Trang

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Hoài niệm làng

Hai Khánh, 12/07/2011.
O Hường gửi cho Khánh - Nhi bài ni mấy bữa nay nhưng mải đi Tân Phú nên không kịp tải lên blog. Không biết có phải từ bữa o ngồi hát hò, ôn ngèo kể khổ bên bờ sông Sài Gòn rồi o bổi hổi bồi hồi nhớ về quê  nhà không mà viết cho anh em tui dạt dào cảm xúc  đến vậy. 
Tui vẫn nghĩ chắc không, vì o có nói rằng o vẫn còn đó một ký ức tuổi thơ không bao giờ quên và một nỗi niềm đau đáu về nơi chôn rau cắt rốn của mình.  Cũng có nghĩa là trong o luôn luôn có hình bóng quê nhà. Tui cảm tưởng rằng o góp nhặt tất cả những gì của quê hường dù đó là điều nhỏ nhặt nhất để rồi nó càng ngày càng chất chứa đầy ăm ắp mà chỉ chực ai đó khều nhẹ là sẽ vỡ òa ra... 
Bây giờ o đã có một ngôi nhà khác, một làng quê khác  trù phú hơn, xanh tốt hơn nhưng tui tin hành trang o luôn mang theo mình  trên dòng đời xuôi ngược vẫn là những ký ức tuổi thơ của o "quê o"," làng o".
Để bữa mô o sang tui kêu ba hát tặng o bài hát của Trần Tiến nhưng  tui sẽ cải lời khác cho hay hơn, kiểu như "Ui quê o! Không còn bui trè (bụi tre)..." ... 

O Hường mới gởi bài ni cho Hai Khánh, nghe o hát  mùi ghê , mời bà con cùng nghe nhé.
Bài hát  Mưa Thơm Xứ Huế . Nhạc sỹ Trường Quang Tuấn. Trình bày: Ca sỹ O Hường


O Hường,08/7/2011 (thư gửi Khánh Nhi) 
“Ai cũng có một vùng quê để thương để nhớ
Để hoài niệm về thuở thiếu thời"

      Cũng như bao người con xa xứ, o vẫn đau đáu về một vùng quê: Quê tui, con đê làng tui, cánh đồng bát ngát lúa khoai quê tui… "Quê tui, làng tui" trong tiếng lòng đó đã rộn lên niềm tự hào, dẫu rằng làng quê ấy còn nghèo nhưng dạt dào tình quê.
Với o thì quê mình đẹp lắm, không có con sông xanh biếc như quê hương của nhà thơ Tế Hanh, nhưng ở đầu làng có một con đê rất lười mà không kém phần thơ mộng, con đê to lắm (hay tại khi xưa o còn  nhỏ nên chộ to rứa!), con đê nằm ngay trước nhà o, ven đê đầy những bụi tre già cỗi mà trưa mô o cũng ra đó để giăng võng đánh giấc. Cũng bờ đê đó, sáng sáng o cùng chị đi cất rớ, mồi là cám rang, cám phải rang thật thơm rồi trộn với một ít nước (muốn được lâu thì trộn thêm ít đất sét vo lại thành từng viên). Sau khi cho rớ xuống, cho một ít mồi vô, nước đê trong đến nỗi o có thể quan sát được những chú tép đồng xanh um bóng nhẫy nghe mùi thơm bò vô rớ. Lâu lâu o lại cất rớ lên những con tép hoảng hốt nhảy lách tách trong rớ nghe thật vui tai. Cất rớ chán chê đến trưa thì o rủ mấy đứa bạn nhảy tùm tùm xuống tắm cùng bầy trâu đã no cỏ đang đằm mình trong làn nước mát.


Chiều về trên bờ đê đầy những con diều giấy, những con diều tự tay bọn trẻ làng làm lấy vụng về mà đẹp vô cùng. Xa xa là những dãy núi đá trợt nhỏ to nối liền nhau giống như những đứa trẻ nắm tay hát đồng dao bao quanh trước làng. O còn nhớ bọn con nít hay leo lên những tảng đá to trên đó (mùa mưa thì rất trơn) tìm bắt ổ sáo, trên đỉnh đá trợt thì có vô số quả để ăn, quả sim tím, quả móc, quả giới màu vàng như hạt ngô, rồi quả ngấy mọng đỏ (ăn vô chết liền), quả đại mang y chang như nải chuối cau, trái căng thì tròn mọng như trái sú, ăn sống không cẩn thận là say (có khi chết dại).

Hoa Xoan
Mùa thu, đường làng ngập đầy hoa và lá thầu đâu, có nơi thì gọi là cây sầu đâu, có nơi gọi xoan đâu nhưng o vẫn thích nhất cái tên thầu đâu, cái tên không mỹ miều nhưng đẹp, cái đẹp của sự pha trộn giữa màu trắng li ti với tím than, và không lẫn vào đâu được bởi mùi thơm hăng hắc rất đặc trưng của nó. Lũ con gái trưa nào cũng gọi nhau chơi ô quan, bảy mươi hột trong trò chơi ô quan không cần kiếm mô xa mà chính là hột thầu đâu có sẵn, bữa mô không chơi ô quan thì chơi đánh thẻ ồn ào cả trưa.  
Phía sau làng là biển Kỳ Xuân mênh mông, O hay theo cha ra bể đẩy ruốc, câu cá; hoặc chí ít thì leo lên đá đập hàu sữa về nấu cháo. Những ngày gió bấc, o cùng mấy đứa bạn lùa bò vô trong Khe Nậy thả mặc cho chúng ăn cỏ, bọn con gái xuống ruộng bắt giam (cua đồng), bọn con trai thì ăm trộm khoai lang mang vô hang đá đốt than để nướng. Vui đáo để.

Rồi một ngày o mang theo tất cả những ký ức tuổi thơ đó cùng gia đình đi kinh tế mới ở vùng đất phía Nam để lại quê tui, làng tui ở lại. …

Hoa Thầu đâu
Chuyến công tác vừa rồi o ghé về thăm quê. Xóm nhỏ ngày đó đã khang trang hơn. O vui lắm mà răng lại thấy cay cay sống mũi, o vui vì làng mình thay da đổi thịt nhiều và hàng thầu đâu của tuổi thơ vẫn còn đó. O cay sống mũi vì không còn thấy hàng tre già năm cũ cũng nỏ thấy ai để chơi ô quan, đánh thẻ cùng.
O biết vì răng rồi. Khánh, Nhi ơi! Vì o đang đứng trước con đê làng và ký ức xưa bất chợt ùa về? nó được kết nối bằng những chuỗi ngày rất đẹp; là những hôm theo mẹ lên rú hái rau má, là những ngày theo cha ra biển bắt coòng, là những bài đồng dao tràn ngập hương cốm xanh, là khi đàn trâu về no cỏ, cánh diều no gió, là những đêm trăng thanh cùng lũ bạn trốn tìm. Tuổi thơ của o tràn về làm thổn thức một nhịp tim.

3 nhận xét:

O Hường nói...

Cha ôi! Khánh - Nhi digital cho o một trang rành tuyệt vời. Mà có giận chi o thì nói chớ chi mà để tên o chạy xung quenh cái đầu lâu lắm ơ, cho o nghỉ tí với.

Nặc danh nói...

Rồi gửi O mấy bức hình quê ta ngày hôm nay. Tuy có đổi thay nhưng là sự đổi thay của cuộc sống đang lên. Vẫn chân chất tình quê, đón đợi những đứa con xa về...

Nặc danh nói...

Trấy ngấy hay còn gọi là "trái mâm xôi" là loại quả chín vào mùa hè, khi chín có màu đỏ mọng, ăn rất mát, hiện nay người ta nói nó chữa được bệnh tim mạch, huyết áp.. ở quê bọn con nít dự trâu dự bò hay hái ăn, không phải "ăn vô chết liền" như "Ban biên tập" chú thích trong bài đâu bà con ạ. Chắc BBt nhầm "trấy ngấy" sang "trấy ngón" quá?!