Ba kể, 14/7/2011
Bà ngoại của ba sinh được bảy người con, dì là con đầu, ba cũng chẳng biết tên của dì trong giấy khai sinh ra sao (mà hồi đó làm chi có giấy khai sinh) nhưng vẫn hay gọi là dì Mân. Người ta hay gọi dì bằng nhiều tên khác nhau, người thì kêu bà Hân vì chồng của dì tên là Hân, có người lại gọi là bà Hạnh vì theo tục ở quê gọi tên cha mẹ theo con đầu của dì là Hạnh. Riêng ba vẫn thích gọi dì là dì Mân, cũng chẳng hiểu sao chỉ biết cái tên nó là lạ mà ba dàm cá là cả nước Việt nam này cũng chỉ vài người có tên như vậy.
Nhà dì cách nhà ông bà nội khoảng ba cây nhưng hồi nhỏ lâu lâu ba mới được xuống nhà dì một lần. Mỗi lần xuống chơi dì hỏi han rất ân cần, dì hay nói thằng xuống đó ạ, ăn chi chưa con… ba nghe rất sướng rơn. Nhưng quả thực dì nấu chẳng có món nào ba ăn thấy ngon cả, đôi khi tự nhủ có lẽ dì nấu ăn ngon đấy nhưng chẳng qua ba ăn không hợp khẩu vị thôi. Những lần về thăm quê lo xong màn chào hỏi ở nhà là ba tranh thủ chạy vào thăm dì liền, mỗi lần như vậy dì vẫn hỏi mấy câu đó, những câu mà mấy chục năm nay dì vẫn hỏi mỗi khi ba đến nhà làm ba rất xúc động. Những lần như vậy trong nhà có món chi dì cũng đều lấy ra mời ba ăn bằng được. Như cái nồi bánh ngào mật đỏ quạch dì ngào cúng giao thừa gặp trời lạnh cái bánh nó cứng đơ ra ăn sái cả hàm nhưng ba cũng ráng ăn và khen ngon lắm ngon lắm chỉ đến tối về ngủ ê cả răng rồi nằm mơ ngiến răng nghe trèo trẹo bị ông vả cho mấy cái mới tỉnh. Có lần về hè dì mời ăn chè nhưng chè dì nấu ngọt lừ làm ba ăn xong phải uống mấy ly nước chè xanh liền mới hết khay trong miệng, đêm đó chỉ có nước nhìn lên trời đếm sao vì chẳng thể nào ngủ được. Lần khác dì lại rinh ra niêu cá kho nhỏ xíu kêu ba ăn tạm cơm với cá vì trời mưa rét dì chẳng đi chợ được… Thương thiệt !.
Dì có khuôn mặt hiền nhưng đầy nét khắc khổ, từ hồi nhỏ ba đã có cái ấn tượng đó nên giờ vẫn nghĩ vậy. Mà thật vậy hồi nhỏ ba đã thấy những nếp nhăn trên khuôn mặt dì rồi, với lại dì có cái lưng còng còng, dáng đi thì ngiêng ngiêng nên nó càng khắc họa nên cái chất khờ khô hỏi khổ ở dì. Dì chẳng biết đi xe thậm chí cả xe đạp nên đi đâu dì cũng đi bộ. Ba vẫn nhớ rõ cái dáng dì ngiêng ngiêng tay cắp nón lá đi trên đê sông Rác trong buổi chiều hè. Cái bóng của dì đổ dài trên cả triền đê rồi gãy khúc xuống tận ruộng lúa, nhấp nhô theo bước chân cao thấp trên mặt đê lồi lõm. Cái bóng - dáng ấy chẳng lấy gì làm khí thế, hào hùng nhưng sao nó thân thuộc và đáng trân trọng vô cùng, nó đặc trưng cho những người mẹ ở quê ba những người gần như vắt kiệt hết cả cuộc đời mình cho chồng con. Nó làm ba liên tưởng tới hình ảnh người vợ trong thơ Tú Xương “ Quanh năm buôn bán ở mom sông / Nuôi đủ năm con với một chồng /Lặn lội thân cò nơi quãng vắng / Eo sèo mặt nước buổi đò đông…”.
Ngược với cái bóng-dáng ấy thì dì có một lối kể chuyện rất hay, dí dỏm và hài hước vô cùng, mỗi lần đến thăm ba hay gợi chuyện này chuyện kia để dì kể chuyện cho mà nghe. Tỷ như chuyện con dâu gọi điện hỏi thăm mẹ chồng ra sao, con rể nói chuyện với cha mẹ vợ như thế nào hay những chuyện đời sơ đời sắc những chuyện không đầu không cuối nhưng nghe chỉ có nước cười lăn. Dì nhớ rất nhiều câu hát ví, hát vè, câu đối ngày xưa, không biết hồi trước gì nghe hay học ở đâu nhưng vui vui dì lại chêm vào những câu chuyện kể của mình nghe rất sinh động. Trong ba người con gái của bà ngoại ba thì dì là người ít được học hành nhất một phần vì khó khăn, vì thời cuộc nó làm cho như thế, một phần dì là anh đầu chị cả nên phải hy sinh vì các em (cái này ba đoán thôi). Lạ thay dì lại là người có lối suy nghĩ rất thoáng và tân thời với cách ăn nói rất sắc sảo, tế nhị nhất trong mấy chị em gái, mỗi lần nhà ai có chuyện gì khúc mắc hoặc cần góp ý đều đến hỏi ý kiến để dì phân tích góp ý cho. Nhưng cũng lạ sau này các con của dì ba chẳng thấy có ai thừa hưởng được cách nói chuyện lôi cuốn, cách giao tiếp nhẹ nhàng mà lịch thiệp, sâu sắc như dì. Thật tiếc.
Chẳng biết trước nữa dì làm nghề chi nhưng ngày trước thì dì đi bán hàng vải ở chợ Voi. Lúc chợ được sửa lại thành hàng thành lối rồi tổ chức bốc thăm, chẳng hiểu dì khấn ra sao mà ông bà lại phù hộ cho dì bốc thăm được cái nền ở đầu dãy có tới ba mặt tiền làm cả phường buôn vải ai cũng ghen tỵ. Nhưng cái tính dì nó nhân hậu, đàng hoàng nên chẳng mấy khi đưa đẩy hay chèo kéo khách, mặc ai muốn mua thì mua, không mua thì thôi. Đã vậy dì cũng không theo kịp thời trang xanh xanh đỏ đỏ của nam thanh nữ tú tân thời nên mua nhiều hàng lỗi mốt, hàng ế đầy ứ ra nên buôn bán chẳng lời tới là bao. Sau này lúc bà nội nghỉ hưu dì cho bà nội một mặt tiền để bán dép và quần áo linh tinh, mỗi trưa ba đi học về hay ra dọn hàng cho bà, thi thoảng ba phải sang phụ dì đóng hàng cho kịp. Bạn hàng buôn hay trêu dì là “mần như trăn bò” vì dì lúc nào cũng dọn hàng sau cùng. Nhưng ba lại rất thích cái chầm chậm đó, dì cứ tỷ mẩn từ từ xếp từng miếng vải một thành chồng rồi lại buộc chúng lại cho dượng bỏ vào bì mà chẳng màng đến mọi người xung quanh đã về từ bao giờ. Hình như với dì chẳng có gì phải vội vàng mà việc gì phải vội vàng nhỉ, ba vẫn nghĩ có thể đó là cái cách sống của dì, không xô bồ không gấp gáp, sống chậm và sống thật như những gì vốn có của nó.
Chồng dì – dượng Hân một người đàn ông mẫu mực và thương yêu vợ một cách kỳ lạ, hồi trước thì ba không biết chứ sau này nghỉ hưu rồi thì hai ông bà chẳng mấy khi xa nhau. Dì không biết đi xe nên đi đâu dượng Hân cũng đèo dì đi theo không khác gì đôi vợ chồng son. Thời gian này dượng áp dụng triệt để chính sách “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” từ đi bán hàng ở chợ đến nấu nướng hay đi ma chay giỗ tết … gì gì đó cũng bên nhau vậy mà lúc nào có dịp gặp ba cả hai cũng hào hứng kể về nhau như thủa yêu đương. Nghĩ mấy cặp vợ chồng trẻ thời nay đi làm cả ngày chỉ có tối về mới nhìn thấy mặt nhau được một lúc nhưng mấy khi giữ được hòa khí gia đình thậm chí còn lên tấn xuống đòn với nhau, rõ chán. Dượng Hân rất hiền, gặp ba lúc nào dượng cũng cười, cái cười tươi và hiền cộng với cái mũi rất to, hình như trong tướng số người ta gọi là mũi trâu thì phải mà đã là mũi trâu là số sướng rồi chẳng phải lo lắng gì cả (đó là ba bói vậy thôi). Có lần giúp dì đóng hàng ở chợ dượng nói với ba rằng dượng không thích và rất ghét ai kêu mình bằng “dượng”, dượng nói có nơi người ta còn kêu là “trượng” nghe nó xa xôi quá chẳng tình cảm tý nào nếu không muốn nói là sình gớm ý. Ba nghe vậy thôi nhưng ba chẳng biết làm sao vì quen mồm rồi không lẽ giờ đổi gọi thành “bác” như cách gọi của người bắc. Mà dượng nói vậy thôi chớ ba biết dượng cũng quý ba lắm dù ba có gọi bằng “trượng” thì dượng vẫn quý như thường. Hehe.
Dù chỉ là một câu chuyện bâng quơ ấy thế mà sau này ba nhớ mãi và cũng dị ứng với mấy cái từ đó như dượng. Ba đề nghị mấy đứa cháu nên gọi ba bằng “chú” thày vì "dượng" cho nó gần gũi hơn. Chỉ là một cách xưng hô thôi nhưng dù sao thì ba thấy nó cũng sướng hơn, có khi thay vì uống được hai ly đã say kêu bằng “chú” ba uống chẳng biết say không chừng.
Còn nữa…
2 nhận xét:
Ba Thịnh của tui viết sai chính tả rồi bà con ơi! Dì (Cô, dì, chú, Bác) chứ đâu phải là cái gì đâu mà viết "gì" hè? Ba Thịnh chỉnh sửa lại dùm không thì Khánh Nhi tui mà viết theo vậy thì nguy to bà con hè?
Tại cái thằng cha đánh máy thôi, xin lỗi bà con he. Đã chỉnh sửa lại cho đúng rồi. Dù sao thì mọi người vẫn hiểu nội dung mà. Hehe
Cám ơn Hà Anh nhiều !
Đăng nhận xét