Trang

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Ba thi môn lịch sử

Ba kể, 29/7/2011 .

Đã lâu lắm rồi ba chẳng quan tâm mấy tới kỳ thi đại học hàng năm nữa phần vì trong nhà ai cũng đi làm hết rồi phần vì nó cũng chẳng có ý nghĩa gì đối với mình nữa. Sáng qua liếc thấy có tin ngồ ngộ rằng điểm thi môn lịch sử kỳ thi đại học năm nay đạt rất thấp, có trường đại học gần như chẳng có thí sinh nào đạt điểm trung bình (5), nhiều trường số thí sinh có môn sử đạt trên năm đếm chưa tới mười đầu ngón tay. Lạ thật!
Có thể đề thi năm nay quá khó nhưng lại nghĩ không lẽ không có một thí sinh nào đạt điểm khá à. Tính gọi điện hỏi bác Thu coi tình hình bà con Hà Tiện mình thi cử môn sử ra răng nhưng thôi, lỡ bác trả lời cũng rứa cả chú ạ thì chán lắm.

Nhớ hồi học cấp hai đến cấp ba chả bao giờ quan tâm đến môn sử học, không phải không thích sử mà vì hồi đó cách giảng dạy còn rất kỳ cục theo kiểu đọc – chép. Lên lớp thầy đọc ro ro còn trò chỉ biết chép, chép và chép. Chép xong về học thuộc lòng như cháo chảy từ ngày tháng năm đến địa điểm, sự kiện…vv, nói chung y như học môn thuộc lòng vậy. Mà nói tới việc học thuộc lòng là ba sợ đến chết khiếp, nó còn hơn cả tra tấn nữa.

Ngày ôn thi tốt nghiệp cấp ba trường tổ chức phụ đạo liên tục đại khái cũng cái kiểu đọc đọc chép chép nên càng làm ba ngán hơn. Đến bữa thi thử thầy ra hai đề chọn một, một đề nói về sự kiện Điện Biên Phủ còn một đề nói đến sự kiện ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Cái đề về Điện Biên Phủ thì ba chỉ nhớ đại để nó như thế như thế chứ không thể tường thuật trực tiếp như yêu cầu của đề được nên đành chọn thanh niên Nguyễn Tất Thành mà phăng.  Nói đến Nguyễn Tất Thành thì ba hơi bị biết nhiều không phải qua trên lớp hay SGK mà chủ yếu là đọc các sách khác nhau có ở nhà ông nội thế là viết như điên kín cả bốn trang giấy thi. Ba ngày sau đã có điểm, buồn còn hơn con chuồn chuồn vì chỉ được 3 điểm và là điểm dưới trung bình duy nhất của cả khóa, xấu hổ chỉ mong đất nẻ một lỗ mà chui xuống. Ác cái tuy là điểm thi thử nhưng lại lấy làm điểm thi học kỳ cuối năm luôn nên đang từ học sinh tiên tiến ba bị tụt hạng thành trung bình, huhu. Bà cô chủ nhiệm thấy thế hoảng quá nên đề nghị ông thầy sử coi lại bài của ba coi có gì sai sót không. Sau mấy ngày thầy thông báo kết quả chấm lại là 4, mừng phát khóc dù vẫn biết là do thầy châm chước chứ không thì mất cái ranh hiệu học sinh tiên tiến. Sau này nghĩ lại mới hay là ba có tính máu thành tích từ bé. Hehe

Một tháng để ôn thi tốt nghiệp chả thấm vào đâu vì phải ôn thi ba môn đại học (Toán-Lý-Hóa) nữa mà ba thì ôn thi khối A nên chẳng còn thời gian đâu cho “nấu sử”. Ông nội lo đến phát sốt vì chỉ sợ thằng quý tử trượt vỏ chuối thì xấu mặt ban đại diện gia đình (là ông bà nội). Ngày thi rồi cũng đến. Thế quái nào môn lịch sử lại được xếp vào buổi chiều ngày cuối cùng làm cả đợt thi ba lo ngay ngáy chẳng ăn chẳng ngủ gì được. Ông nội còn lo hơn cả ba, ông có tên trong hội đồng coi thi nên cứ chạy đi chạy lại hỏi ba rồi hỏi người này người kia coi đánh giá ba học cái môn lịch sử ra răng, có khả năng đậu hay không…

Phát đề xong cả phòng thi sướng rơn vì đề thi có một câu 7 điểm nói về sự kiện Điện Biên Phủ, trúng tủ kỳ thi thử. Phải nói ông thầy dạy sử tài thiệt, cả lớp sau đó phục lăn gặp thầy cám ơn rối rít. Cũng may  lúc thi thử xong thầy giảng lại bài làm của hai đề đó nên ba mới hiểu được đôi chút về sự kiện này nhưng cố gắng lắm cũng chỉ viết được bốn trang rưỡi trong khi đứa bèo nhất cũng phải xài tới hai ba tờ giấy thi (mỗi tờ có bốn trang à).
Thi xong yên tâm là không bị điểm liệt nên ra Hà Nội ôn thi đại học. Ba tuần sau có người bạn nhắn ra rằng ba đỗ thủ khoa mà đặc biệt là môn sử được điểm khủng (8).  Không tin vì nghi lại được điểm 3 mà đứa bạn nhìn nhầm (hay chọc quê) thành 8 nên nhắn về hỏi ông nội cho chắc ăn. Ông nội cười hà hà xác nhận chính xác, rồi còn nói mát rứa mới là con của cha chớ (không biết được điểm 3 thì là con ai ?). Ba nghe sướng tê phao câu, không ngờ mình lại là người giỏi sử nhất trường (vào kỳ thi ấy). Chết cười!

Sau này đi làm cũng chẳng có nhiều thời gian để đọc sử nên mỗi khi nghĩ lại thời đi học phổ thông thấy tiếc ghê. Tưởng mười mấy năm qua đã thay đổi nhiều rồi chớ ai dè cũng như rứa là răng hẹ mà với cái kết quả vừa rồi thì còn tệ hơn hồi đó nữa. Hic, ít bữa cả nước lại phải tổ chức hàng loạt hội nghị hội thảo để xem lại nguồn cơn ở đâu nhưng chung quy thì chắc vẫn là ngành giáo dục phải chịu thui. Nếu vẫn duy trì cách dạy-học như xưa thì chỉ đào tạo nên lớp học sinh thuộc sử mà thôi, chẳng biết gì hơn ngoài thuộc làu làu những con số và sự kiện mà có khi đang đi vấp phải cục đá là quên hết. Rõ khổ bao năm đèn sách.

Cuộc sống hiện đại làm cho con người điên đảo, quay cuồng. Nó cuốn mọi người vào vòng xoáy đó làm cho ai cũng sống gấp, sống vội sống vàng nên chẳng ai kịp nhìn lại quá khứ nữa. Mà quá khứ của chính bản thân mình cũng chẳng buồn quay lại ngó thì nói chi đến quan tâm lịch sử dân tộc, thế giới… vv. Một dân tộc mà chẳng hề biết hoặc biết qua quýt về lịch sử của dân tộc mình, của đất nước mình thì không lụn bại cũng có ngày mất nước, cũng như một con người sinh ra mà không biết đến gốc gác tổ tiên, quê hương mình thì người đó cũng chẳng lớn nổi thành người [Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người...] .
Vậy lịch sử là chi mà phải quan tâm cho mệt óc hè, theo ba hiểu mơ mơ thì lịch sử là sự kiện đã xảy ra trong quá khứ và có ý nghĩa đến hiện tại cũng như tương lai (tự thấy tạm chấp nhận và tự cho điểm 3 về định nghĩa mơ mơ này). Học lịch sử là quá trình xem xét, phân tích và đánh giá sự kiện lịch sử và rút ra được điều gì cho hiện tại và tương lai. Chắc thế nên tự cho thêm một điểm 5 nữa cho thành 8 điểm. Hehe!. Còn các con muốn rõ hơn thì điện thoại cho bác Thu nhà ta nhé./.

Không có nhận xét nào: