Trang

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Khế ngọt ...?

 Cái Cò (blog phamlai-unknown)
          Bây giờ khác xưa rồi ! cái ngày xưa đã qua tám hoánh rồi, làm đếk gì còn trở lại được ngày xưa, mấy ông nhạc sỹ , mấy ông nhà thơ nói bậy tất , quê hương bây giờ làm gì có chim có bướm ,  nhưng lại có cái na ná, mà dân gian vẫn hoài hơi gọi nó là chim, là bướm. Láo thật ! Các vị cứ thả sức mơ hồ, nào là tả mẹ già bịn rịn áo nâu… Nào là góc ao, bờ tre nhà các vị , láo hết làm gì còn chỗ ấy . Con chuồn kim bé tí ti cũng gia nhập WTO rồi , còn chỗ nào mà đậu nữa . Nông dân là cha mẹ các vị đấy! Ngày xưa bán mặt cho đất bán lưng cho giời , bây giờ chỉ có thể bán lưng cho giời thôi , làm đếch gì còn nơi mà bán mặt, tấc đất tấc vàng lâu rồi, Ông Nguyễn Trọng Tạo “Về mà úp mặt vào sông quê”. Còn như ta  biết úp mặt vào đâu! Cũng nửa đời phiêu bạt , cũng Căm Pốt , Ai Lao rừng le , rừng Khộp,  đến đồi tranh Xiêng Khoảng , cho đến những nơi mà món ăn hôi rình của Châu phi, Mà ngay các vị đấy cứ ngồi đâu đó mà nuốt tôm hùm , vươn cổ ra mà nuốt trứng đà điểu, bao nhiêu là cao lương mỹ vị, các vị nhồi vào dạ dày,   thậm trí về cố đô mà uống rượu cà dê , đến khi muốn nôn, muốn ỉa, thì trong đầu các vị bao giờ mà chẳng nghĩ đến cái hố tiêu quây lá chuối ,  quê hương đấy thôi !   Ai đó kêu rằng quê hương là chùm khế chua, xem chừng xón tiểu ,nhưng mà dễ lọt tai, chắc ông này cả đời nơi đất khách quê người, cù bơ cù bất , có đếk quê hương đâu mà chẳng khát, chẳng thèm , nhỏ rãi … chua quá !
           Tôi sinh ra giữa làng  là vì Bà nội tôi nghe dại các cụ đã dạy rằng : “Tậu ruộng giữa đồng - lấy chồng giữa làng” .Ngày tôi sinh xóm ngõ tràn đầy cỏ cây, rắn rết và hạnh phúc. Cả nước vẫn còn dư âm (giải phóng Điện Biên). Tôi sinh ra đặt nằm trên manh chiếu rách, bà cô họ đỡ tôi, dùng cái liềm cắt lúa, hơ trên ngọn lửa để diệt trùng uốn ván, bà đã cắt rốn cho tôi như thế,  bắt tôi khóc lóc thảm thiết chào đời. Đứa nào ngu mới bảo tôi là không có quê hương. Tôi ăn khoai lang,  ăn cả củ và ngọn để lớn lên, có lẽ ăn tạp nên đến giờ hơi một tý là tào tháo đuổi. Thế rồi cũng đi học , cũng biết viết chữ O, không tròn mà nó giống củ khoai tây. Thế rồi cũng mười tám , đôi mươi . Người ta đưa dân quân đến nhà, áp tải đi xuống uỷ ban xã để khám nghĩa vụ quân sự. Thế rồi cả xã có 14 quân nhân cách mạng, được mời trèo lên hai cái xe công nông, có hai càng lái. Cắm trên đó mỗi xe một lá cờ tổ quốc.  Chao ôi ai đó bảo rằng thanh niên hôm nay họ tòng quân . Quê hương sâu trong lòng và nặng trên vai tôi như thế, bảo sao tôi không sớm bị loãng xương, mà có nửa trên của thân mình song song mặt đất , nhìn dáng tôi  cái dáng com pa. 
        E…Hèm…! Hôm nay ta  trở về quê trên con Camribeest đời 84 ặc…ặc.  Con xe chưa đến tuồi 30 chừng như  còn ngon ngẻ lắm. Hồn nhiên đi qua chợ quê chỗ những cô gái quê , nón lá che ngiêng quên mẹ nó mất cái luật giao thông,  buộc con camribeest phải gào lên tiếng còi điện 6 vol kêu Phét phéeeeét…Đường trơn lại thỉnh thoảng có chút ổ gà , phải dồn toàn bộ lòng yêu đời yêu nghề lên tay lái. Đứng ở dằng xa, mà liếc con mắt thì thấy ta ngồi chễm chệ trên con beest đen có khác chăng một đống cứ chó bị phơi khô.  
                            “Mái bằng mái bằng lại mái bằng
                             Tôi luồn như cá lạc vào đăng
                             Năm mươi xuân lẻ về quê mẹ
                             Cả làng là một cục xi măng!”
            
Chẳng nhớ thơ của ông nào , đọc được đâu đó , nhớ được đâu đó trên đường về quê thì đọc vậy, buồn thối ruột . Mẹ cha nó cái xã hội nó tiến nhanh quá ! có mù thì cũng nhìn thấy mờ mờ, cái dậu mồng tơi của ông Nguyễn Bính có còn đâu, bây giờ nó thay mẹ nó bằng cái bờ tường  gạch. vườn tược, luống cà, cây ớt giờ có còn cây nào đâu mà đâm bông trổ trái, nhà cửa san sát , được đúc bằng bê tông cả rồi , ba bốn tầng cả rồi cứ như lô cốt boong ke thời pháp thuộc ấy , nhà ống cả rồi, nhà ống hay là cái hang , cái lỗ , còn đâu mà mái ngói đỏ tươi. Nhà hàng, khách sạn , cà phê đèn mờ , đèn tỏ mọc nên nơi nơi , đến ngóc ngách giữa làng tăm tối xưa kia cũng có quán đèn mờ hiệu “trăm năm cô đơn”, con ngòi ngày xưa mò tôm bắt cá bây giờ không còn con tép , người ta cũng xây , và cùng nhau gọi là bê tông hoá , nghe mà xót xa, triền đê con trâu, con bò gặm cỏ nay thành con đường lớn , những  xờ pây xi , su du ky , y a ma ha đua nhau xả khói lướt vèo, vi vút, thỉnh thoảng bóp còi choe choé , làm cho mấy con bò còm cõi tìm cỏ bờ đê vãi đái vì giật mình. Con sông dân tình vẫn gọi là sông cái ,  mỗi buổi triều dâng , có bãi ông, bãi bà chờ con nước lớn con trai con gái thi nhau mà ngụp lặn , thi nhau mà ý tứ ngâm nước đến cổ mới cởi quần áo , thả cho mình trần đung đưa cùng sóng nước. Bây giờ nó thành lập công ty khai thác cát ở lòng sông đem bán lấy tiền,   
           Tắm sông bây giờ chỉ có chó và trâu , ai điên  nhảy vào đó mà tắm bùn chăng? Còn nơi cây đa và cái sân đình, ùn ùn xe ben chở đất đá về lấp bằng cốt không để phục vụ cho cái dự án gì gì nhỉ? À ! Dự án treo thuộc cách hiểu: “Cơm treo mèo nhịn đói” . Vì đất nước mà dân làng phải hy sinh , chi bộ họp nói dân còn phải cống hiến.  Các cụ xưa toét mắt đổ tại hướng đình, nay nó phá đình đi xem ra mắt lại toét hơn, các cụ nói với nhau khi sinh hoạt người cao tuổi , đất nước mình giầu lên nhanh thật, quê mình phát triển kinh người. Mới chỉ chục năm, thời gian trôi êm đánh phựt, cứ như cú rắm đánh ngang tai mà đổi thay như điên như dại. Mà cũng có cụ buột miệng  đã lâu tôi không nhìn thấy ánh trăng ,  cháu tôi ở thành phố nó cũng không biết thế nào là ánh trăng, Cha Chả , nông dân mà mất cảm giác nhìn thấy trăng, âu cũng là cái giá phải trả cho cái cục bê tông của làng,  Công lao của mấy ông ở trên đã tìm ra một cái lối , cái lỗ cho dân làng giũ bùn đứng dậy bước ra đại lộ toàn cầu hoá .
            Vì tiếng gọi của non sông khi có ngoại xâm nên phải xa quê , sau thì vì tiếng gọi của bát cơm manh áo mà tha phương cầu thực, xa bến nước xa dậu mồng tơi , xa con giun con dế, chạy theo một mớ xô bồ , nay như muốn về với đất , mà các cụ ta xưa có nói cho ra câu dặn dò :”Ta về ta tắm ao ta – Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Nay về tắm chút ao đình , thì ao đã lấp,  úp mặt vào sông quê  thì toàn là bùn và cát . Ôi quê hương khế ngọt - khế chua !

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Ẻntry này đọc thích quá, Khánh- Nhi nên để đường nik cho rõ và chỉnh xửa thêm về kỹ thuật cho ngon ngẻ rồi hãy đăng! cảm ơn nhiều!