(Theo BBC, SGTT) - Tập đoàn Công
nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) cùng hơn 20 tổng công ty, công ty con tại
Việt Nam vừa bị công ty Elliott VIN (Hà Lan) B.V. khởi kiện tại tòa ở London.
Đơn kiện được Tòa Thương mại, chi nhánh Queen’s
Bench thuộc Tòa Thượng thẩm nhận và mở hồ sơ ngày 1/11/2011.
Một viên chức toà án
cho biết nội dung đơn kiện được giữ kín và sẽ được công bố chi tiết ngay khi
bên bị đơn xác nhận việc bị khởi kiện.
Theo BBC, bị đơn gồm 22 công ty với Vinashin
đứng đầu danh sách bên bị. Hàng loạt công ty con của Vinashin như Bạch Đằng,
Nam Triệu, Phà Rừng, Hạ Long, Dung Quất, Nha Trang … đều có tên trong đơn kiện.
Giới quan sát cho rằng đơn kiện liên quan tới
khoản 600 triệu USD Vinashin đi vay các chủ nợ nước ngoài qua trái phiếu, với
khoản trả lần đầu 60 triệu USD đã đáo hạn hồi tháng 12 năm ngoái mà Vinashin
chưa thanh toán.
Mặc dù tài sản của Vinashin nằm tại Việt Nam,
đơn kiện được gửi tới tòa tại Anh vì khoản cho vay được khống chế theo luật Anh.
Trước đó, ngày 17/10/2011, debtwire.com, trang
chuyên về tin tức và phân tích về thị trường nợ có bài đăng trên Financial
Times đánh giá việc một trong các chủ nợ của Vinashin có động thái khởi kiện có
thể tạo thêm khủng khoảng cho nỗ lực tái cơ cấu nợ của tập đoàn Vinashin. Bài
báo cho biết Elliott Advisors, một quỹ đầu tư dạng hedge fund, hồi đầu tháng
10.2011 tỏ ý sẽ khởi kiện để truy thu lãi cho vay và nợ gốc. Bài này nhận định
trong trường hợp Elliott khởi kiện, Vinashin sẽ không có nhiều lựa chọn ngoài
việc nộp đơn xin bảo hộ theo luật Việt Nam hoặc tìm kiếm sự công nhận từ tòa án
quốc tế.
Được biết hồi tháng 6/2011, Elliott lúc đầu đã
mời các chủ nợ khác để tham gia kế hoạch kiện Vinashin tại London nhưng sau đó
đổi ý để đơn phương khởi kiện, một bước được xem là động thái không muốn chia
tiền với các chủ nợ khác nếu thắng kiện theo phán quyết của tòa tại Anh.
Trong tháng 5/2011, debtwire.com có bài phân
tích về các bước chủ nợ có thể tiến hành với Vinashin.
Bài viết trích dẫn luật sự nhận định: “Trong khi
phán quyết ở nước ngoài khó có thể thi hành tại Việt Nam, nơi Vinashin có tài
sản, thì giới chủ nợ có thể can thiệp hoặc thậm chí giữ các khoản tiền chuyển
khoản ở nước ngoài hoặc giữ thư tín dụng. Về cơ bản, các chủ nợ có thể khiến
Vinashin không thể nào kinh doanh được ở nước ngoài”.
————
Bài đọc thêm: Về món nợ của Vinashin (TTX VH)
Nicecowboy
Tôi xin cung cấp thêm cho bạn đọc một số thông
tin chủ yếu về Vinashin, các sự kiện (facts), không bình luận suy diễn chủ
quan. Qua đó để bạn đọc có cái nhìn chính xác hơn về khoản nợ Vinashin, hành
động của Chính Phủ, dự đoán hậu quả có thể xảy ra.
1. Trước tiên, khoản nợ nước ngoài của
Vinashin là nợ có bảo lãnh (của chính phủ) hay không:
Rất nhiều người đã lầm tưởng đây là nợ có bảo
lãnh chính phủ. Thật sự, những khoản nợ trên không hề có Thư bảo lãnh (Letter
of Guaranty) của Chính Phủ, theo đúng như các qui định về tín dụng quốc tế cũng
như Việt Nam. Đó chỉ là các Thư Hậu Thuẫn (Letter of Comfort) do Chính phủ phát
hành, để làm yên tâm các chủ nợ khi cho vay về tình hình tài chính, kinh doanh,
vị thế, và các yếu tố khác của người vay, nhưng Thư hậu thuẫn hoàn toàn không
bao giờ có điều khoản về trách nhiệm phải trả nợ thay của người phát hành Thư
này nếu người vay không trả được nợ.
Nay một số chủ nợ nước ngoài, (và một số người
dân chưa hiểu) nói rằng Chính Phủ mập mờ hoặc lừa đảo khi thoái thác trách
nhiệm trả thay, rằng đây là nợ có bảo lãnh. Thực ra, Thư Hậu Thuẫn cũng không
phải là do Chính phủ VN tự sáng chế ra, mà đó cũng là một tập quán, thông lệ
quốc tế đã có từ lâu. Do Chính phủ VN không cấp Thư bảo lãnh, thì các chủ nợ
nước ngoài đành phải chấp nhận Thư hậu thuẫn (mục đích để cho vay được mà thôi).
Xét về mặt kỹ thuật, cũng như về mặt pháp lý,
nếu các chủ nợ kiện thưa Chính phủ VN về trách nhiệm bảo lãnh và trả nợ thay ở
bất kỳ Tòa án nào (quốc tế hay ở VN), thì đừng nói gì là bị thua kiện, mà hồ sơ
thưa kiện như thế cũng sẽ không được thụ lý ngay từ đầu.
2. Do đó, trong trường hợp Vinashin
không trả được nợ, thì các chủ nợ chỉ có 3 con đường chọn lựa:
- Đồng ý tái cơ cấu lại nợ (gia hạn vài phân kỳ
trả nợ, kéo dài thời gian vay, giảm lãi…) yêu cầu bổ sung tài sản bảo đảm (thế
chấp, cầm cố, hoặc bảo lãnh mới của chính phủ…), cho vay mới để trả nợ cũ (cũng
là một cách tái cơ cấu nợ). Biện pháp này là con dao hai lưỡi, có khi thành
công, có khi vừa mất thời gian, vừa mất thêm công sức tiền bạc mà không cứu vãn
được tình hình. Chỉ áp dụng khi nào thấy Vinashin có khả năng phục hồi. Vừa
qua, các chủ nợ đã thử áp dụng biện pháp này, nhưng thấy không hiệu quả, và nay
buộc phải sang biện pháp khác.
- Thưa kiện Vinashin theo thủ tục tranh chấp nợ
vay: sau khi Tòa tuyên án phải trả nợ, nếu không trả được thì thanh lý tài sản
còn lại của Vinashin để trả nợ. Trường hợp thưa kiện bình thường này cũng chỉ
áp dụng đối với con nợ còn chút hy vọng khả năng chi trả, và chủ nợ không
nhiều, tài sản còn lại để thanh lý đủ lớn để trả nợ cho chủ nợ.
- Thưa kiện Vinashin theo thủ tục phá sản :
trường hợp Vinashin nhiều chủ nợ, tài sản thanh lý quá nhỏ so với tổng khoản nợ
của nhiều chủ nợ, cần có sự phân chia tài sản sau thanh lý rõ ràng để tránh
tranh chấp giữa các chủ nợ… thì vụ Vinashin sẽ được tiến hành theo thủ tục kiện
phá sản (tương tự như vụ Dược Viễn Đông). Và nếu thế, để hoàn tất toàn bộ vụ án
cho đến khi thanh lý hết tài sản, trả lại một phần (chắc chắn là rất rất nhỏ)
cho các chủ nợ, thì thời gian sẽ kéo dài không dưới 10 năm. Cho đến nay, tại VN
rất nhiều công ty phá sản (thực tế hết hoạt động do thua lỗ không trả được nợ) nhưng
chưa có một kiện phá sản nào hoàn tất trọn vẹn. Chỉ đến giai đoạn tòa tuyên bố
Công ty đó phá sản, còn chuyện thanh lý tài sản để trả nợ thì chưa biết bao giờ
mới xong.
3. Căn cứ vào những sự kiện trên, có thể
kết luận sau:
- Về mặt pháp lý, Chính phủ VN không có nghĩa vụ
phải trả nợ thay cho Vinashin. Tuy nhiên, nếu thế thì sẽ ảnh hưởng một phần đến
đầu tư nước ngoài, nhất là việc xin vay nước ngoài của các tổ chức kinh tế VN
sau này sẽ khó hơn và sẽ bị mức lãi suất rất cao vì VN bị đánh giá sụt hạng tín
nhiệm. Ngoài ra, sẽ không có bất kỳ phán quyết cuả Tòa án nào buộc CPVN phải
trả nợ thay. Do đó, về vấn đề này, CPVN cũng không vi phạm bất kỳ hiệp định,
hiệp ước, cam kết quốc tế nào.
- Khi cho vay không có tài sản bảo đảm, các chủ
nợ không thể nói là mình bị lừa. Họ đã biết rất rõ khả năng rủi ro xảy ra. Họ
biết rõ tính pháp lý và sự khác nhau giữa Thư bảo lãnh và Thư Hậu Thuẫn. Họ đã
có các sai lầm chủ quan rất lớn: Một là không phân tích và dự kiến đúng tình
hình tài chính của Vinashin. Hai là đã chấp nhận cho vay tín chấp (không có cầm
cố, thế chấp đủ, không có bảo lãnh). Ba là đã quá tin tưởng vào các báo cáo
thẩm định và đề xuất cho vay của cán bộ tín dụng người VN làm việc tại các chi
nhánh, văn phòng đại diện của họ tại VN.
Họ đã chấp nhận nguyên tắc kinh doanh: càng muốn
lãi nhiều, thì khả năng xảy ra rủi ro càng cao. Vậy thì phải chịu thôi.
Ngoài ra, họ cũng đã có vài sai lầm trong nhận
thức (concept), dẫn đến hậu quả ngày nay:
Thứ nhất, họ cho rằng tập đoàn, doanh nghiệp nhà
nước… đồng nghĩa với nhà nước (chính quyền). Vì thế, khoản nợ của doanh nghiệp
nhà nước là khoản nợ của Nhà nước. Nhận thức này không phải là sai, vì tại một
số quốc gia đã qui định như thế. Tuy nhiên, khi đầu tư và làm ăn ở VN, họ nên
nghiên cứu kỹ các qui định về nợ công, nợ chính phủ … của VN như thế nào, trong
đó hoàn toàn không nói nợ công, nợ chính phủ bao gồm cả nợ của các doanh nghiệp
quốc doanh, hay các doanh nghiệp mà CP nắm cổ phần chi phối … (trừ phi có bảo
lãnh của Chính phủ).
Sai lầm thứ hai về nhận thức: họ cho rằng dù
không có bảo lãnh, thì Chính phủ VN sẽ không dám để một doanh nghiệp nhà nước
lớn phải phá sản, sụp đổ… mà sẽ trả thay, hay sẽ có thỏa thuận như thế nào đó
để giảm bớt thiệt hại cho họ.
Tuy nhiên, dưới áp lực của các chuyên gia kinh
tế, quốc hội, và người dân… không ai muốn Chính phủ phải bao cấp về chuyện này,
các doanh nghiệp phải bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ khi hoạt động trong
nền kinh tế thị trường. Chính phủ trả thay, có nghĩa là lấy nguồn tiền từ ngân
sách, từ nguồn đóng góp của dân. Phải dứt khoát theo nguyên tắc: tự vay, tự
trả, trả không được thì xử theo luật phá sản như qui định. Còn người cho vay
cũng phải biết nguyên tắc : tự đánh giá, tự thẩm định, tự chịu trách nhiệm về
khoản cho vay, lời ăn lỗ chịu. Chứ nếu khoản cho vay cho doanh nghiệp quốc
doanh nào cũng được Nhà nước trả thay, thì làm ngân hàng quá dễ, chả cần biết
thẩm định, phân tích tình hình tài chính… cũng có thể cho mấy doanh nghiệp quốc
doanh này vay, và kiếm lãi dễ ợt.
Đây là bài học lớn cho tất cả, không riêng gì
ban lãnh đạo Vinashin mà cả Chính phủ VN, cả những ông chủ nợ cho vay, và những
bộ phận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát…
Mất mát trong vụ Vinashin đã quá nhiều rồi,
không thể lại sử dụng ngân sách nhà nước để trả nợ thay và mất mát thêm nữa
(câu này là ý kiến riêng của tôi, có thể có nhiều người có ý kiến khác, là nên
trả nợ thay để tránh mất uy tín, khó khăn về sau cho các doanh nghiệp khác đi
vay quốc tế…).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét