Trang

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Âm vọng chiến khu xưa


Duonghuong
11/09/2011
“Cần Giờ Mắm trước Đước sau”

 Vừa ngẫm câu thành ngữ vừa ngắm nhìn màu xanh bạt ngàn tươi đẹp của những cánh rừng Đước và Mắm trong chuyến đi về thăm Biệt khu Rừng Sác (nay là Cần Giờ) của đại gia đình đồng hương Hà Tiện, tôi rất khó có thể hình dung nơi đây đã từng là vùng đất hoang hóa, với phần lớn đất bùn khô nứt nẻ và một phần là thảm thực vật xơ xác, hậu quả tác hại của nạn lạm thác và sự hủy diệt của hai triệu tấn bom đạn B52 của Mỹ, đặc biệt là bốn triệu lít chất độc hóa học. Sau khi ghé thăm Bảo tàng Cần Giờ, tôi biết được thêm rất nhiều điều;

Để bảo vệ vị trí chiến lược, Đế quốc Mỹ bắt đầu tiến hành chiến dịch khai quang bằng chất độc hóa học, chúng dùng thuốc diệt cỏ rải dọc sông Lòng Tàu và rải sâu vào rừng. Các đợt rải thuốc khai quang được tiến hành nhiều lần bằng máy bay cho nên khoảng từ năm 1965 đến năm 1970,  hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ gần như bị tê liệt và bị phá vỡ hoàn toàn, rừng trở nên thoái hóa và nghèo kiệt. Lúc ấy, cuộc sống của các chiến sỹ nơi đây thật kinh khủng vì nước mặn quanh năm, nguồn lương thực tiếp tế từ kho gạo miền Tây đã bị cắt đứt, họ phải ăn lá cây rừng để sống như: đọt chà là, đọt ráng, lá kìm, rau bui, dừa nước..., ban đầu chưa biết lá nào lành lá nào độc, phải quan sát hươu nai ăn rồi ăn theo. Đói là thế nhưng vấn đề cấp bách nhất vẫn là nước uống. Nguồn nước hứng từ mưa và sương không đủ dùng. Ban đầu, các chiến sĩ mạo hiểm ra khỏi rừng để lấy nước ngọt, mỗi giọt nước thậm chí đổi bằng máu. Nhưng cái khó "ló" cái khôn, bộ đội ta đã nảy ra sáng kiến lấy thùng phuy nấu nước mặn chảy ra từng giọt như kiểu nấu rượu, cứ hai chiến sỹ nấu ngày đêm thì cũng đủ ăn uống cho một trung đội. Phải giữ khói, che lửa đối với máy bay quan sát từ xa, hoặc dùng nồi nhôm nấu cơm lật ngược nắp đậy, bỏ vào trong một cái dĩa nổi nấu nước mặn cũng có thể chống khát được qua ngày cho từng tiểu đội, khổ nhất là các chiến sĩ nữ, vì phải ăn lá rừng, uống nước mặn, không có nước tắm gội nên ai nấy da dẻ sạm đen, mặt mũi hốc hác, tóc tai xơ xác cứng đơ.
         
        Ngày ấy, Rừng Sác nổi tiếng là “rừng thiêng nước độc”, trên rừng thì cọp hàng đàn, dưới sông thì cá sấu dày đặc. Chính vì thế, bộ đội ta phải hết sức thông thạo, nhanh nhạy để có thể phán đoán chính xác từng tiếng động, nghe tiếng quẫy nước phải phân biệt được tiếng động của 4 chân hay 2 chân, quân ta hay quân địch…, địa hình của rừng cũng khá đặc biệt, có nơi bùn lầy đến ngang lưng nhưng cũng có chỗ khô ráo. Các chiến sĩ ta phải di chuyển trên rễ cây, tránh lội xuống bùn vì sẽ để lộ vết tích.
  
Trong điều kiện vô cùng khó khăn ác liệt, nhưng các chiến sỹ đặc công Rừng Sác đã lập nên nhiều thành tích lẫy lừng như đánh cháy và chìm hơn 500 tàu chiến các loại của hải quân Mỹ-Nguỵ, nhận chìm, đánh cháy gần 200 tàu vận tải quân sự từ sáu ngàn đến vạn tấn trên sông Lòng Tàu, bắn rớt hàng chục trực thăng, tiêu diệt hàng ngàn tên địch đa số là lính kỹ thuật, phá huỷ 90 phần trăm kho bom thành Tuy Hạ năm 1972, thiêu hủy hãng Shell, kho xăng Nhà Bè thiệt hại 250 triệu lít năm 1973... những chiến công đó đã làm nức lòng nhân dân Nam Bộ và quân dân cả nước, mãi mãi là nỗi kinh hoàng cho quân xâm lược và đồng bọn.

Chiến tranh đã đi qua hơn ba mươi lăm năm. Đặc khu Rừng Sác năm xưa là một hố bom với đầy sự chết chóc, thì nay vùng Rừng ngập mặn Cần Giờ đã có những đổi thay kỳ lạ về hệ sinh thái cuộc sống của người dân. Không chỉ làm nhiệm vụ là một “lá phổi xanh” của Thành phố, rừng Cần Giờ còn là một bức tường xanh vững chắc chống gió bão, sóng thần, xói lở, làm sạch môi trường ven biển, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ nước ngầm, tích luỹ cacbon, giảm khí CO2... 
 
Toàn bộ hơn 40.000 ha Rừng Sác (54% diện tích cả huyện, trong đó có hơn 30.000 ha là rừng tái tạo) khi xưa bị hủy diệt thì nay đã được cây mắm, đước, vẹt, sú... phủ kín. Trước đây Cần Giờ chỉ có con đường đất nhỏ dài chưa đầy 13 km thì nay toàn huyện đã hoàn thành bê tông hóa giao thông nông thôn đến từng làng. Con đường Rừng Sác trải dài từ phà Bình Khánh tới ngã ba 30/4 vừa hoàn thành với 3 làn xe trải nhựa phẳng lì, hứa hẹn sẽ đem lại sức sống mới trên quê hương Cách Mạng, nhiều mô hình kinh tế, sản xuất hiệu quả như nuôi tôm hiện là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch đã giúp hàng ngàn hộ nông thôn thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Với hơn 20 dự án khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí. Mỗi năm, Cần Giờ đã thu hút hơn 400.000 lượt du khách. Rừng Cần Giờ bây giờ đang thay da đổi thịt từng ngày.

         Là một người được sinh ra ở thời bình, được hưởng những hạnh phúc từ sự mất mát hy sinh của những chiến sỹ vai trần chân đất năm xưa, xin mượn những vần thơ của Đại tá Lê Bá Ước - nguyên Đoàn trưởng đoàn 10 đặc công Rừng Sác - để viếng hương hồn của 860 chiến sỹ Đặc công Rừng Sác đã nằm lại nơi đây, họ nằm lại mà âm vọng về lòng dũng cảm của họ vẫn đời đời còn mãi...
Bâng khuâng tấc dạ niềm thương nhớ
Lộng gió trên sông đẹp bóng cờ
Mãi mãi hiên ngang Rừng Sác đứng
       Mỗi người ngã xuống một bài thơ./.

Hình ảnh chuyến đi Cần Giờ ngày 02/09/2011:


Qua phà Bình Khánh



Qua bến cảng Hải Quân, thấy toàn là tàu chiến, không biết có bắn được ai nữa không...




Thăm chiến khu Rừng Sác - Cần Giờ


Khỉ Cần Giờ mút kem
Câu cá sấu ở Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ




Khỉ mẹ có vú ngắn, vú dài

1 nhận xét:

O Hường nói...

Này Hai Khánh ơi là Hai Khánh! O bó tay luôn, chú thích kiểu ni (ảnh cuối)thì chỉ có duy nhất là Hai Kháh thôi.