Trang

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

"Điểm sử thấp là vấn đề của thời đại"

Ba viết, 30/7/2011

Tối nay đọc cái tin này trên báo PLTP mà cười chết đi được. Cái nhà ông  Luận này trả lời như rứa thì còn chi để nói nữa ta. Đúng phóc như [Ba thi môn lịch sử] đoán là sắp tới Bộ ta sẽ phải tổ chức nhiều nhiều hội nghị, hội thảo để mổ xẻ tìm nguyên nhân, hướng giải quyết ... vv và vv. Rồi thì là sẽ đẻ ra nhiều đề tài nghiên cứu để sao cho "dân ta phải biết sử ta"... Rồi thì là sau đó sẽ in lại sách giáo khoa cho đúng tinh thần cải cách... Rồi thì là tổ chức tập huấn, thí điểm.... Lu xu bu quá trời, nhưng chắc sẽ cố gắng hoàn tất đến năm 2020  hoặc lâu hơn nữa (lúc đó vẫn chưa xong thì có người khác làm tiếp, lo chi hẹ). Mà không phải chỉ có một môn sử đâu, ông Luận đòi mần luôn cả môn văn, môn địa lý...  nói chung là phải cải cách toàn diện, triệt để, đồng thời phải thật quyết liệt... Chán thiệt vì nghe nó quen quá.
Tóm lại bà con cứ yên tâm, Bộ còn phải xem xét và đưa ra hướng xử lý sau nhưng tạm thời Bộ thấy rõ nguyên nhân chính là do mấy cái bọn tin tặc (tin học) ngoại ngữ tặc (ngoại ngữ) vì nó mà làm cho các trò chán sử... Không những thế bọn này còn cao tay làm lây nhiễm vi-rút dẫn đến sai lệch kết quả điểm thi  môn sử năm nay, đang từ điển trên trung bình chuyển sang lè tè toàn hệ nhị phân  theo ngôn ngữ của bọn chúng là 0-1-1-0. Bộ hứa sẽ xử lý bọn này đến nơi đến chốn,  rồi sẽ cải cách cho bọn chúng cũng chỉ làng nhàng như sử và địa thôi... Bà con cứ chờ he.


Bài đọc thêm:
Báo PLTP ngày 30/07/2011 - 00:25
BỘ TRƯỞNG BỘ GD&ĐT PHẠM VŨ LUẬN
Hàng ngàn điểm 0 môn sử là bình thường
Dạy lịch sử cần hướng tới mục đích bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm.
Những ngày qua, dư luận xã hội đang lo lắng khi kết quả kỳ thi đại học (ĐH) cho thấy tỉ lệ học sinh đạt điểm kém môn lịch sử quá cao. Bên lề kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII, báo chí đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về vấn đề này.
"Điểm sử thấp là vấn đề của thời đại"
Ông nghĩ gì khi kỳ thi ĐH vừa rồi cũng giống như nhiều năm trước, môn sử có hàng ngàn điểm 0?
+ Tôi nghĩ bình thường. Vì thi ĐH là cuộc thi tuyển nên đề thi có sự phân loại rõ ra người giỏi, người khá, người yếu kém để tuyển chọn.
. Thưa Bộ trưởng, dư luận xã hội đặt câu hỏi phải chăng có vấn đề trong giáo dục môn học này?
+ Cần phải bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện. Bây giờ hô hào các cháu phải học ngoại ngữ, học tin học… thì có những môn như lịch sử và cả văn học bị xem nhẹ hơn chút cũng đừng coi là thảm họa. Mình cần điều chỉnh nhưng đừng quy kết là chú trọng đẩy cái này để sao nhãng cái kia.
Các bạn hãy nhìn rộng ra nhiều nước trên thế giới này, không chỉ ở Việt Nam có hiện tượng này. Vì tiếng nói của khoa học lịch sử trong cuộc sống hiện đại hôm nay ít, cơ hội tìm việc làm của những người giỏi sử ít. Nhìn kỹ một chút các bạn sẽ thấy môn lịch sử kém thu hút, điểm lịch sử thấp không phải chỉ ở Việt Nam, ở châu Á. Đó là chuyện của thời đại, của thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động.
Chưa biết bao giờ thay đổi
. Vậy Bộ trưởng nói thế nào về ý kiến cho rằng nguyên nhân việc này chủ yếu do vấn đề dạy và học?
+ Đấy là một ý kiến và cũng là một ý kiến có khía cạnh đúng của nó nhưng nếu đổ hết tất cả cho việc này thì lại là chuyện khác. Bản thân việc dạy đánh trận này diệt bao nhiêu giặc, đánh trận kia thu bao nhiêu vũ khí là không nên, phải thay đổi. Tôi nghĩ việc dạy lịch sử là để hiểu biết truyền thống, bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm. Chúng ta cố gắng hướng tới mục đích ấy chứ còn hướng tới việc yêu cầu học sinh phải nhớ sự kiện thì nay nhớ xong mai lại quên. Báo chí và các thầy cô nói về việc này là đúng nhưng việc thay đổi cũng không phải đơn giản đâu.
. Ông đã hình dung ra hướng thay đổi như thế nào?
+ Thay đổi như thế nào thì phải bàn. Trong hướng tìm tòi thay đổi toàn diện có cả thay đổi mục tiêu, chương trình, nội dung phương pháp dạy và học. Tôi đã trao đổi với bên Viện Lịch sử để phối hợp.
Thuộc sử Tàu hơn, không phải chuyện của giáo dục
. Nhưng có thể thấy thực tế có tình trạng học sinh thuộc sử Tàu nhiều hơn sử Việt. Ông có suy nghĩ gì?
+ Tôi đồng ý với nhận xét ấy nhưng chuyện đó không phải của giáo dục. Đấy là vấn đề của xã hội. Lịch sử Tàu không phải là do chúng tôi dạy sử Trung Quốc mà do xem phim Trung Quốc, đọc truyện Trung Quốc chứ không phải học sinh Việt Nam đi học sử Trung Quốc rồi thuộc lịch sử Trung Quốc. Đừng nhầm lẫn.
. Vậy có nên yêu cầu học sinh học sử chỉ nhớ mốc sự kiện?
+ Tôi nói rồi, sẽ phải có sự thay đổi nhưng thay đổi thế nào một mình tôi không dám nói mà nhiều người sẽ cùng bàn, từ giới nghiên cứu lịch sử, các thầy cô tham gia dạy sử, các nhà khoa học… Chúng tôi có thống nhất là sẽ xem xét với các hội, không chỉ sử mà tất cả các môn như văn, địa… đều phải xem lại.
Phải làm sao cho học sinh hứng thú với lịch sử
Nghề sử là ngụ ngôn chứ không phải tri thức chính xác. Nếu cần biết ông này đẻ ngày nào, trận đánh này tiêu diệt bao nhiêu quân địch… chỉ cần mở máy tính là ra. Cái quan trọng là ý nghĩa sâu xa của mỗi sự kiện lịch sử. Có hai thuộc tính quan trọng của lịch sử là sự trung thực và sự công bằng. Chúng ta có thực sự công bằng trong giáo dục lịch sử không? Nếu thực sự có sự trung thực, công bằng thì lịch sử sẽ hấp dẫn hơn, học sinh học sử sẽ thích hơn. Nếu chỉ nói mãi những điều các em chưa tin thì các em chỉ là khổ sai khi nhớ.
Nước Mỹ học sử thảo luận là chính. Học sinh phải tìm xem trong sự kiện thầy dạy có ý nghĩa gì, tích cực, tiêu cực ra sao… Từ đó các em có phương pháp tư duy. Ta cần xem lại quan niệm về học sử. Đương nhiên đừng có sự đảo lộn quá lớn, cái gì cũng phải có lộ trình.
Đại biểu Quốc hội DƯƠNG TRUNG QUỐC
THU HẰNG ghi
BẢO PHƯỢNG ghi

Không có nhận xét nào: