Trang

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Bác Thạch, Hai Khánh và ước mơ làm cảnh sát.

Mấy bữa nay đi đâu cũng nghe nói đến hướng nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp, nhìn mấy anh mấy chị cấp ba ai cũng mặt mày hón hở , líu la líu lo về ước mơ của mình sau khi tốt nghiệp, Hai Khánh tui cũng thấy vui lây. Bữa trước ba hỏi Hai Khánh tui sau này lớn lên con muốn làm nghề gì, tui trả lời không do dự là làm cảnh sát, ba phì cười hỏi tại sao, tui nói thì làm chú cảnh sát có khẩu súng đeo bên hông, thằng nào lớ xớ rút súng ra cái bùm không chết thì cũng bị thương thằng nào dám không sợ. Nghe vậy ba ngạc nhiên lắm, ba nói sao mày giống bác Thạch hồi xưa thế, rồi ba hồi tưởng lại chuyện bác Thạch chọn nghề…
Mùa hè năm 1986 bác Thạch chuẩn bị tốt nghiệp cấp ba cả nhà quắn đít lo cho bác Thạch chọn nghề gì để đăng ký hồ sơ, ông bà nội chạy ngược chạy xuôi tham vấn người này, xin ý kiến người kia, nói chung là nhặng cả lên nhưng chẳng quyết được cho bác thi trường nào cả. Cả nhà đau đầu vì Bác Thạch là con trai cả lại là cháu đích tôn nên phải chọn nghề nào cho phù hợp và hoành tráng xứng đáng với cái vai trò và trọng trách của bác với tổ tiên ông bà cũng như là rường cột cho đại gia đình sau này. Ngày nộp hồ sơ đã cận kề không thể chần chừ mãi được, phải quyết định nhanh và buổi họp gia đình được nhanh chóng tổ chức. Sau một hồi phân tích và nhận định về xu thế thời đại đến tình hình trong và ngoài nước, trong và ngoài tỉnh , huyện rồi đến xã  ông nội quyết định chọn ngành sư phạm. Bà nội nhất trí ngay và còn bổ sung thêm rằng ngành này là ngành truyền thống của dòng họ nhà ta, nào là nghề nhàn nhã, thanh cao được mọi người tôn trọng vân vân và vân vân… Bác Thạch không nói gì. Mọi người lại say sưa với tương lai rằng bác vừa đi dạy vừa tăng gia sản xuất, nuôi mấy con lợn vài ba con bò cái (để năm nào cũng đẻ thêm có vài con me - bê) , một buổi đi dạy, còn buổi còn lại thì vác cuốc đi phở hoang trồng đậu trồng dưa ở cồn Ran cồn Đá (nơi mà ông nội đã làm được đôi ba sào) rồi bác sẽ lấy vợ cũng là nghề giáo và đẻ ra những đứa con cũng sẽ tiếp tục nghề giáo và vẫn nuôi lợn, nuôi bò, khai hoang phục hóa với lòng tự hào “ai trồng khoai đất này?” . Viễn cảnh thật sáng lạng cho đến đời con đời cháu thậm chí đến đời chít nhưng Bác Thạch vẫn không nói gì.  Sốt ruột ông hỏi bác rứa ý con à răng để còn biết, bác trả lời lý nhí con không thích mần giáo viên. Khỏi phải nói cả nhà ai nấy đều chưng hửng, cái nghề cao quý như thế, nhàn nhã như thế lại còn có điều kiện để kế tục cái nghề nông bao đời tổ tiên đã làm rạng danh dòng họ từ những tấc đấc khai hoang , vậy mà… Rứa mi muốn mần nghề chi thì cứ nói, ông nội hơi gắt  nhưng cũng cố tỏ ra nhẹ nhàng, bác ngập ngừng như ca sĩ  hát bài đi xây hồ Kẻ gỗ :"nghề cảnh ... cảnh sát ...đó nờ". Trời đất cả hai bên nội ngoại chẳng ai đi ngành công an mà gần như là nghề sư phạm vậy mà bác Thạch lại chọn nghề đó, rồi ai xin việc cho, ra trường mần ở mô ,  ở mấy cái xã này có việc chi cho cảnh sát mần, đi xa thì ai trông coi việc thờ tự, giỗ tết, ruộng nương, rồi lại còn khai hoang nũa ai mần... Cả nhà xôn xao tranh luận về ý kiến của bác, mà thực ra cũng chẳng mấy người biết (kể cả bác Thạch) cái nghề cảnh sát thực chất là làm gì, ở đâu... , chỉ biết mơ màng vậy thôi vì hồi đó có mấy ai ra khỏi lũy tre làng đâu mà biết. Bàn đã đời nhưng chẳng ai biết mô tê ra răng đành phải hỏi rõ bác Thạch lý do chọn nghề này, và thật kỳ lạ là nó giống y câu trả lời của Hai Khánh tui sau đó hai mươi sáu năm – có khẩu súng đeo bên hông thằng mô lớ xớ bắn cái bùm. Ha ha, ha ha… cái lý do nghe có vẻ mắc cười nhưng thật có tầm thời đại đến nỗi mấy chục năm sau vẫn còn nguyên giá trị, bác Thạch lúc đó trẻ tuổi mà có tầm nhìn xa thế không biết, tài thật.
Ba tui kể, ba nhớ như in là sau đó bà nội cố gắng thuyết phục bác chọn nghề sư phạm, nếu đồng ý bà sẽ mua cho bác một khẩu súng hơi. Mà súng nào thì cũng là súng, súng lục thì ngắn hơn súng hơi , đeo bên hông cho oai vậy chứ đâu phải lúc nào cũng bắn bùm bùm được vì có phải lúc nào cũng có mấy thằng cà chớn đâu, trong khi súng hơi tuy bắn chỉ nghe xịt xịt nhưng lại có chim ăn phải sướng hơn nhiều không. Bà nói vậy vì hồi đó ba và bác Thạch rất thích và thường xuyên đi bắn chim với ông Mậu vào ban đêm, bà phân tích cứ buổi đi dạy buổi vác súng đi bắn chim , cuộc sống quá phong lưu không cần phải nuôi heo, nuôi bò hay cứ phải “ ai trồng khoai đất này “ nữa, mấy cái đó để cho thằng Thịnh sau này lớn lên  giao cho hắn mần cũng được. Trời đất!
Nói vậy nhưng cuối cùng bác vẫn thích khẩu súng bắn kêu bùm bùm hơn, mùa hè năm đó bác đăng ký thi vào trường CĐ Cảnh sát Nhân dân. Do không đủ cân (bác thiếu mấy cân  trong khi yêu cầu là  trên 50 kg) nên bác phải nhét thêm mấy cục đá vào trong thân hình Đôn ki hô tê của mình để lọt qua vòng khám sức khỏe. “Đồng chí bác” cảnh sát tương lai chỉ qua được vòng sơ tuyển, đến vòng thi viết thì ba môn đạn đều xịt xịt xịt… trượt chỏng vó. Không từ bỏ ước mơ của mình năm sau bác lại đăng ký thêm trường ĐH Công an Nhân dân (lúc đó mỗi thí sinh được đăng ký nhiều trường), lần này đạn vẫn lép và xịt xịt , xịt xịt và xịt xịt ...
Sau lần đó bác từ bỏ cái mơ ước khiêm tốn của mình để chọn một nghề khác hơn, đương nhiên là đã có nhiều cuộc thảo luận trong gia đình được tổ chức nhưng rốt cuộc cũng không phải là nghề sư phạm. Đúng là cuộc đời nhiều khi mơ ước cũng chỉ là ước mơ.
Ba nói cũng may mà hồi đó bác không thi đậu chứ nếu đậu chắc giờ bác cũng khổ vì thời buổi này quá nhiều thằng lơ xơ lớ xớ, mà đụng đâu bùm bum đó thì đạn đâu mà bắn với lại có đạn cũng chẳng dám bắn vì bọn này giờ ghê lắm toàn kiếm với mã tấu theo kiểu “mày có sung tao có dao găm …”chưa kịp bùm bum thì nó đã phụp cho tiêu đời rồi.
Thôi nhé ai ước thì cứ mơ chứ Hai Khánh tui chẳng giám chọn " nghề ... nghề cảnh sát đó nờ" nữa đâu. Chỉ mong làm nghề gì cũng được (đừng đụng đến súng ống) để “phở hoang” thêm vài miếng đất nhỏ nhỏ, to to ở Bình dương, nuôi vài ba con gà con vịt, trồng dăm cây chuối cây cau, luống rau vườn cà, chiều chiều lại vác cuốc đi thăm cho khỏi mai một nghề truyền thống của ông cha. Được thế là hạnh phúc lắm rồi ./.
Hai Khánh 21/4/2011

Không có nhận xét nào: