Trang

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Âm thanh cánh cửa.

Ba viết, 8/13/2011.

Mọi hôm cứ đặt xuống một cái là ba ngủ liền một mạch tới sáng nhưng đêm nay giấc ngủ cứ chập chờn. Nhớ ra hồi chiều đi học mệt quá nên uống gần một ly cà phê cho tỉnh táo ai dè mệt lừ đừ, lên lớp gặp phải ông thầy dạy chán gần chết nên bỏ về nửa chừng, phí cả một ly cà phê ngon và ba chục ngàn tiền qua trạm thu phí cộng với gấp đôi ngần đó tiền xăng. Hâ..y...a! Không biết lão ta có biết lão đang đày đọa và làm nghèo đất nước thông qua việc lãng phí và truyền những kiến thức dở hơi, vô bổ cho những người khác không. Nếu mà biết được thì mới là người yêu nước. Lão này mà biết chắc chết liền.

Nằm chập chờn cứ như mơ ngủ, có cái cảm giác như ai đó đóng cánh cửa nghe rầm rầm... Cái âm thanh đó lặp đi lặp lại đến mức nó dựng hẳn ba dậy, còn các con vẫn ngủ say.
Âm thanh từ cánh cửa phát ra nó chẳng có ý nghĩa gì nhưng đôi khi nó mang một thông điệp mà chúng ta có thể cảm nhận được. Trên phim hành động mỗi lần nhân vật trong phim đột nhập vào đâu đó đều được đạo diễn cho lồng âm thanh cót két của cánh cửa nghe đến sởn gai ốc người xem. Thực chất ngoài đời nó cũng vậy, khi cánh cửa phát ra tiếng cót két nhè nhẹ thì người nghe cũng có cảm giác  cần phải cảnh giác và chú ý, nó gửi đến ta thông tin rằng người ở sau cánh cửa có điều gì đó không hoàn toàn trong sáng. Nếu cánh cửa khép lại với những tiếng rầm rầm thì gần như đồng nghĩa với sự tức giận đang được tống vào trong phòng của ta và ta cần hóa giải nó...
Ba không rõ tục gõ cửa trước khi vào phòng của ai có từ đâu nhưng nhớ hồi ở quê chẳng có ai gõ cửa trước khi vào cả. Ở quê hồi xưa nhiều nhà quanh năm chẳng cần phải đóng cửa, họ cứ mở ra như thế, ai muốn đến thì đến, đến chơi chán thì về. Điều đó nó  thể hiện một nét văn hóa về sự cởi mở, hiếu khách, phóng khoáng và thân thiện của chủ nhà. Giờ thì không còn nữa vì sự tham lam của con người đã đóng sập những cánh cửa đó lại rồi, thậm chí nhiều nhà phải làm thêm mấy lớp cửa cho chắc ăn để tránh sự dòm ngó từ lòng tham của người khác. Thật buồn cho một văn hóa đẹp đã chết.

Văn hóa gõ cửa ở VN có lẽ được xài nhiều nhất ở nơi công sở, trước khi vào phòng người khác ta đều phải gõ cửa như một phép lịch sự tối thiểu cần thiết. Vậy nhưng khi vô tình nghe những tiếng gõ cửa của ai đó ở đâu đó ta cũng có thể đoán được thân phận, tâm lý, tình cảm người đó... kể cả khi không nhìn thấy mặt họ. 
Có những tiếng gõ cửa nhẹ nhàng đều đặn, đôi khi lại là rụt rè ngắt quãng không đều, cũng có lúc nhanh, mạnh và gấp gáp thậm chí là những tiếng đập cửa thùm thùm.... Nó cũng giống như khi ta nghe nhạc không lời có những nốt nhạc trên phím đàn lúc mê say, lúc lả lướt, lúc rộn ràng, lúc giận dữ gào thét... Ta chỉ việc nhắm mắt , cảm nhận và cảm nhận ...

Thật buồn cười vì những âm thanh phát ra từ cánh cửa vô tri vô giác và ngắn ngủn , khô khốc ... nhưng lại mang một thông điệp rất lớn nếu ta biết lắng nghe. Thực ra bản thân cánh cửa nó không tạo ra những âm thanh mà do chính con người, vậy nên nếu đã biết lắng nghe thì cũng có nghĩa là ta phải biết giấu mình khi chính ta là người tạo ra âm thanh đó. Hay-za! Chán cái sự đời, chẳng thể nào yên thân vì những ý nghĩ quái gở của chính mình. Sáng rồi, ba đi làm đây !

Không có nhận xét nào: