và làm nông. Hàng ngày đi biển cũng kiếm được ít chút tiền cộng với mấy sào ruộng, cuộc sống không đến nổi khó khăn. Hiện số tiền đền bù đã chi hết vào xây nhà nhưng còn dang dở, lên khu TĐC chỉ được cấp 400m2 làm nhà, không có đất để chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều lúc nhớ biển, nhớ đồng nhưng không biết phải làm gì.


Khi chúng tôi có mặt ở xã Kỳ Long, nhiều hộ dân không thèm tiếp chuyện vì hàng ngày có rất nhiều đoàn phái đến hỏi thăm nhưng không thấy động tỉnh gì nên đâm ra mất tin. Một phụ nữ nhìn chúng tôi với ánh mắt không mấy thiện cảm: “Lại cán bộ đến quay phim, chụp ảnh . Tiền hết, gạo hỗ trợ chưa đến hỏi làm gì nữa”.


Bà Nguyễn Thị Huyền kể : “Nhà tôi được đền bù 250 triệu, từ khi chuyển lên khu tái định cư, tiền làm nhà hết sạch.  Hiện trong nhà 2 đứa con đã lớn nhưng đang thất nghiệp, hồi chưa lên khu TĐC mỗi lần đi biển cũng kiếm được mấy trăm ngàn không đến nỗi phải lo cơm, gạo , áo tiền như hiện nay”.


Cạnh đó, gia đình vợ chồng ông Lê Văn Hàm và Nguyễn Thị Minh cho biết :“Ngày chưa lên khu TĐC, gia đình tôi có 6 sào ruông cộng với đó là chăn nuôi gia súc gia cầm nên tiền bạc đủ dùng nhưng từ khi lên khu TĐC mọi chuyện bi đát hơn vì không đất để sản xuất, chăn nuôi".


Mối nguy tiềm ẩn


Mất đất , người nông dân được đền bù một số tiền đáng kể, thậm chí có những hộ lên tới tiền tỉ. Có số tiền "khủng" trong tay nên những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” có nằm mơ cả đời cũng không dám nghĩ đến nên nhiều người đã thực sự "choáng ngợp”.


Có tiền, không được hướng dẫn cộng thêm việc không biết tính toán, nhiều nông dân đã lao vào "cơn bão" mua sắm như mua xe máy, ti vi, tủ lạnh đắt tiền, đổi điện thoại đời mới... Khi số tiền vơi đi, thập chí hết sạch, nhiều hộ mới sực tỉnh khi đối mặt với thực tế nghiệt ngã.

Đất chật, cằn cỗi nên các hộ hầu như không thể canh tác


Không khó để nhận ra ở các khu TĐC  một thực tế đáng báo động là những thanh niên thất nghiệp thường tụ tập, đàn đúm rượu chè, vướng vào các tệ nạn  như lô đề, cờ bạc...

Rất nhiều cuộc họp, hội thảo, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, trường dạy nghề nổ lực tìm kiếm các biện pháp giải quyết công ăn việc làm cho người dân nơi đây. Theo tính toán thì khi đi vào hoạt động, các dự án sẽ thu hút khoảng 10.000 đến 15.000 lao động. Tuy nhiên, phải còn nhiều năm và nhiều yếu tố nữa thì những con số đó mới trở thành hiện thực. Vì vậy, vấn đề trước mắt là tạo công ăn việc làm cho bà con vẫn đang là vấn đề mang tính cấp bách, khẩn thiết.  


Khi nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương không dấu nổi sự lo lắng: Chưa có thông báo cụ thể nào từ Nhà nước về việc hỗ trợ cho các lao động lên đây cũng như phía Ban quản lý dự án cũng chưa có cam kết nào với người lao động khi dự án đi vào hoạt động sẽ tuyển dụng con em ở địa phương.


Từ khi mọi người lên đây, hầu hết  không có công ăn việc làm ổn định, đất để sản xuất nông nghiệp không có, sống chủ yếu dựa vào số tiền đền bù ít ỏi còn lại về lầu dài thì không biết làm gì để sống.

 
Hà Vũ - Hà Vy

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Xin đừng bi quan. Đảng không bỏ dân mô mà lo. Quê mình trời mỗi ngày lại sáng. Bình minh đang đánh thức những ai hay ngủ dài....

Nặc danh nói...

Nghìn năm Bắc thuộc thằng tàu khựa nỏ mần chi được nựa là dừ.Chơ mà cho hấn mượn đất những 50 năm cũng hơi lâu, đến lúc đó thì anh em mình về với ông bà ông vải lâu rồi. điều quan trọng là con cháu ta phải thay cha ông mà giữ gìn đất nước. Xưa các ông vua còn không để mất đất cho ngoại xâm huống chi bây chừ có Đảng, có con cháu Cụ Hồ....

gió và nước nói...

HUHU! Hồi trước nói có Đảng có Bác Hồ, sau đó lại nói Nhờ ơn Đảng nhờ ơn Cụ Hồ, sau nữa lại nhờ ơn Đảng nhờ ơn Chính Phủ chừ lại nói có Đảng có con cháu Cụ Hồ.... Vậy là mềnh chừ khỏi lo chi cả, khỏe re như ... con me