Trang

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Tết đang về chăng ...?


Cù Rờ Cù Rận, 3/01/2012

Hôm nay là ngày đi làm đầu năm mới (DL), sao thấy mệt mỏi quá. Cả ngày toàn chuyện ba lăng nhăng làm mình như chùng xuống chẳng còn tí tẹo nào của cái khí thế đầu năm mà sáng nay hăm hở bước đi. Tối, lóc cóc đi bộ về mà lòng dạ ngổn ngang không còn muốn nghĩ đến chuyện gì khác ngoài việc ráng lê bước chân mỏi mệt về nhà...
Đêm nay trăng đã được một nửa vậy là chỉ còn nửa tháng nữa sẽ đến tết, nhanh đến không tưởng, quay qua quay lại chưa kịp làm gì đã thấy tết gần kề. Mấy ngày nay  đi đâu, gặp ai cũng hỏi nhặng lên rằng chừng nào về tết, về bằng gì, về trong tết hay ngoài tết, chừng nào thì vô… Mình cũng chả biết trả lời sao cứ nói linh ta linh tinh, lúc thế này lúc thế khác chẳng ăn khớp gì với nhau. Tự nhiên thấy chán và sợ với ba câu hỏi kiểu này. Đã thế điện thoại cũng không tha cho mình, mới alô cái đã hỏi nhắng cả lên nghe đến oải hết cả người…

Mình chả giấu diếm gì nhưng quả thực đến giờ mình chả có ý nghĩ hay mong chờ chi tết. Không còn sự háo hức, chuẩn bị hay đếm từng ngày từng ngày chờ tết đến, thay vào đó là sự trống rỗng đến lạ lùng.

Hồi mới ra trường cũng những ngày giáp tết như thế này mình nhớ lão đội trưởng kêu đến nhà để thanh toán tiền lương. Phải đến nhà lão vì mình chỉ làm thuê cho lão chứ không được ký hợp đồng với công ty. Sau một hồi cộng cộng trừ trừ, tính tính toán toán lão đưa cho mình bốn cục tiền nói của mày đấy gồm cả lương và thưởng năm nay, cầm về ăn tết sang năm cố gắng thì cuối năm sẽ nhiều hơn. Mình hơi bị choáng vì không ngờ số tiền lại nhiều đến thế, bốn cục tiền loại giấy hai ngàn bằng cotton vuông vức được buộc bằng dây lạt còn nguyên niêm phong của ngân hàng. Tai mình như ù đi vì bốn cục quy ra vị chi là tám triệu đồng, một số tiền quá lớn với mình lúc đó và lại còn năm sau nữa chứ, sướng tê người. Lắp ba lắp bắp chào lão đội trưởng mình cho hai cục vào hai túi quần, hai cục còn lại cho vào hai túi áo khoác rồi nhảy lên xe đạp đạp như bay về nhà mà không kịp chúc gia đình lão ở lại ăn tết vui vẻ.

Vừa đạp xe về mình vừa nhìn xung quanh vì cứ sợ ai đó nhìn thấy mình có số tiền lớn lại dở trò xằng bậy thì mất toi bao công sức thành quả của mình. Thỉnh thoảng mình lại sờ sờ nắn nắn mấy cục tiền vì chỉ sợ nó buồn buồn sẽ nhảy ra ngoài thì xót lắm. Nhà lão đội trưởng ở ngoài đê sông Hồng về đến nhà trọ ở Khu tập thể Phương Mai cũng gần cả chục cây nhưng mình đạp cái vèo đã về đến nhà. Trời rét căm căm lại lắc rắc mưa nhưng mình kệ cứ thế mà đi như chả biết tới mưa lạnh hay rét mướt gì, chỉ thấy cuộc đời thật tuyệt và hạnh phúc vô cùng khi nghĩ tới tương lai rạng ngời của chàng kỹ sư trẻ… Đêm đó chưa kịp vào nhà mình đã kêu cả bọn bạn ra làm một lô ốc các loại ngay quán ốc đêm ở chợ Kim Liên như là cách ăn mừng sự kiện lớn. Chưa đã, tối hôm sau lại kéo nhau ra quán chân gà nướng ở đường Phạm Ngọc Thạch (gần chợ Kim Liên) lai rai thêm mấy xị rượu nếp cái say mèm chân nam đá chân xiêu vừa đi về phòng trọ vừa nghêu ngao hát, sướng ngất sướng ngây. Những ngày sau đó náo nức kinh khủng chỉ mong đến ngày về quê, thi thoảng không ngủ được lại mò dậy sờ sờ cục tiền để trong áo khoác đằn dưới lớp chăn trải giường mà lòng lâng lâng dạt dào bao mơ ước.

Chợ quê
Mấy hôm sau đòn xe đò về quê, lúc xe dừng ở Phủ Lý đón khách mình còn ráng nhảy xuống mua thêm cành đào Nhật Tân về quê ăn tết cho nó hoành tráng. Mấy thằng lơ xe không biết bỏ vào đâu nên giắt đại lên nóc vậy là về đến nhà cành đào héo khô như cái chổi rành rành ở quê vẫn thường dùng để quét sân quét ngõ. Nhưng mình thì thấy nó vẫn đẹp lắm và vẫn vênh mặt lên vì cả xóm chẳng có mấy nhà có được cành đào loại này.  Tết đó mình ăn tết với gia đình vui nhất, không biết mọi người trong nhà nghĩ sao nhưng mình vẫn đinh ninh rằng cái tết đó làm mình nhớ nhất, hạnh phúc nhất kể từ ngày ra trường đi làm cho đến giờ...

Bây giờ mình không còn háo hức nữa và cũng chả nghĩ ngợi chi đến tết hay về quê. Không phải mình không nhớ quê, không nhớ cha mẹ già đang mong ngóng con về sum vầy dịp tết. Mình vẫn thèm lắm cái không khí cả nhà quấy quần bên bếp than hồng ăn ăn uống rồi kể chuyện xưa chuyện nay, cười nói rôm rả. Mình vẫn muốn về quê để được lang thang một mình vào sáng sớm lành lạnh trên con đường mà ngày xưa  mình hay ra đồng chăn bò, làm cỏ lúa với bao kỷ niệm về tuổi thơ gian khó. Mình vẫn mong về quê dịp tết để được chen chân vào một phiên chợ quê mua vài bó chè, nải chuối hay vào hàng gà chọn một con gà trống để cúng tân niên…
Chợ quê ngày tết
Nhưng giờ đây mình chẳng có gì cả, lòng dạ ngổn ngang, rối bời với bao nhiêu bộn bề suy nghĩ về tương lai, giá trị và niềm tin. Có thể vài bữa nữa mình sẽ khác đi chút chút, lúc đó sẽ nói chuyện về quê ăn tết sau vậy.

Tự nhiên lại thèm ghê cái cảm giác được lão đội trưởng năm nào đưa cho bốn cục tiền buộc bằng chạc lạt còn nguyên niêm phong của ngân hàng. Hehehe..., chắc cầu được ước thấy quá …

7 nhận xét:

Phuong Hoa nói...

Hôm nay mở mắt đã thấy một núi việc, liên tục điện thoại, chả biết làm việc gì trước. Áp lực quá.
Đúng là mình đang có tâm trạng giống hệt như Thịnh. Mình giờ chỉ mong được ngồi quây quần với gia đình bên bếp lửa, nói chuyện phiếm, ăn bánh chưng với thịt bò kho và dưa kiệu. Hoặc không thì ngồi một mình bên bếp lửa cũng được, để đầu óc thang thang theo những ngọn lửa tí tách, phập phùng.
Ước gì minh có thể sống như Steve Jobs: "nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời thì tôi sẽ muốn làm gì?".
Nhưng vợ hỏi lương, con chưa có tiền đóng học, bên công ty nhà đất đòi tiền trả góp, ngân hàng yêu cầu ra đáo nợ...Mà chắc ngày mai mình vẫn còn sống.
Viết đến đây điện thoại lại reo rồi...Ôi.

Người cùng khổ nói...

"Cụ" Phương (Hoa) và cụ Thịnh hãy "quẵng gánh lo đi mà vui sống!", các "cụ" đọc lại bài thơ Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ sẽ thấy lòng lắng lại và chắc cũng thấy hình ảnh của mình và quê trong đó?
CHỢ TẾT

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng-bừng ra chợ Tết.
Họ vui-vẻ kéo hàng trên cỏ biêc
Những thằng cu áo đỏ chạy lon-ton,
Vài cụ già chống gậy bước lom-khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng-lẽ,
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ

Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,
Con bò vàng ngộ-nghĩnh đuổi theo sau.
Sương trắng dỏ đầu cành như giọt sữa,
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,

Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình-minh..
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.
Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ,
Để lắng nghe người khách nói bô-bô.
Anh hàng tranh kĩu-kịt quảy đôi bồ,
Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán.
Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản,
Tay mài nghiên hí-hoáy viết thơ xuân.
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời-gian gội tóc trắng phau phau.
Chú hoa-man đầu chít chiếc khăn nâu,
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu.
Áo cụ lý bị người chen sấn kéo,
Khăn trên đầu đương chít cũng tung ra.
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi.
Mấy cô gái ôm nhau cười rũ-rợi,
Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa.
Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha,
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết,
Con gà trống màu thâm như cục tiết,
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem.
Chợ tưng-bừng như thế đến gần đêm.
Khi chuông tối bên chùa văng-vẳng đánh,
Trên con đường đi các làng hẻo-lánh,
Những người quê lũ-lượt trở ra về.
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê-thê,
Lá đa rụng tơi-bời quanh quán chợ.

gió và nước nói...

Cám ơn Phương Hoa đã ghé thăm nhà và cùng chia sẻ những nỗi lo toan. Sao không nói luôn câu "hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ" nhể.
Hehe,a e mềnh lỡ mang kiếp tru rồi thì ráng mà cày đi nha nha nha. Chỉ được phép cày kéo thôi, ko có quyền kêu nha nha nha...

Phuong Hoa nói...

Vẫn biết đã có entry mới, nhưng mình vẫn comment vào entry này theo dòng cảm xúc hôm trước vậy.
Hà Nội đang rét ngọt, từng cơn gió quất rát mặt, bàn tay tê cóng, hơi thở như sương khói, nó cho ta cảm giác như bị cái dằm đâm vào tay: buốt giá nhưng ngọt ngào.
Có ai nhớ cảm giác ngồi ăn ngô nướng trước cổng trường Luật, bắp ngô nóng bỏng tay, nhìn người con gái mình yêu cười, má ửng hồng, mắt em rực sáng. Có ai nhớ những đêm giá buốt, giận người yêu, lang thang một mình giữa phố, cứ tự nhủ: tim mình đang như con chim hót trong bụi mận gai. Có những đêm giáp tết, trời có thêm mưa phùn, đứng dưới cột đèn đường, ngước nhìn những hạt mưa rơi như những hạt thủy tinh tan vỡ. Li ti liti...
Rồi mình nhớ cũng một chiều đông, có người con gái tuổi đôi mươi, có làn da trắng, đôi môi mọng đỏ, mái tóc đen dài. Nàng chầm chậm đạp xe trên triền đê xa từ cây số bốn về nhà nàng ở Bích Động. Không biết triền đê xa ấy như một dải lụa dưới chân nàng hay chính là đường chân trời, bởi con đường tình yêu nàng đang đi sẽ đến một nơi vô vọng...
Đêm nay, một mình lên gác thượng, chẻ chân gỗ mục của chiếc bàn ngồi học thời sinh viên, nhóm cho mình một bếp lửa nhỏ, lòng ấm lại khi nhớ về những ngày xưa, thưở "khát khao và dại khờ"...
Nếu ai còn chút hoài niệm về mùa đông nơi đất Bắc, hãy đọc tạp bút "Càphê...mưa" của Dương Thụ nhé. Mình ở đây rồi, nhưng mỗi lần đọc lại cứ thấy lòng nao nao.
(Ghi chú: Thân chủ cho đăng như một entry nhé, ok?)

gió và nước nói...

Cám ơn đã nhớ và nhắc đến những kỷ niệm xưa. Sẽ có dịp để hoài niệm những ngày tháng cũ...
Sẽ đăng "cà phê mưa" như một entry vậy.
Cám ơn nhiều !

Phuong Hoa nói...

Ừ, còn rất nhiều kỷ niệm, phải hàn huyên hết mấy chai, riêng món Rượu cái cũng đi suốt tuổi thơ mình.
O Cẩm Hường cũng "quê choa" à? Trước đây mình đã kinh ngạc khi nghe Huệ hát, giờ lại ngạc nhiên hơn khi nghe giọng O trên blog Ruoucai. Đúng là Kỳ Bắc thật lắm kỳ tài!

gió và nước nói...

Thường thui bác ơi. Mấy bữa tới đây O C.Hường ra Hà Nội, bác tiếp mấy chiêu rồi O hát nghe ha... Nghe ngoài đời thật nó mới sướng bác ạ.