Trang

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

Họ là ai và họ đã làm điều đó như thế nào?

Tình hình thế giới trong thời gian qua hết sức căng thẳng. Nào là diễn biến ngày càng phức tạp của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I  sau khi động đất đã nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ Nhật, nào là cuộc chiến ở Libya càng ngày càng khốc liệt, phe nào cũng tuyên bố mình đã nắm quyền kiểm soát, vừa đánh vừa cãi nhau như mổ bò trong khi phe đồng minh NATO cũng cãi nhau không kém. Chưa kể Siria và Yeamen biểu tình rần rần đập nhau tơi bời hoa lá đến nỗi mỗi ngày chết vài chục em. Còn ở Cu ba thì đại hội sáu của đảng cộng sản diễn ra đúng chuẩn theo kiểu sau nhiều ngày làm việc nghiêm túc với tinh thần sáng tạo đổi mới, đoàn kết đại hội đã thành công tốt đẹp (mà đã tốt đẹp thì đương nhiên phải vỗ tay và vỗ tay rồi). Kết quả là vậy nhưng không có nghĩa là tình hình cu - ba hết căng thẳng đâu nhé, hãy chờ xem.
Tình hình khu vực còn nóng hơn nhiều, Cambodia và Thái lan choảng nhau không còn gì là tình nghĩa láng giềng môi hở răng lạnh nữa, Philippin còn giám đòi uýnh luôn cả đồng chí TQ vì đồng chí này giám đưa tàu đến vùng biển tranh chấp, thật chẳng còn tôn tri trật tự gì. Thậm chí đến như đồng chí Lào  anh em cứ khăng khăng đòi xây đập thủy điện chẳng màng tới tình xưa nghĩa cũ hay đang ăn quả gì uống nước nguồn nào...
Tình hình trong nước thì sôi lên ùng ục từ chuyện con cá mớ rau đến tàu lớn tàu bé chìm chìm nổi nổi rồi lại ngày chẵn ngày lẻ, cụ rùa cụ trâu... và mỗi lần sóng dậy thì lại nghe quen quen rằng chúng ta phải quyết tâm quyết tâm và quyết tâm hơn nữa...Nghe đến ù cả đầu.
Kể lể dài dòng như vậy thôi chứ ai ai cũng biết rồi vì trên làng thượng đến dưới làng hạ, từ trên sân thượng xuống đến dưới vỉa hè đâu đâu cũng nghe và bàn mấy chuyện này. Nói là bàn vậy thôi chứ mấy bác chỉ hứng lên chém gió cho vui,  để nói cho có chuyện để nói, nói cho có lý do để ăn để uống cho nó dễ vào chứ chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới cả. Vậy ai là người đang phải tỉnh táo và hết sức tỉnh táo, trí tuệ và hết sức trí tuệ, mềm mỏng và hết sức mềm mỏng trong cái thế giới hỗn độn này để đứng ra giải quyết những vấn đề hóc búa, những quyết sách liên quan đến vận mệnh của dân tộc hay những vấn đề mang tính toàn cầu???. Thật thú vị là vì chẳng ai biết rõ ai trong số chúng ta đang quyết định tương lai của thế giới.
Họ là ai và họ đã làm điều đó như thế nào? Mời bà con xem video clip dưới đây và tự đưa ra câu trả lời.



Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Sinh nhật Hai Khánh (p2)

Sinh nhật đương nhiên là có quà rồi, bóc quà cùng tui nhé:

Chắc O Lý sợ tui không có tiền đổ xăng nên mới tặng tui cái xe điện này.
Chắc O dặn: đừng học hành chi nhiều, sau này cứ "cạp đât" mà ăn con ạ
Cái thằng An ghanh tỵ đến thế là cùng, nguýt người ta hoài


Út Nhi đang nghĩ cách chia bánh như thế nào cho công bằng - con gái luôn luôn vậy
Cu Nghé: "Mọi người đi đâu hết rồi trời. Chờ được ăn lâu quá,"
Chờ chút chị lấy cho Nghé ơi! nãy Linh dành ăn trước mất tiêu rùi

Thoát Á luận

Fukuzawa Yukichi
Hải Âu, Kuriki Seiichi dịch

 
Từ thế kỷ 19, Fukuzawa Yukichi (Nhật Bản) đã viết: "Đường giao thông trên thế giới là phương tiện để làn gió của văn minh phương Tây thổi vào phương Đông. Khắp mọi nơi, không có cỏ cây nào có thể ngăn được làn gió văn minh này".

Thoát Á luận là tựa đề bài báo của Fukuzawa Yukichi, với nội dung thoát khỏi vòng kiềm tỏa của nền văn hóa tiểu nông, cổ hủ lạc hậu, nặng về hình thức giả tạo bên ngoài của các nước châu Á mà Trung Quốc là điển hình, để học theo nền văn minh phương Tây và hội nhập vào thế giới bên ngoài.
Bài luận nổi tiếng này đã khơi nguồn cho dòng triết học Khai sáng của Nhật Bản, nền tảng tư tưởng và tinh thần của cuộc Canh tân Minh Trị đưa nước Nhật thoát khỏi nguy cơ lệ thuộc và phát triển ngang hàng với phương Tây cuối thế kỉ 19, đầu thế kỷ 20.
Bối cảnh ra đời của bài báo "Thoát Á Luận"
Vào năm 1885, trong thời Minh Trị Duy Tân (1868-1902), Nhật Bản đang tiến hành công cuộc đổi mới một cách toàn diện sau chừng 17 năm từ khi bắt đầu thời Minh Trị: chính trị, giáo dục, kinh tế (chuyển sang nền kinh tế tư nhân) sau khi chính phủ Tokugawa (chính quyền chuyên chế theo chế độ quân chủ Shogunate: tướng quân/lãnh chúa từng vùng và xã hội theo đẳng cấp hà khắc). Trước thời Minh Trị Duy Tân, thời Tokugawa kéo dài từ 1601 đến 1868, Nhật Bản theo chế độ quân chủ nhưng cũng có những quan hệ mở mang và tiếp xúc với nước ngoài: Hà Lan, Trung Quốc, Triều Tiên, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha (tiếp nhận những người đến truyền đạo).
Bấy giờ xã hội Nhật Bản có nhiều thứ "rối như mớ bòng bong" khi chuyển từ chế độ quân chủ sang thể chế nghị viện và quốc hội, nền giáo dục chuyển từ Nho học sang giáo dục phương tây v.v... những thứ rối như mớ bòng bòng trong xã hội Nhật Bản đã được Fukuzawa phác họa trong cuốn Khuyến Học viết trước lúc viết bài Thoát Á Luận.
Chủ trương lớn nhất của Fukuzawa hồi đó là làm thức tỉnh trí thức Nhật hãy theo con đường phương Tây, dứt bỏ hết tư duy cổ phong hủ lậu cùng nền giáo dục Nho/Hán học cùng với việc khai sáng khai trí (Khuyến HọcPhúc Ông Tự Truyện thì sẽ hiểu thêm) và có nhiều trí thức Nhật đã hy sinh cuối thời Tokugawa (nửa đầu thế kỷ 19, tức đến năm 1868). ) trong toàn dân để có thể áp dụng khoa học kỹ thuật (tri thức) vào đời sống sản xuất hàng hóa, phát triển thương nghiệp dịch vụ v.v... như các nước phương Tây. Những việc đó chính là việc các trí thức phải tự mình "lột xác" mình thoát khỏi ảnh hưởng của giáo dục, văn hóa và tư duy cổ phong hủ lậu của Châu Á để tiếp cận văn minh phương tây làm cho đất nước Nhật Bản có thể đuổi kịp và vượt lên các nước phương tây, đứng vào hàng ngũ các nước phương Tây. Làm được như vậy thì mới mong giữ gìn được đất nước Nhật Bản độc lập (không bị xâu xé bởi các nước phương Tây đi tìm kiếm thuộc địa và thị trường hồi bấy giờ). Tinh thần này được phát huy bởi rất nhiều trí thức trẻ Nhật Bản có tư tưởng đổi mới (theo phương Tây) đã đấu tranh chống lại trường phái bảo thủ (nhưỡng di, đọc trong
Tinh thần và ý chí của trí thức Nhật Bản thời Minh Trị Duy Tân, thời Fukuzawa sống ở Nhật Bản chính là tinh thần và ý chí quyết tâm đưa đất nước Nhật đuổi kịp và vượt các nước phương tây với tinh thần "học hỏi phương tây giữ gìn tinh hoa Nhật Bản. Bài Thoát Á Luận viết năm 1885 phần nào phản ánh được quan điểm đó của trí thức Nhật lúc bấy giờ. Tinh thần và ý chí của người Nhật quyết tâm đưa đất nước Nhật phát triển đuổi kịp các nước phương tây thời đó rất đáng để bây giờ chúng ta học tập và làm theo.

 Toàn văn bản dịch bài Thoát Á luận, Fukuzawa, năm 1885:
Đường giao thông trên thế giới là phương tiện để làn gió của văn minh phương Tây thổi vào phương Đông. Khắp mọi nơi, không có cỏ cây nào có thể ngăn được làn gió văn minh này. Thử nghĩ mà xem, những người phương Tây từ thời cổ kim đến nay đều có cùng dòng dõi giống nhau và họ không khác nhau nhiều lắm. Nếu ngày xưa họ chậm chạp thì ngày nay họ di chuyển hoạt bát và nhanh chóng hơn chính là vì họ lợi dụng được thế mạnh của phương tiện giao thông đó mà thôi. Đối với chúng ta, những người sống ở phương Đông, trừ khi chúng ta có quyết tâm vững chắc muốn chống lại xu thế văn minh phương Tây thì chúng ta mới có thể chống đỡ được, còn nếu không tốt nhất là chúng ta hãy cùng chia sẻ chung số mệnh với nền văn minh ấy.
Nếu chúng ta quan sát kĩ lưỡng tình hình thế giới hiện nay, chúng ta sẽ nhận thấy được rằng chúng ta không thể nào chống lại được sự tấn công dữ dội của nền văn minh ấy. Vậy tại sao chúng ta không cùng nhau bơi nổi trên biển văn minh ấy, cùng nhau tạo ra một làn sóng văn minh ấy, cùng nhau nỗ llực xây dựng và hưởng lạc những thành quả của nền văn minh ấy?
Chân dung Fukuzawa Yukichi. Nguồn ảnh: wikipedia
Làn gió văn minh như là sự lan truyền của dịch bệnh sởi. Hiện giờ dịch bệnh sởi khởi phát từ vùng miền tây ở Nagasaki đang lan truyền về phía đông tới vùng Tokyo nhờ tiết trời ấm áp của mùa xuân. Thời điểm này chúng ta sợ sự lan truyền của dịch bệnh này thì phải tìm phương thuốc, nhưng liệu có phương thuốc nào có thể ngăn chặn sự lây lan này không? Tôi có thể chứng minh rằng chúng ta không có một phương thuốc nào ngăn chặn được dịch bệnh cả. Cho dù chúng ta có ngăn chặn được dịch bệnh có thể lây lan này thì hậu quả là con người chúng ta sẽ chỉ có hư hỏng mà thôi.
Trong nền văn minh ấy có cả lợi lẫn hại song song, nhưng lợi luôn nhiều hơn hại, sức mạnh của những điều lợi đó không gì có thể ngăn cản được. Đó chính là điểm mà tôi muốn nói rằng chúng ta không nên tìm cách ngăn cản lại sự lan truyền của nền văn minh ấy. Là những người trí thức, chúng ta hãy góp sức giúp cho sự lan truyền của làn sóng văn minh đó tới toàn dân trong nước để họ thấy được và làm quen với nền văn minh ấy càng sớm càng tốt. Làm được như vậy chính là sự nghiệp của những người trí thức.
Nền văn minh phương Tây đang xâm nhập vào Nhật Bản và có thể tính bắt đầu từ chính sách mở cửa của nước nhà vào thời Gia Vĩnh (Kaei, 1848-1854). Người dân trong nước bắt đầu biết đến những giá trị hữu ích của nền văn minh ấy, và đang dần dần tích cực hướng tới tiếp nhận nền văn minh ấy. Nhưng con đường tiến bộ tiếp cận nền văn minh đang bị cản trở bởi chính phủ già nua lỗi thời. Cho nên đó là vấn đề không thể giải quyết được. Nếu chúng ta duy trì chính phủ hiện nay thì nền văn minh chắc chắn không thể xâm nhập vào được. Đó là vì nền văn minh hiện đại không thể song song tồn tại được cùng với những truyền thống Nhật Bản. Nếu chúng ta tìm cách thoát ra khỏi những truyền thống cũ kĩ đó thì đồng nghĩa với việc phải hủy bỏ chính phủ đương thời đi. Thế thì đương nhiên, nếu chúng ta ngăn cản lại nền văn minh đang xâm nhập vào Nhật Bản thì chúng ta không thể giữ gìn được nền độc lập của chúng ta. Dù thế nào đi chăng nữa thì sự náo động mãnh liệt của nền văn minh thế giới không cho phép vùng Đảo Đông Á cứ tiếp tục ngủ trong sự cô độc nữa.
Trong thời điểm hiện nay, những sĩ phu Nhật Bản chúng ta hãy dựa trên cơ sở đại nghĩa “coi trọng quốc gia và coi nhẹ chính phủ”, thêm nữa chúng ta có cơ may được dựa trên thánh chỉ tôn nghiêm của Thiên Hoàng, nhất định chúng ta phải từ bỏ chính phủ cũ, thành lập chính phủ mới, không phân biệt quan lại triều đình và thần dân, toàn dân trong nước tiếp thu nền văn minh hiện đại phương Tây. Nếu chúng ta làm được như vậy, chúng ta không những có thể thoát ra khỏi sự trì trệ lạc hậu cũ kĩ của nước Nhật Bản mà còn có thể đặt lại được một trật tự mới trên toàn Châu Á. Chủ trương của tôi chỉ gói gọn trong hai chữ “Thoát Á”.
Nước Nhật Bản chúng ta nằm tại miền cực đông Châu Á, giá như chúng ta có tinh thần dân tộc thoát ra khỏi những thói quen cổ hủ của Châu Á mà tiếp cận tới nền văn minh phương Tây thì chúng ta đã có thể hoà nhập với nền văn minh phương Tây rồi. Tuy nhiên, thật không may cho Nhật Bản chúng ta, bên cạnh nước chúng ta có hai nước láng giềng, một nước gọi là Chi Na (Trung Quốc), một nước gọi là Triều Tiên. Cả hai dân tộc của hai nước này giống như dân tộc Nhật Bản chúng ta đều được nuôi dưỡng theo phong tục tập quán, tinh thần và nền giáo dục chính trị kiểu Châu Á cổ lai hi. Tuy nhiên, có lẽ do nhân chủng khác nhau, hoặc do quá trình di truyền khác nhau, hoặc do nền giáo dục khác nhau nên có sự khác biệt đáng kể giữa ba dân tộc. Dân tộc Trung Quốc và Triều Tiên giống nhau nhiều hơn và không có nhiều điểm giống với dân tộc Nhật Bản. Cả hai dân tộc này đều không biết đường lối phát triển quốc gia tự lập.

Hình Fukuzawa Yukichi trên tờ tiền 1 vạn Yên
Ngày nay, trong thời đại phương tiện giao thông tiện lợi, cả hai dân tộc không thể không nhìn thấy được sự hiện hữu của nền văn minh phương Tây. Nhưng họ lại cho rằng những điều mắt thấy tai nghe về nền văn minh phương Tây như vậy cũng không làm họ động tâm động não. Suốt hàng nghìn năm họ không hề thay đổi và vẫn quyến luyến với những phong tục tập quán cũ kĩ bảo thủ. Giữa thời buổi văn minh mới mẻ và đầy khí thế ngày nay mà khi bàn luận về giáo dục thì họ thường lên tiếng giữ gìn nền giáo dục Nho học (Hán học), bàn về giáo lý của trường học thì họ chỉ trích dẫn những lời giáo huấn “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí”, và chỉ phô trương coi trọng hình thức bên ngoài giả tạo, thực chất họ coi thường chân lí và nguyên tắc, còn đạo đức thì hung hăng tàn bạo và vô liêm xỉ không lời nào tả xiết, đã vậy họ lại còn kiêu căng tự phụ.
Theo đánh giá của tôi, trong tình hình lan truyền mạnh mẽ của nền văn minh phương Tây sang phương Đông như hiện nay, hai nước ấy không thể giữ gìn được nền độc lập. Nếu trong hai nước ấy, xuất hiện những nhân tài kiệt xuất mở đầu bằng công cuộc khai quốc, tiến hành cuộc đại cải cách chính phủ của họ theo quy mô như phong trào Duy Tân (Minh Trị Duy Tân) của chúng ta, rồi cải cách chính trị, đặc biệt là tiến hành các hoạt động đổi mới nhân tâm và cách suy nghĩ thì may ra họ mới giữ vững được nền độc lập, còn nếu không làm được như vậy thì chắc chắn chỉ trong vòng vài năm tới hai nước sẽ mất, đất đai của các hai nước ấy sẽ bị phân chia thành thuộc địa của các nước văn minh khác trên thế giới. Vậy lý do tại sao? Đơn giản thôi, vì tại thời điểm mà sự lan truyền của nền văn minh và phong trào khai sáng (bunmei kaika) giống như sự lan truyền bệnh sởi, hai nước Trung Quốc và Triều Tiên đã chống lại quy luật lan truyền tự nhiên ấy của nền văn minh. Họ quyết liệt tìm cách chống lại sự lan truyền nền văn minh ấy ví như họ tự đóng chặt cửa sống trong phòng khép kín không có không khí lưu thông thì sẽ bị chết ngạt.
Tục ngữ có câu “môi hở răng lạnh”, nghĩa là các nước láng giềng không thể tách rời được nhau và giúp đỡ lẫn nhau, nhưng hai nước Trung Quốc và Triều Tiên trong thời điểm hiện nay không đóng vai trò giúp đỡ một chút nào cho nước Nhật chúng ta cả. Dưới nhãn quan của người phương Tây văn minh, họ nhìn vào những gì có ở hai nước Trung Quốc và Triều Tiên thì sẽ đánh giá nước Nhật chúng ta cũng giống hai nước ấy, có nghĩa là họ đánh giá ba nước Trung - Hàn - Nhật giống nhau vì ba nước cùng chung biên giới. Lấy ví dụ, chính phủ Trung Quốc và Triều Tiên chuyên chế cổ phong và không có hệ thống pháp luật nên người phương Tây cũng nghĩ rằng Nhật Bản chúng ta cũng là một nước chuyên chế và không có luật pháp. Các sĩ phu hai nước Trung Quốc và Triều Tiên mê tín hủ lậu không biết đến khoa học là gì thì học giả phương Tây nghĩ Nhật Bản chúng ta cũng chỉ là một nước âm dương ngũ hành. Nếu người Trung Quốc hèn hạ không biết xấu hổ thì nghĩa hiệp của người Nhật cũng bị hiểu nhầm. Nếu ở Triều Tiên có hình phạt thảm khốc thì người Nhật cũng bị người phương Tây coi là không có lòng nhân ái. Chúng ta có thể nêu ra biết bao nhiêu ví dụ cũng không hết được.
Lấy những ví dụ này, tôi ví trường hợp nước Nhật Bản bên cạnh các nước Trung Quốc và Triều Tiên không khác gì trường hợp trong một làng có một người sống bên cạnh toàn những người ngu đần, vô trật tự, hung bạo và nhẫn tâm thì dù người đó có là người đúng đắn lương thiện đến đâu đi chăng nữa cũng bị nhiều người khác cho rằng là “cá mè một lứa”, cũng chẳng khác gì những người hàng xóm. Khi những vụ việc rắc rối này sinh sôi nảy nở có thể gây ảnh hưởng trở ngại lớn tới con đường ngoại giao của chúng ta. Thực tế này là một đại bất hạnh cho nước Nhật Bản!
Vì vậy, nhằm thực hiện sách lược của chúng ta thì chúng ta không còn thời gian chờ đợi sự khai sáng (enlightenment, bunmei kaika) của các nước láng giềng Châu Á để cùng nhau phát triển được mà tốt hơn hết chúng ta hãy tách ra khỏi hàng ngũ các nước Châu Á, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh phương Tây. Chúng ta không có tình cảm đối xử đặc biệt gì với hai nước láng giềng Trung Quốc và Triều Tiên cả, chúng ta hãy đối xử với hai nước như thái độ của người phương Tây đối xử. Tục ngữ có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, nghĩa là nếu chúng ta chơi với những người bạn xấu, thì chúng ta cũng trở thành người xấu. Đơn giản là chúng ta đoạn tuyệt kết giao với những người bạn xấu ở Châu Á!
Nguồn: Thời Sự Tân Báo (Jiji Shimpo) – Ngày 16 tháng 3 năm Minh Trị thứ 18 (1885)

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Sinh nhật Hai Khánh (p1)

Hôm rồi sinh nhật tui nhưng lu bu quá nên không up hình lên được, nay up đỡ phần một để chia sẻ với bà con, bà con coi cho đỡ ghiền nhé, Hai Khánh sẽ up sớm phần hai thôi...

Cái bánh sinh nhật của Hai Khánh năm nay nhìn cũng được đấy chứ (thời buổi cơm cao gạo kém vậy là ngon rùi..)

Xúc động quá! vậy là sáu tuổi rồi, ước gì đây ta ???

Bữa nay mình là nhân vật chính, diễn trò chút chơi coi.

Hình này đẹp nhưng tại thằng cha phó nháy nhát gan  mới thấy mình trừng mắt cái đã run như cầy sấy nên thành ra vậy 








Có mỗi cái bánh kem mà anh em tui ca hát đến khản cổ y như là chuẩn bị ra chiến trường thời đánh quân bành trướng. Cứ thắp nến thổi nến làm riết mà không chán, mỗi lần thổi lại thêm vài ba điều ước đến giờ tui cũng không biết mình ước điều gì nữa. Sinh nhật mệt nhưng mà vui thiệt, ai cũng chơi hết mình từ học sinh đến phụ huynh mà hình như phụ huynh lại nhiệt tình nhất, chỉ hơi lạ là thay vì hát mừng sinh nhật tui thì họ lại hát bài khác là lạ nhưng thật ý nghĩa "zô zô... trăm phần trăm chúng ta là những con bò vui nhộn,... suốt ngày...". Tui nghĩ không hiểu sao sinh nhật mình mà cứ y như là sinh nhật của tất cả mọi người vậy mà đã vậy thì mình còn đâu là nhân vật chính nữa ta ...?


Còn nữa ....

Hai Khánh 26/4/2011

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Kiểm soát nói xấu

Lê Hoàng


Ngày xửa ngày xưa, có một ông vua. Vua trị vì một đất nước bằng cách ngồi trong cung điện. Đến mức khi vua đang ngắm tranh, đọc thơ hay đo chiều rộng các gian phòng, có người hỏi:
- Thánh thượng đang làm gì đấy?
Quần thần liền trả lời:
- Đang vạch ra kế hoạch cai trị.
Lâu lâu, để nắm tình hình, vua vời quan Tể tướng vô:
- Thiên hạ ra sao rồi?
Tể tướng trình bày:
- Muôn tâu, khá hơn trước ạ.
Vua yên tâm, nghĩ mọi thứ đều tốt.
Một hôm, vua ra ngoài kinh thành chơi. Cưỡi ngựa xem... dân chúng. Cờ xí rợp trời, đèn hoa rực rỡ. Ngài hài lòng lắm. Thấy một gã ăn mặc rất đẹp, vua cho gọi lại, hỏi:
- Nhà ngươi là gì?
Gã nọ khúm núm:
- Tâu Bệ hạ, thần là kẻ lái buôn.
Vua gật gù, mặc dù không hiểu buôn thực chất là thế nào.
Thấy một kẻ đeo nhiều vàng bạc, vua hỏi tiếp:
- Nhà ngươi là gì?
Kẻ đó vui vẻ:
- Tâu Thánh thượng, là kẻ kiểm soát bọn buôn.
Vua mỉm cười, mừng cho xã tắc thịnh vượng, người nọ biết nâng đỡ người kia.
Bỗng thấy một tên quần áo rách rưới, đầu tóc bơ phờ, lấp ló ở xa. Vua truyền cho đòi. Nhìn kỹ thấy thân thể gầy gò, lộ ra mười cái xương sườn. Vua thắc mắc:
- Nhà ngươi là gì?
Người đó buồn rầu:
- Muôn tâu, là dân chúng.
- Nhà ngươi sống ra sao?
- Muôn tâu, con sống khá hơn "Trước".
Vua nghe vậy thất kinh:
- Thế khá hơn "Trước" là khá ra sao?
- Dạ, là chỉ nhìn thấy chín xương sườn thôi, tâu Bệ hạ.
Vua quay lại phía quan Tể tướng:
- Thiên hạ thế này cả ư?
Tể tướng thưa:
- Dạ, thế này thế khác chẳng qua chỉ là một khái niệm. Cái chính tuy họ đói, nhưng họ trong sáng, lành mạnh, ít phạm tội.
Vua phân vân:
- Tội là sao?
Tể tướng giảng giải:
- Là mắc vào những điều như trộm cắp, gian tham, cướp kho, phá phú.
- Tội có đáng sợ không?
- Muôn tâu, có! Nhưng Bệ hạ không nên sợ, vì cung vua có tường cao, hào sâu, then to khóa lớn, cho nên những tội ấy dân chỉ phạm với nhau thôi. Cái đáng lo là tội nói xấu Bệ hạ, khó canh phòng chỗ nào được.
Vua buồn bực:
- Mình chịu ư?
Tể tướng đắc chí:
- Đâu có chịu. Tội trạng nào hình phạt ấy. Tội độc đáo, sự trừng trị cũng độc đáo. Kẻ nói xấu vốn sợ nhất không còn ai nghe mình nói. Cho nên với kẻ phạm điều này, ta không thèm chém đầu nó, mà chém kẻ nào tiếp xúc với nó.
Vua nghi ngờ:
- Như thế công hiệu chứ, khanh?
- Công hiệu lắm. Hắn sẽ sống với đồng loại mà như chết rồi. Không nói, không cười, không ăn, không ở được với ai cả.
Vua gật đầu, về cung, truyền quan Tể tướng làm ngay thành văn bản, đóng triện. Để cẩn thận, vua tự tay đề thêm:
"Luật này áp dụng từ ngày hôm nay, sẽ không có bất cứ sự sửa đổi nào cho tới vĩnh viễn".

Ký tên: VUA.

Đến bữa, quân lính giải tới một người:
- Tâu Bệ hạ, tên này phạm tội với Bệ hạ.
Vua nổi giận:
- Nhà ngươi nói xấu gì ta?
Người ấy hiên ngang:
- Thần không nói xấu Bệ hạ, mà nói xấu kẻ dưới quyền. Nhưng chúng cứ mang danh Bệ hạ ra mà bắt.
Vua gắt:
- Dưới quyền ta thì cũng là ta phần nào.
Người ấy được thả cho đi, nhưng có một toán lính theo sát. Hễ ai chào, hỏi, an ủi hay khuyên bảo điều gì đều bị xử chém.
Tội nhân cô đơn, lang thang giữa dòng đời như trên sa mạc. Hắn cả sợ, muốn gặp vua xin được chết cũng không xong. Bởi tới vua, phải qua bao nhiêu nấc, mà nấc nào lắng nghe hắn, nghĩa là cũng tiếp xúc với hắn, phải bị trừng trị liền.
Nhưng đến một ngày kia, lại có một tên nữa được giải tới. Vua hỏi:
- Ngươi nói xấu gì về những việc ta làm?
- Muôn tâu, thần chỉ nói xấu về những thứ Bệ hạ không làm mà thôi.
Vua cười khẩy:
- Cũng là tội.
Rồi xếp tên đó cùng loại với tên trước.
Nhưng gay quá, luật quy định không ai được tiếp xúc với chúng, nhưng chẳng hề cấm chúng tiếp xúc với nhau. Hai tên tội phạm trở nên có bầu có bạn, và tha hồ nói xấu vua.
Kinh nghiệm ấy được lan truyền khắp vương quốc. Thiên hạ bất bình về vua, không nói một mình nữa, mà rủ cả nhà, cả họ, thậm chí cả xóm, cả làng cùng nói.
Số ấy ngày càng trở nên đông đảo. Đến nỗi nếu không tiếp xúc với chúng, sẽ chẳng còn tiếp xúc được với ai. Từ kẻ thổi xôi, nấu cháo cho tới người chạm bạc đúc vàng cũng phải nói xấu nhà vua, nếu muốn thiên hạ chấp nhận.
Tình huống trở nên nan giải, tới lúc cả vương quốc phạm tội, còn trơ lại bọn quần thần. Chúng cũng đành quay sang nói xấu vua, hy vọng còn có người cho ăn và phục vụ.
Vua và quan Tể tướng thất thểu, bơ vơ. Tới đâu mọi người cũng xô nhau chạy tới đấy, không chào hỏi, bẩm thưa gì cả. Rồi quan Tể tướng cũng phản bội. Ông ta hét vang giữa chợ:
- Bệ hạ xấu lắm!
Vua mắng:
- Nhà ngươi còn xấu hơn. Nhà ngươi đã từng lợi dụng cái xấu của ta mà tồn tại.
Tể tướng hòa vào đám đông. Vua quát theo:
- Mi tưởng thoát được à? Ta sẽ đổi mới - tự nói xấu ta. Thế là ta cai trị như cũ! ha ha ha ...

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Ăn tiệc cuối tuần

Cả tuần làm việc cật lực không biết cuối tuần này được đi đâu ta? Chắc nhà Hai Khánh ở nhà thôi, ba đã nói là phải thắt lưng buộc bụng để thành eo người mẫu mà lị. Chà ... buồn ghê. Có cách gì không ta, sao không thử tối nay ra quán Thịt chó OK đầu đường mua cho ba đĩa dồi nhỉ, có khi ba làm tí sương sương rồi hứng lên ba đổi ý không chừng....
Còn bà con thì sao có ăn chơi nhảy múa ở đâu không, nếu có thì alo cho tui với nghe, chứ đừng như hai thằng cha này đi nhà hàng (xem clip dưới đây) mà không kêu chi hết. Đúng là tham ăn như ....

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Thư giãn cuối tuần: Cứ thì thầm vào tai bố.

1. Tự hại mình

Một ngày nọ, thỏ tình cờ vớ được một khẩu súng. Nó thích lắm, xách súng đi tìm các loài thú khác để dọa. Thình lình gặp gấu đang trèo cây, thỏ chĩa súng và hỏi:
- Gấu, mày đang làm trò gì vậy?
- Tao đang lấy mật ong.
- Leo xuống mau! Không tao bắn!
Gấu vốn sợ súng đành loay hoay tụt xuống. Thỏ được thể quát:
- Ngồi vào gốc cây! Không ngồi tao bắn.
Gấu miễn cưỡng ngồi vào gốc cây. Thỏ thích chí quát tiếp:
- Gấu, mày ị đi! Không là tao bắn.
Hết sức giận dữ nhưng không có cách nào thoát, gấu đành cố rặn ra được mấy cục. Thỏ được nước lấn tới nữa:
- Gấu, mày bốc ăn đi!
- Không, tao không ăn.
- Không ăn tao bắn đó!
Đến thế này thì nhục quá. Gấu điên tiết nói liều:
- Thì mày bắn đi! Tao thà chết chứ không ăn!
Thỏ bèn bóp cò, nhưng rủi thay súng không nổ. Thỏ đứng chết trân, sau đó lắp bắp:
- Ông... ông gấu ơi!
- Gì?
- Để .. để đấy con ... con ăn cho.

2. Khó hiểu

Khách tới chơi, cả nhà đi vắng, chỉ có cậu bé 5 tuổi ở nhà. Ông khách kiếm câu chuyện làm quà:
- Người mà bố cháu gọi là mẹ thì cháu gọi bằng gì?
- Dạ, bà ạ.
- Thế còn người mà bố cháu gọi bằng bà thì cháu gọi bằng gì?
- Là mẹ ạ.

Ông khách đến nhà, hỏi một cháu trai 10 tuổi:

- Cháu cầm tinh con gì?
- Con khỉ, con lợn và con bò ạ.
- Sao lại như vậy được?
- Lúc cháu nghịch thì bố bảo là đồ con khỉ, khi cháu tắm thì mẹ bảo là bẩn như lợn và khi xem sổ liên lạc thì ông bảo cháu là con bò ạ.

2. Bố ai nhanh hơn?

Ba cậu bé ở trong sân trường đang khoe khoang với nhau về ông bố của chúng. Cậu bé thứ nhất nói: Bố tớ chạy nhanh nhất. Ông bắn một mũi tên và chạy về đích trước nó.
Cậu thứ hai:
- Bố tớ là thợ săn, ông bắn nhầm một phát súng vào bạn săn, sau đó còn kịp chạy đến kéo ông kia tránh viên đạn.
Cậu bé thứ ba nghe xong, bĩu môi nói:
- Bố tớ là một nhân viên nhà nước. Ông hết giờ làm việc lúc 5h chiều và về đến nhà lúc 4h15'.
3. Biết vẽ thế nào?
Để hiểu học trò hơn, cô giáo bảo học sinh vẽ vào một tờ giấy mơ ước mai sau của mình. Khi cô xem, có em vẽ hình máy bay tỏ ý muốn làm phi công, em thì vẽ ống nghe muốn làm bác sĩ... Riêng một em gái để tờ giấy trắng nguyên, cô hỏi:
- Chẳng lẽ lớn lên em không muốn làm gì cả sao?
Em bé băn khoăn đáp:
- Lớn lên em sẽ lấy chồng, nhưng chẳng biết nó hình gì?

4. Làm theo bố vợ

Có anh chàng kia, tính rất khù khờ. Biết thế nên trước khi anh ta đi làm rể, mẹ anh ta đã đinh ninh dặn dò:
- Thấy bố vợ làm gì thì con phải làm theo, chớ đừng hếch mắt lên mà nhìn, người ta cười cho, nghe không?
Nhớ lời mẹ dặn, một hôm bố vợ đang cuốc đất, anh ta chạy lại đỡ lấy cuốc nói:
- Thầy để con làm cho.
Ông bố vợ vui vẻ trao cuốc cho, rồi đi trồng chuối. Thấy thế, anh ta lại chạy theo và bảo để đó anh làm cho.
Lần này ông bố vợ không nói gì cả, bỏ đi đốn tre. Anh ta lại chạy theo giật lấy dao. Bực mình vì anh con rể giành mất việc mà chẳng làm xong việc gì, ông ta bỏ về nhà. Dọc đường cái khăn bịt đầu vướng phải cành tre, ông ta cũng không buồn nhặt, cứ thế đi. Anh con rể không có khăn cũng vội cởi ngay áo treo lên cành tre, rồi tất tả chạy theo bố vợ về.
Về đến nhà, ông ta hầm hầm chạy vào buồng vợ sinh sự với vợ:
- Ðồ ngu! Chọn thế nào mà lại vớ phải một thằng rể điên. Sáng nay chẳng làm được việc gì với nó cả!
Hai vợ chồng cãi nhau, rồi ông ta đạp cho vợ một đạp.
Anh rể vừa hộc tốc chạy về, thấy thế cũng phải làm theo bố vợ liền co cẳng đạp cho mẹ vợ thêm một đạp nữa ngã lăn kềnh.

5. Cứ Thì thầm vào tai bố

Đang giờ lễ trong nhà thờ, bé trai ngồi bên cạnh mẹ nó bỗng nói lớn:
- Mẹ ơi con muốn... tè.
Bà mẹ kéo con ra ngoài cho nó giải quyết rồi dặn:
- Lần sau con không được nói "tè" trong nhà thờ như vậy. Khi nào muốn, con nói "con muốn thì thầm" nhé.
Chúa Nhật sau, cậu bé đi lễ với ông bố. Ngồi một lát, cậu bé khều bố và nói:
- Bố ơi, con muốn thì thầm.
Ông bố thoáng ngạc nhiên nhưng cũng nói:
- Được, con cứ thì thầm vào... tai bố đây. Ui cái gì vậy ….

(Hai Khánh sưu tầm)

Bác Thạch, Hai Khánh và ước mơ làm cảnh sát.

Mấy bữa nay đi đâu cũng nghe nói đến hướng nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp, nhìn mấy anh mấy chị cấp ba ai cũng mặt mày hón hở , líu la líu lo về ước mơ của mình sau khi tốt nghiệp, Hai Khánh tui cũng thấy vui lây. Bữa trước ba hỏi Hai Khánh tui sau này lớn lên con muốn làm nghề gì, tui trả lời không do dự là làm cảnh sát, ba phì cười hỏi tại sao, tui nói thì làm chú cảnh sát có khẩu súng đeo bên hông, thằng nào lớ xớ rút súng ra cái bùm không chết thì cũng bị thương thằng nào dám không sợ. Nghe vậy ba ngạc nhiên lắm, ba nói sao mày giống bác Thạch hồi xưa thế, rồi ba hồi tưởng lại chuyện bác Thạch chọn nghề…
Mùa hè năm 1986 bác Thạch chuẩn bị tốt nghiệp cấp ba cả nhà quắn đít lo cho bác Thạch chọn nghề gì để đăng ký hồ sơ, ông bà nội chạy ngược chạy xuôi tham vấn người này, xin ý kiến người kia, nói chung là nhặng cả lên nhưng chẳng quyết được cho bác thi trường nào cả. Cả nhà đau đầu vì Bác Thạch là con trai cả lại là cháu đích tôn nên phải chọn nghề nào cho phù hợp và hoành tráng xứng đáng với cái vai trò và trọng trách của bác với tổ tiên ông bà cũng như là rường cột cho đại gia đình sau này. Ngày nộp hồ sơ đã cận kề không thể chần chừ mãi được, phải quyết định nhanh và buổi họp gia đình được nhanh chóng tổ chức. Sau một hồi phân tích và nhận định về xu thế thời đại đến tình hình trong và ngoài nước, trong và ngoài tỉnh , huyện rồi đến xã  ông nội quyết định chọn ngành sư phạm. Bà nội nhất trí ngay và còn bổ sung thêm rằng ngành này là ngành truyền thống của dòng họ nhà ta, nào là nghề nhàn nhã, thanh cao được mọi người tôn trọng vân vân và vân vân… Bác Thạch không nói gì. Mọi người lại say sưa với tương lai rằng bác vừa đi dạy vừa tăng gia sản xuất, nuôi mấy con lợn vài ba con bò cái (để năm nào cũng đẻ thêm có vài con me - bê) , một buổi đi dạy, còn buổi còn lại thì vác cuốc đi phở hoang trồng đậu trồng dưa ở cồn Ran cồn Đá (nơi mà ông nội đã làm được đôi ba sào) rồi bác sẽ lấy vợ cũng là nghề giáo và đẻ ra những đứa con cũng sẽ tiếp tục nghề giáo và vẫn nuôi lợn, nuôi bò, khai hoang phục hóa với lòng tự hào “ai trồng khoai đất này?” . Viễn cảnh thật sáng lạng cho đến đời con đời cháu thậm chí đến đời chít nhưng Bác Thạch vẫn không nói gì.  Sốt ruột ông hỏi bác rứa ý con à răng để còn biết, bác trả lời lý nhí con không thích mần giáo viên. Khỏi phải nói cả nhà ai nấy đều chưng hửng, cái nghề cao quý như thế, nhàn nhã như thế lại còn có điều kiện để kế tục cái nghề nông bao đời tổ tiên đã làm rạng danh dòng họ từ những tấc đấc khai hoang , vậy mà… Rứa mi muốn mần nghề chi thì cứ nói, ông nội hơi gắt  nhưng cũng cố tỏ ra nhẹ nhàng, bác ngập ngừng như ca sĩ  hát bài đi xây hồ Kẻ gỗ :"nghề cảnh ... cảnh sát ...đó nờ". Trời đất cả hai bên nội ngoại chẳng ai đi ngành công an mà gần như là nghề sư phạm vậy mà bác Thạch lại chọn nghề đó, rồi ai xin việc cho, ra trường mần ở mô ,  ở mấy cái xã này có việc chi cho cảnh sát mần, đi xa thì ai trông coi việc thờ tự, giỗ tết, ruộng nương, rồi lại còn khai hoang nũa ai mần... Cả nhà xôn xao tranh luận về ý kiến của bác, mà thực ra cũng chẳng mấy người biết (kể cả bác Thạch) cái nghề cảnh sát thực chất là làm gì, ở đâu... , chỉ biết mơ màng vậy thôi vì hồi đó có mấy ai ra khỏi lũy tre làng đâu mà biết. Bàn đã đời nhưng chẳng ai biết mô tê ra răng đành phải hỏi rõ bác Thạch lý do chọn nghề này, và thật kỳ lạ là nó giống y câu trả lời của Hai Khánh tui sau đó hai mươi sáu năm – có khẩu súng đeo bên hông thằng mô lớ xớ bắn cái bùm. Ha ha, ha ha… cái lý do nghe có vẻ mắc cười nhưng thật có tầm thời đại đến nỗi mấy chục năm sau vẫn còn nguyên giá trị, bác Thạch lúc đó trẻ tuổi mà có tầm nhìn xa thế không biết, tài thật.
Ba tui kể, ba nhớ như in là sau đó bà nội cố gắng thuyết phục bác chọn nghề sư phạm, nếu đồng ý bà sẽ mua cho bác một khẩu súng hơi. Mà súng nào thì cũng là súng, súng lục thì ngắn hơn súng hơi , đeo bên hông cho oai vậy chứ đâu phải lúc nào cũng bắn bùm bùm được vì có phải lúc nào cũng có mấy thằng cà chớn đâu, trong khi súng hơi tuy bắn chỉ nghe xịt xịt nhưng lại có chim ăn phải sướng hơn nhiều không. Bà nói vậy vì hồi đó ba và bác Thạch rất thích và thường xuyên đi bắn chim với ông Mậu vào ban đêm, bà phân tích cứ buổi đi dạy buổi vác súng đi bắn chim , cuộc sống quá phong lưu không cần phải nuôi heo, nuôi bò hay cứ phải “ ai trồng khoai đất này “ nữa, mấy cái đó để cho thằng Thịnh sau này lớn lên  giao cho hắn mần cũng được. Trời đất!
Nói vậy nhưng cuối cùng bác vẫn thích khẩu súng bắn kêu bùm bùm hơn, mùa hè năm đó bác đăng ký thi vào trường CĐ Cảnh sát Nhân dân. Do không đủ cân (bác thiếu mấy cân  trong khi yêu cầu là  trên 50 kg) nên bác phải nhét thêm mấy cục đá vào trong thân hình Đôn ki hô tê của mình để lọt qua vòng khám sức khỏe. “Đồng chí bác” cảnh sát tương lai chỉ qua được vòng sơ tuyển, đến vòng thi viết thì ba môn đạn đều xịt xịt xịt… trượt chỏng vó. Không từ bỏ ước mơ của mình năm sau bác lại đăng ký thêm trường ĐH Công an Nhân dân (lúc đó mỗi thí sinh được đăng ký nhiều trường), lần này đạn vẫn lép và xịt xịt , xịt xịt và xịt xịt ...
Sau lần đó bác từ bỏ cái mơ ước khiêm tốn của mình để chọn một nghề khác hơn, đương nhiên là đã có nhiều cuộc thảo luận trong gia đình được tổ chức nhưng rốt cuộc cũng không phải là nghề sư phạm. Đúng là cuộc đời nhiều khi mơ ước cũng chỉ là ước mơ.
Ba nói cũng may mà hồi đó bác không thi đậu chứ nếu đậu chắc giờ bác cũng khổ vì thời buổi này quá nhiều thằng lơ xơ lớ xớ, mà đụng đâu bùm bum đó thì đạn đâu mà bắn với lại có đạn cũng chẳng dám bắn vì bọn này giờ ghê lắm toàn kiếm với mã tấu theo kiểu “mày có sung tao có dao găm …”chưa kịp bùm bum thì nó đã phụp cho tiêu đời rồi.
Thôi nhé ai ước thì cứ mơ chứ Hai Khánh tui chẳng giám chọn " nghề ... nghề cảnh sát đó nờ" nữa đâu. Chỉ mong làm nghề gì cũng được (đừng đụng đến súng ống) để “phở hoang” thêm vài miếng đất nhỏ nhỏ, to to ở Bình dương, nuôi vài ba con gà con vịt, trồng dăm cây chuối cây cau, luống rau vườn cà, chiều chiều lại vác cuốc đi thăm cho khỏi mai một nghề truyền thống của ông cha. Được thế là hạnh phúc lắm rồi ./.
Hai Khánh 21/4/2011

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

Tương lai ?

Bữa nay là sinh nhật của tui - Hai Khánh, sáng nay tui phải dặn đi dặn lại ba là chiều nhớ về sớm để đưa tui đi hớt tóc và mua bánh sinh nhật. Thực ra tui cũng chẳng thèm ăn loại bánh này đâu nhưng cũng phải có để có cái mà chụp hình và lòe với bọn An, Phong, Bích ... . Còn hớt tóc thì tui nghĩ thêm tuổi mới thì phải có cái gì đó mới mới chút chứ, mà năm ngoái ba cũng đưa đi hớt tóc vào ngày sinh nhật đó thôi.
Ba đưa hai anh em tới trường và hứa là ba sẽ rước tui sớm để chuẩn bị sinh nhật tui cho nó hoành tráng, tui chỉ kịp hun mấy cái chùn chụt lên má ba rồi vào lớp. Cả buổi sáng nay cứ vẩn vơ nghĩ tới buổi sinh nhật tối nay rồi nghĩ tới ba, tự nhiên thấy thương ba thiệt, không hiểu sao ba lại suốt ngày lu bu cực nhọc quá vậy. Rồi lại nghĩ tới mình không biết sau này có khác ba bây giờ không hay lại bổn cũ soạn lại nữa, chà chà ....!
Có vẻ như câu chuyện dưới đây làm Hai Khánh tui bớt  ưu tư trong ngày sinh nhật 06 tuổi của mình,  chợt thấy thương và yêu quý ba nhiều hơn.

Kiếp người  (sưu tầm)

Khi Chúa tạo ra con lừa, Người phán: “Ngươi sẽ làm một con lừa có trí tuệ khiêm tốn, làm việc quần quật từ sáng sớm tới tối mịt, thồ những gánh nặng oằn lưng mà chỉ được ăn cỏ. Bù lại những vất vả đó, ngươi sẽ được sống tới 50 năm”.
Con lừa trả lời:
- Sống như vậy 50 năm thì thật là khốn khổ. Xin Người cho con sống không quá 20 năm thôi.
Chúa chấp thuận ước nguyện của con lừa. Người tiếp tục tạo ra con chó và nói với nó:
- Ngươi sẽ trông coi nơi ở, bảo vệ tài sản của con người, kẻ sẽ coi ngươi là bạn hữu thân thiết nhất. Ngươi sẽ ăn cơm thừa canh cặn của hắn và sống 25 năm.
Con chó đáp:
- Cảm ơn Người! Nhưng sống kiếp con chó trong 25 năm là một hình phạt quá nặng. Xin Chúa cho cuộc đời con chỉ kéo dài dưới 10 năm thôi!
Lời thỉnh nguyện của con chó được chấp nhận. Thế rồi, Chúa tạo ra con khỉ và bảo nó:
- Ngươi sinh ra làm kiếp con khỉ. Ngươi sẽ đánh đu từ cây nọ qua cây kia, hành động như một gã ngốc. Ngươi sẽ có bộ dạng tức cười, chuyên làm trò cười cho thiên hạ. Tuổi thọ của ngươi là 20 năm.
Con khỉ tạ ơn Chúa rồi than thở:
- Cuộc sống như thế kéo dài tới 20 năm thật là một cực hình. Xin người cho con sống 10 năm thôi.
Chúa nhân từ chấp nhận lời thỉnh cầu. Người tiếp tục tạo ra con người rồi phán:
- Ngươi là con người, sinh vật cao cấp duy nhất biết đi trên đôi chân ở trái đất này. Ngươi sẽ sử dụng trí tuệ để làm chủ mọi sinh vật trên thế giới. Ngươi sẽ thống trị địa cầu và thọ 20 năm.
Con người cầu xin:
- Thưa Chúa! Kiếp người 20 năm thật quá ngắn ngủi. Xin Người hãy ban cho con 20 năm mà con lừa đã từ chối, 15 năm mà con chó không chịu nhận và 10 năm con khỉ vứt bỏ.
Thế là, Chúa cho người đàn ông sống 20 năm làm kiếp con người. Kế đó, anh ta lấy vợ và sống 20 năm kiếp con lừa, làm việc quần quật với những gánh nặng trên lưng. Tiếp theo, khi có con, anh phải sống 15 năm kiếp con chó, trông coi nhà cửa , làm  người bạn hữu thân thiết với các con anh và xơi những đồ ăn thừa mà lũ con để lại. 10 năm cuối đời, anh ta sống kiếp con khỉ, hành động như một gã ngốc để mua vui cho lũ cháu. Hết chuyện.
----------------------------------
Hình sinh nhật năm tuổi của Hai Khánh tui năm ngoái (20/4/2010):








Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

BẤT TỬ

Truyện ngắn của Lý Dực Vân
Dịch: Thanh Vân. 

Tối nay lang thang trên mạng đọc được truyện ngắn này hay hay ở blog của nhà văn Nguyễn Quang Lập nên đăng lại cho bà con coi.
Lý Dực Vân là nhà văn Mỹ gốc Hoa.
---------------------------------------
Lý Dực Vân (Yiyunli) sinh 1973, lớn lên ở Bắc Kinh. Truyện ngắn Bất tử của chị đã đoạt giải Plimpton của tờ Paris Review cho tác phẩm đầu tay. Năm 2005, Ngàn năm thiện nguyện đã giành giải Frank O’Connor International cho thể loại truyện ngắn, được Granta chọn là một trong những nhà văn Mỹ trẻ (dưới 35 tuổi) viết hay nhất. Hiện chị sống tại Oakland, California với chồng và hai con trai (Theo Thanh Vân, dịch giả)
--------------------------------------
Tiểu sử của anh ta cũng như của mỗi người chúng tôi, bắt đầu từ trước khi chúng tôi ra đời rất lâu. Suốt nhiều triều đại, thị trấn chúng tôi cung cấp cho hoàng gia những người hầu đáng tin cậy nhất. Họ là các thái giám, và vì kính trọng, chúng tôi gọi họ là Cố. Không ai trong số chúng tôi là hậu duệ trực tiếp của Cố, nhưng đi ngược dòng huyết thống, chúng tôi tìm thấy nhiều chú bác, anh em, anh em họ đã từ bỏ nam tính để tên tuổi họ không biến mất trong lịch sử. Nhiều thế hệ con trai lên bảy hoặc tám tuổi được chọn và đem hoạn – chúng tôi gọi là tịnh thân ­- rồi gửi đến hoàng cung tập sự, học làm người hầu phục vụ hoàng đế và hoàng gia. Mười ba hoặc mười bốn tuổi bắt đầu được trợ cấp, họ dành dụm tiền gửi về cho cha mẹ. Những đồng bạc ấy được cất kỹ trong rương cùng một túi nhỏ bằng lụa, đựng của quý đã bị cắt rời, được bảo quản bằng nhiều loại dược thảo. Khi anh em của Cố đến tuổi lấy vợ, cha mẹ họ mở rương, lấy ra những đồng bạc. Tiền nong cho phép những người anh em cưới vợ; vợ họ sinh con trai; những đứa con ấy lớn lên tiếp tục truyền thống của dòng họ, hoặc sinh thêm nhiều con trai nữa hoặc tịnh thân để tiến cung. Nhiều năm trôi qua. Khi các Cố quá già không thể phục vụ các chủ nhân trong hoàng cung được nữa, họ được cho về nghỉ và thay bằng cháu trai của họ. Chẳng còn việc gì để lo nghĩ, họ ngồi suốt ngày dưới nắng, vuốt ve những con mèo họ mang từ hoàng cung về nhà, béo tốt và chậm chạp y như họ, quan sát chó đực đuổi theo chó cái trong ngõ. Rồi đến lúc cái chết đến với họ. Đám tang của họ là những sự kiện lạ mắt trong thị trấn chúng tôi: sáu mươi tư nhà sư mặc áo choàng vàng rực và đỏ thắm tụng kinh suốt bốn chín ngày, đưa linh hồn các Cố lên thiên đường; sáu mươi tư thày tế khoác áo xanh lơ và xám nhảy múa suốt bốn chín ngày xua đuổi ma quỷ dám tấn công thân xác họ. Cuối ngày thứ bốn mươi chín, thời khắc thiêng liêng đã đến, cái túi lụa đựng của quý bị cắt rời của Cố được đặt vào quan tài. Giờ thì bộ phận bị thiến đã trở lại thân xác họ, linh hồn có thể ra đi, đến nơi khác tốt đẹp hơn thị trấn của chúng tôi mà không tiếc nuối.
Đây là câu chuyện của một trong các Cố của chúng tôi. Trong nhiều triều đại, họ là những thành viên tin cậy nhất của hoàng gia. Họ hầu hạ các bà hoàng, phi tần, đích thân làm những việc riêng tư nhất mà không làm uế tạp dòng máu quý tộc vì những thèm muốn thấp hèn và bẩn thỉu của đàn ông; họ phục vụ hoàng đế và các hoàng tử rất khéo léo, song không giống các thị nữ hay mơ cám dỗ hoàng đế và các hoàng tử bằng nhan sắc trần tục, các Cố không phải là mối đe dọa cho những phi tần trong hoàng gia. Tuy vậy, có nhiều tin đồn vu vơ rằng họ là đồ chơi của các hoàng tử trước khi đến tuổi được phép nạp thiếp, và nhiều người xì xào về các Cố đã bị dìm chết, bị thiêu sống, bị đánh đến chết hoặc bị chặt đầu vì những lỗi nhỏ nhất, nhưng theo chúng tôi biết, những chuyện đó được bịa ra để xúc phạm thanh danh thị trấn của chúng tôi. Chúng tôi tin vào thứ nhìn thấy – những tấm bia mộ khắc chạm tinh tế trong nghĩa trang, những bức chân dung thêu tao nhã trong các cuốn sách của gia tộc. Các Cố rót đầy trái tim chúng tôi sự tự hào và biết ơn. Nếu không có họ thì chúng tôi – những con người tầm thường sinh ra trong thị trấn không tên tuổi này – là ai kia chứ?
Vinh quang của thị trấn chúng tôi phai mờ dần trong thế kỷ vừa qua. Nhưng tôi có thể kể cho các bạn câu chuyện của một chàng trai trước khi nói đến sự tàn tạ của các Cố trong lịch sử được không? Theo truyền thống, các cậu bé đưa vào cung không phải là con một, những cậu này phải giữ lại để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng là duy trì nòi giống. Nhưng ông Cố vĩ đại nhất trong gia tộc chúng tôi lại là con trai duy nhất trong gia đình. Cha của ông cũng là con trai một, chết lúc rất trẻ chưa kịp gieo thêm mầm vào bụng vợ. Không có chú bác hoặc anh em gửi tiền từ hoàng cung về cho, hai mẹ con phải sống trong cảnh nghèo khổ. Lên mười, sau một trận đánh nhau với bọn trẻ con hàng xóm khoe anh trai chúng được nhận những thỏi vàng từ tay hoàng đế, cậu bé vào chuồng bò và tự thiến bằng một sợi dây và cái liềm. Huyền thoại kể rằng, cậu đi qua thị trấn, một tay cầm cái của quý máu chảy ròng ròng, và kêu to với dân chúng đang xót thương nhìn cậu: “Hãy đợi cho đến khi tôi thành người hầu thân cận nhất của Đức Vua!”. Không chịu nổi nỗi nhục và tuyệt vọng phải sống dưới mái nhà không con không cháu, mẹ cậu gieo mình xuống giếng. Hai chục năm sau, người con trai ấy trở thành trưởng thái giám trong hoàng cung, cai quản hai ngàn tám trăm thái giám và ba ngàn hai trăm thị nữ. Không còn anh em trai để gửi tiền, ông ta dành dụm từng đồng và khi về hưu, trở thành người giàu có nhất vùng. Ông ta thuê người đào quan tài người mẹ tội nghiệp lên và tổ chức đám tang thứ hai cho bà cụ, một đám tang xa hoa nhất chưa từng có trong thị trấn. Đó là tháng Chín năm 1904, những người già cả không ngừng kể tỉ mỉ các chi tiết trong tang lễ: chiếc quan tài đồ sộ đục từ thân một cây gỗ đàn hương, nhiều đống vàng thoi, nhiều rương đựng quần áo lụa, những hòm bát đĩa bằng ngọc bích cho bà cụ dùng ở kiếp sau. Ấn tượng nhất là viên cựu thái giám đã mua bốn cô bé mười hai tuổi của các gia đình nông dân nghèo trên núi. Chúng được mặc những bộ quần áo bằng sa tanh mà chẳng bao giờ chúng dám mơ và mỗi bé phải uống một chén thủy ngân. Thủy ngân giết chết các em ngay lập tức, nên nước da mơn mởn đào tơ của các em vẫn giữ nguyên khi các em ngồi trên ghế kiệu diễu trước quan tài. Nén hương đang cháy cắm trong những ngón tay co lại, bốn bé gái là những cô hầu trung thành hộ tống bà cụ sang thế giới bên kia.
Chuyện về ông Cố này là trang rực rỡ nhất trong lịch sử của chúng tôi, giống như dải pháo hoa lộng lẫy bắn lên bầu trời trước khi bóng tối tràn ngập. Triều đại cuối cùng bị những người cộng hòa lật đổ. Hoàng đế và những người hầu trung thành nhất, thế hệ thái giám cuối cùng bị đưa ra khỏi Tử Cấm thành. Vào những năm 1930, phần lớn bọn họ sống nghèo khổ trong các ngôi đền, miếu quanh Tử Cấm thành. Chỉ những người khôn ngoan nhất sống khấm khá, ngoài việc trả lời phỏng vấn, họ còn kiếm thêm tiền bằng cách phô bày thân xác cho các phóng viên và du khách phương Tây xem, thậm chí còn để cho họ chụp ảnh.
Sau đó, chúng tôi có một thập niên ngắn ngủi của nước cộng hòa, của các chỉ huy quân sự, trong cả hai cuộc thế chiến chúng tôi đã chiến đấu cho phe thắng song vẫn chẳng được gì, rồi cuộc nội chiến và cuối cùng là chúng tôi được chứng kiến buổi bình minh của chủ nghĩa cộng sản. Đúng ngày người có quyền hành tuyệt đối khẳng định thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản ở đất nước chúng tôi, một người thợ mộc trẻ trong thị trấn về nhà với người vợ mới cưới.
- Nghe nói từ nay trở đi, chúng ta sẽ có một cuộc sống mới, – người vợ trẻ nói với chồng và chỉ vào chiếc loa phóng thanh gắn trên mái nhà.
- Cũ hay mới thì cuộc sống vẫn thế thôi, – người chồng trả lời. Anh đưa vợ lên giường và làm tình với vợ, mắt anh khép nửa chừng, đê mê trong lúc loa phóng thanh truyền một bài hát mới, cả nam lẫn nữ lặp đi lặp lại mãi lời ca.
Đứa con trai được thụ thai như thế đấy, trong bản đồng ca Chủ nghĩa cộng sản vĩ đại, vĩ đại, vĩ vĩ đại. Bài hát ấy truyền hết ngày này sang ngày khác, người mẹ trẻ vừa ngân nga, ậm ừ hát theo vừa sờ cái bụng đang lớn dần, chị cẩn thận cắt rời những bức chân dung vị lãnh tụ tối cao trên báo. Chúng tôi tôn vinh Người là Cha của chúng ta, Cứu tinh của chúng ta, Ngôi sao Bắc đẩu trong đời chúng ta, Mặt trời không bao giờ lặn trong thời đại chúng ta. Người mẹ mù chữ, giống phần lớn dân chúng trong thế hệ chị. Không giống những người khác, chị thích xem báo, và chị dán ảnh của lãnh tụ tối cao vào một cuốn sổ dày. Chị chẳng phải là người phụ nữ khôn ngoan nhất thị trấn chúng tôi đó sao? Những người phụ nữ khác chưa từng nghĩ đến việc ngắm ảnh của lãnh tụ trong lúc có thai con trai. Đương nhiên họ vẫn nghe nói rằng phụ nữ có thai càng ngắm kỹ một gương mặt, thì đứa trẻ càng có nhiều khả năng giống người đó. Nhiều năm trước, những người mẹ trẻ trong thị trấn thích ngắm một loại búp bê nhập khẩu có cái tên nước ngoài là Shirley Temple[1]. Những thập kỷ sau, các bà mẹ mang thai ngắm nghía kỹ lưỡng các ngôi sao điện ảnh. Nhưng thời gian này, lãnh tụ tối cao là siêu sao duy nhất trên các phương tiện truyền thông, vì thế người mẹ trẻ chăm chú chiêm ngưỡng dung nhan Người suốt mười tháng liền trước khi sinh con.
Đứa con trai sinh ra có khuôn mặt của vị lãnh tụ tối cao, một phép màu mà ban đầu chúng tôi không để ý tới. Mười năm tiếp theo, chúng tôi tránh nhìn cậu bé vì sợ nhìn thấy hình ảnh người cha đã chết trên mặt nó. Cha cậu là người làm ăn chăm chỉ, chu đáo, tốt bụng với xóm giềng và yêu thương vợ. Chúng tôi không bao giờ tưởng tượng anh ta lại là kẻ thù của đất nước cộng sản non trẻ này. Song có nhiều nhân chứng, không chỉ một mà toàn bộ những kẻ say rượu tối hôm đó trong quán.
Lời bình về anh hùng và lợn nái đã dẫn anh ta đến cái chết. Hồi này, chúng tôi khâm phục sức mạnh của người anh lớn cộng sản ở phía trên đất nước chúng tôi. Nghe nói ở đất nước anh cả Liên Xô, phụ nữ được khuyến khích sinh nhiều con cho sự nghiệp cộng sản, những người sinh nhiều con nhất sẽ được tặng danh hiệu người mẹ anh hùng. Hiện giờ chúng tôi đang trên cùng con đường tiến tới một nơi hạnh phúc như nhau, lãnh tụ tối cao bèn quyết định áp dụng cùng chính sách ấy.
Anh thợ mộc trẻ tuổi ngà ngà say nói đùa thật to với các bạn rượu:
- Người mẹ anh hùng hả? Mẹ sề nhà tôi sẽ đẻ một lứa mười đứa liền. Liệu mụ có được danh hiệu ấy không?
Thế đấy, một lời công kích hiểm độc vào chính sách dân số của lãnh tụ tối cao. Anh thợ mộc bị hành hình sau một phiên xử công khai. Tất cả những người tham gia cuộc họp – trừ vợ anh -, từng người trong chúng tôi đều giơ cao nắm đấm chào mừng thắng lợi của Nhân dân, tiếng hô nhất trí của chúng tôi át tiếng rên rỉ của vợ anh trên giường. Chúng tôi hô vang khẩu hiệu lúc viên đạn xuyên qua đầu người thanh niên. Chúng tôi hát những bài ca cách mạng lúc xác anh bị diễu đi trên phố. Cuối cùng, khi đã khản giọng vì kiệt sức, chúng tôi nghe thấy tiếng khóc đầu tiên của đứa trẻ, to và đau đớn, và trong chốc lát chúng tôi khó mà nhìn vào mắt nhau. Chúng tôi đã làm gì với người mẹ và đứa trẻ sơ sinh? Người thanh niên đã chết kia chẳng phải là một người anh em của chúng tôi sao?
Điều chúng tôi không biết là một nhà nghiên cứu ở thủ đô đã bị ném vào tù, bị tra tấn đến chết vì đã dự báo sự bùng nổ dân số và đề nghị lãnh tụ tối cao thay đổi chính sách. Chúng tôi cũng không hề biết rằng trong một cuộc họp với lãnh đạo của đất nước anh cả tại Moscow, lãnh tụ tối cao đã nói chúng tôi không sợ một cuộc thế chiến nữa hoặc các vũ khí hạt nhân: Giả dụ bọn Mỹ thả bom nguyên tử lên đầu chúng tôi. Nước tôi có năm trăm triệu dân. Dù chúng tôi có bị chết một nửa, chúng tôi vẫn còn hai trăm năm mươi triệu, và hai trăm năm mươi triệu người này sẽ sản sinh ra hai trăm năm mươi triệu người khác ngay lập tức.
Sau đó, khi đọc những lời của Người trên báo, máu chúng tôi sôi lên. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ sống, mắt nhìn lên trời đợi bom Mỹ rơi như mưa xuống đầu, để chứng tỏ lòng can đảm và sự trung thành tuyệt đối của chúng tôi với lãnh tụ.
Cậu bé lớn nhanh như thổi. Người mẹ thì càng ngày càng già nhanh hơn. Sau cái chết của người thợ mộc, theo thỉnh cầu của chị, Ủy ban Cách mạng thị trấn giao cho chị việc quét đường. Cứ rạng đông, chúng tôi nằm trên giường và lắng nghe tiếng chổi tre hối hả của chị. Chị góa chồng ở tuổi mười tám, đẹp như một góa phụ trẻ có thể đẹp, và cố nhiên một số anh chàng độc thân không thể đừng những ý nghĩ mơ tưởng đến chị trên chiếc giường lẻ loi. Song không một thanh niên nào dám ngỏ lời với chị. Ai dám cưới vợ góa của tên phản cách mạng và suốt phần đời còn lại lo ngay ngáy bị quy là có cảm tình với kẻ xấu? Ngoài ra, ở nước chúng tôi dù lãnh tụ có nói nam nữ bình đẳng, chúng tôi vẫn nghĩ một góa phụ muốn có người đàn ông khác là một con đĩ ngầm. Niềm tin của chúng tôi càng được củng cố khi đọc trên báo lời nhận xét của lãnh tụ về một trong những môn đệ thân cận nhất của Người đã trở thành kẻ thù của đất nước: Một gã đàn ông không thể che đậy bản chất phản động mãi mãi, giống như một mụ góa không thể che giấu sự thèm khát được giao cấu.
Vì thế người mẹ trẻ héo mòn đi trong mắt chúng tôi. Mỗi ngày, bộ mặt chị càng xanh xao hơn, mắt chị ráo hoảnh hơn. Khi đứa trẻ lên mười, mẹ nó trông đã như bà lão sáu mươi. Không một anh chàng độc thân nào còn để mắt đến chị nữa.
Cậu bé sắp mười tuổi thì nạn đói bắt đầu. Trước nạn đói, suốt ba năm, chúng tôi chẳng làm gì ngoài việc ca hát về thiên đường của chủ nghĩa cộng sản và thề giải phóng giai cấp lao động đau khổ trên toàn thế giới. Nông dân và công nhân ngừng làm việc, ngày của họ trôi qua trong nỗi khó nhọc và niềm vui sáng tác thêm một bài thơ nữa, ganh đua để trở thành nhà thơ vô sản hữu ích nhất. Ngày nào chúng tôi cũng đến trung tâm thị trấn, thảo luận chiến lược chinh phục thế giới dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ tối cao. Khi nạn đói xảy ra, chúng tôi không hề chuẩn bị trước, chúng tôi lắng nghe những lời cổ vũ của lãnh tụ trên loa phóng thanh. Người kêu gọi chúng tôi thắt chặt thêm một nấc thắt lưng vì tương lai của chủ nghĩa cộng sản, và chúng tôi vui sướng đục thêm nhiều lỗ trên thắt lưng. Năm đói thứ hai, lãnh tụ nói trên loa: Hãy xua đuổi chim sẻ và chuột; chúng là bọn kẻ cắp đã cướp lương thực của chúng ta và mang nạn đói đến cho chúng ta.
Giết chim sẻ là sự kiện vui vẻ nhất trong suốt ba năm đói kém. Sau nhiều tháng uống cháo loãng và ăn rễ cỏ, cứ buổi sáng ngày diệt chim sẻ, chúng tôi được phát hai cái bánh bao nhỏ nóng hôi hổi trong phòng ăn thị xã. Sau bữa sáng, chúng tôi trèo lên mái nhà, gõ chiêng trống theo hiệu lệnh của Ủy ban Cách mạng. Từ mái nhà này sang mái nhà khác, từng đợt, từng đợt âm thanh loạn xạ xua lũ chim sẻ bay lên trời. Chia thành nhiều ca khác nhau, chúng tôi gõ suốt sáng và chiều, và mỗi khi một con chim sẻ định đậu lên ngọn cây, chúng tôi xua nó bằng những sào tre dài buộc nhiều lá cờ sặc sỡ. Đến tối, chim sẻ chết vì hoảng sợ và kiệt sức, rơi như mưa xuống chúng tôi như những quả bom nhỏ. Bọn trẻ con trang trí như những bù nhìn chạy quanh, nhặt chim chết cho chúng tôi làm bữa tối.
Cậu bé đang cố nhét một con sẻ vào ống tay áo thì một đứa lớn hơn chộp bàn tay nó:
- Nó đang ăn cắp tài sản của nhân dân, – thằng lớn gào to với cả thị trấn.
- Mẹ tôi ốm. Bà ấy cần ăn gì đó, – cậu bé nói.
- Này thằng ranh, thứ mẹ mày cần ăn không phải loại chim này, – một gã đàn ông nói và chúng tôi cười ồ. Bánh bao trong dạ dày và chim sẻ trong giỏ làm chúng tôi phấn chấn.
Cậu bé nhìn gã đàn ông trừng trừng giây lát rồi húc mạnh đầu vào gã.
- Thằng chó đẻ, – gã nói, cong gập người và che bàn tay lên đũng quần.
- Đánh chết thằng nhãi phản cách mạng đi, – có ai đó nói và cả đám chúng tôi xông đến đấm, đá thằng bé. Đói khát làm chúng tôi mỗi ngày một thêm hung hãn, chúng tôi khuây khỏa khi tìm được một người để trút cơn thịnh nộ không tên của mình.
Người mẹ lao vào đám đông và cố gạt chúng tôi ra. Sự có mặt của bà làm chúng tôi càng đánh tợn hơn. Có người nhặt cả gạch và đá, lăm le đánh nó quỵ. Vài kẻ nhe răng, sẵn sàng ăn tươi thằng bé.
- Các người nhìn mặt nó xem. Đứa nào dám đụng vào nó lần nữa, tôi sẽ kiện vì tội bất kính lãnh tụ vĩ đại nhất của chúng ta, – người mẹ gào lên, chỉ vào chúng tôi như một mụ điên.
Người chúng tôi lạnh cứng. Chúng tôi nhìn mặt thằng bé. Dẫu mặt nó sưng phồng và mắt đen, chúng tôi chẳng khó gì khi nói rằng nó có bộ mặt của lãnh tụ, trẻ trung và chống đối, như các minh họa thời thơ ấu anh hùng của lãnh tụ tối cao. Thằng bé đứng dậy và lê đến với mẹ. Chúng tôi kính sợ nhìn mặt nó, không dám nhúc nhích khi nó nhổ nước dãi đầy máu vào chân chúng tôi.
- Nhớ lấy bộ mặt này, – thằng bé nói. – Các người sẽ phải trả giá cho ngày hôm nay. – Nó nhặt một đôi chim sẻ và bước đi cùng mẹ nó. Chúng tôi nhìn hai người dìu đỡ nhau như vợ và chồng.
Suốt nhiều năm, chúng tôi không biết cậu bé có bộ mặt của vị lãnh tụ sống giữa chúng tôi là phúc lành hay tai họa. Chúng tôi đối xử với nó và mẹ nó như báu vật mỏng manh và quý giá nhất, không bao giờ dám hé một lời về họ với người ngoài.
- Chẳng hay hớm gì đâu, – những người già cả đe chúng tôi và kể câu chuyện về một trong các Cố của chúng tôi, tình cờ có biệt hiệu giống hoàng đế và bị ném xuống giếng cho chết. – Có nhiều thứ giống hệt không được phép tồn tại, – những người già nói.
Còn chúng tôi, không ai dám hé răng nói một lời bất kính về bộ mặt cậu trai. Càng lớn, cậu càng giống vị lãnh tụ. Thỉnh thoảng đi ngang qua cậu trên phố, trong lòng chúng tôi trào dâng tình cảm ấm áp dường như chính lãnh tụ ở đấy cùng chúng tôi. Đó là thời ở đất nước tôi, lãnh tụ còn lớn hơn cả vũ trụ. Các bà nội trợ mù chữ bị hành hình vì dùng báo cũ làm giấy dán tường và đương nhiên bị quy tội xúc phạm tên tuổi lãnh tụ. Cha mẹ những đứa bé học lớp một viết sai tên lãnh tụ bị đưa đi trại lao động. Với cậu trai sống giữa chúng tôi, chúng tôi như không ngừng bước trên lớp băng mỏng trên làn nước sâu. Chúng tôi lo không tôn trọng đúng mức gương mặt ấy sẽ là biểu hiện căm ghét lãnh tụ ngấm ngầm. Chúng tôi lo quá tôn trọng sẽ bị coi là giả dối, thờ phụng nhầm thần tượng. Trong trường, các giáo viên chưa bao giờ nói nặng lời với cậu. Bất cứ trò chơi nào của học sinh, phe nào không có cậu sẵn sàng chịu thua. Khi cậu học xong trung học, Ủy ban Cách mạng họp nhiều tuần thảo luận tìm công việc thích đáng cho cậu thanh niên có bộ mặt giống Người. Trong thị trấn chúng tôi, không có việc gì đủ an toàn cho cậu. Cuối cùng, chúng tôi đi đến giải pháp tối ưu: bầu cậu làm chủ tịch Hội đồng tư vấn cho Ủy ban Cách mạng.
Chàng thanh niên đang phát đạt. Không có việc gì làm, và không thích giết thời gian với các thành viên già của hội đồng, ngày nào cậu cũng la cà khắp thị trấn, trò chuyện với những người hãnh diện được cậu chào hỏi và ngắm các cô gái bán hàng đỏ mặt vì được cậu nhìn ngắm. Hình dáng mẹ cậu giờ đã khá hơn nhiều, nước da hồng hào. Chỉ có điều bất tiện là không cô gái nào hẹn hò với cậu. Chúng tôi đe bọn con gái rằng lấy cậu hoặc là may mắn nhất hoặc là bất hạnh nhất. Sinh trưởng trong một thị trấn mà hành động mạo hiểm bị chê trách thực sự, không người nào trong chúng tôi muốn gả con gái cho một thanh niên như cậu.
Ngày lãnh tụ qua đời, chúng tôi tụ họp ở trung tâm thị trấn và khóc lóc như những đứa trẻ mồ côi. Chúng tôi thấy cả nước gào khóc cùng chúng tôi trên chiếc tivi duy nhất của thị trấn. Chúng tôi đeo băng tang đen suốt ba tháng, lúc làm việc cũng như lúc ngủ. Mọi trò giải trí bị cấm trong sáu tháng. Thậm chí một hoặc hai năm sau khi Người từ trần, chúng tôi vẫn tránh nhìn những người phụ nữ bụng to, biết rằng họ không thành tâm trong lúc để tang. Cha của những đứa trẻ này không bao giờ được chúng tôi tôn trọng nữa.
Đây là thời gian khó khăn cho chàng thanh niên. Nhìn thấy mặt anh, một số người bật khóc không kìm được, và anh ta cũng khóc cùng chúng tôi trong nhiều giờ. Việc đó làm anh mệt mỏi. Anh ở lì trong phòng riêng suốt một năm, và lần sau chúng tôi nhìn thấy, anh đang đi thẳng tới trung tâm thị trấn, xách chiếc va li nhỏ, trông anh già hơn tuổi hai mươi tám nhiều.
- Có chuyện không hay sao? – Chúng tôi lo lắng chào anh. – Đừng để nỗi tiếc thương quá lớn làm anh suy sụp.
- Cảm ơn, nhưng tôi không sao, – anh đáp.
- Anh định đi đâu chắc?
- Vâng, tôi đi đây.
- Đi đâu? – Chúng tôi hoảng hốt. Mất anh lúc này dường như không thể chịu đựng nổi, y như mất vị lãnh tụ một năm trước.
- Đây là một nhiệm vụ chính trị, – anh nói và mỉm cười bí ẩn. – Tôi được phân công.
Chỉ sau khi anh được đưa đi trong chiếc ôtô sang trọng, rèm che kín (cái ôtô duy nhất, phần lớn chúng tôi nhìn thấy trong đời), chúng tôi mới biết tin anh đến thủ đô thử giọng để đóng vai vị lãnh tụ. Chúng tôi bàn tán nhiều ngày, hình dung “thử giọng” và “đóng vai” nghĩa là gì. Cuối cùng, chúng tôi đi đến kết luận anh sẽ là người xuất sắc nhất.
Giờ đây khi anh đã biến khỏi tầm mắt chúng tôi, mẹ anh là nguồn duy nhất của các chuyện về anh. Một bà mẹ tự hào, mỗi lần chúng tôi hỏi thăm tin tức, bà nhắc lại câu chuyện bà chăm chú ngắm bộ mặt của cố lãnh tụ suốt ngày đêm, khi đứa con trai lớn lên trong bụng bà.
- Các vị biết đấy, giống như nó là con trai vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta vậy, – bà nói.
- Đúng, tất cả chúng ta đều là con em của lãnh tụ vĩ đại, – chúng tôi gật gù và nói. – Nhưng chắc chắn cậu ấy là người con ưu tú nhất.
Bà mẹ thở dài, vô cùng mãn nguyện. Bà nhớ lại những năm đầu tiên sau khi con trai bà ra đời, phụ nữ trạc tuổi bà sinh hết đứa này đến đứa khác, họ đóng khung giấy chứng nhận người mẹ anh hùng, treo lên tường và đi lướt qua bà, vểnh mặt nhìn lên trời. Hãy để thời gian chứng minh ai mới là anh hùng thực sự, bà nghĩ và cười thầm.
Sau đó bà kể cho chúng tôi nghe về con trai, từng mẩu tin tức là một cánh cửa mới ra thế giới. Anh được một chiếc ôtô hạng nhất đưa đến thủ đô, ở đó anh và các ứng viên khác ở trong một khách sạn sang trọng, hàng ngày được đưa đến bảo tàng tưởng niệm lãnh tụ, họ học để thi đấu.
- Có các ứng viên khác sao? – Chúng tôi há hốc miệng, sửng sốt vì mẹ anh không phải là người duy nhất ngắm nghía bộ mặt của lãnh tụ trong lúc mang thai.
- Tôi chắc nó là người duy nhất họ muốn, – người mẹ nói. – Nó nói khi ngắm nhìn bộ mặt của lãnh tụ, nó rất tin sẽ được chọn.
Trong nhiều năm tiếp theo, một số người trong chúng tôi có dịp đến thủ đô và đợi suốt nhiều giờ trong hàng người dài dằng dặc để chiêm ngưỡng bộ mặt của lãnh tụ. Sau khi Người qua đời, một bảo tàng tưởng niệm được xây dựng ở trung tâm thủ đô và thi hài vị lãnh tụ được đặt trong quan tài pha lê. Nhà thiết kế đã khắc ở lối vào bảo tàng: Hãy để lãnh tụ vĩ đại của chúng ta sống mười ngàn năm trong trái tim của một trăm thế hệ. Bên trong lối vào, chúng tôi phải trả một khoản tiền lớn, để có một bông hoa bằng giấy trắng và đặt dưới chân quan tài pha lê, giữa một biển hoa trắng. Trong chốc lát, một số người trong chúng tôi tự hỏi liệu những bông hoa kia có được lấy khỏi bệ và ngày hôm sau đem bán lại, nhưng ngay lập tức chúng tôi cảm thấy hổ thẹn vì đã có những ý nghĩ không trong sáng ở nơi thiêng liêng nhất thế giới này. Tay cầm hoa, chúng tôi đi hàng một, lặng lẽ vào trung tâm đài tưởng niệm, và chúng tôi nhìn thấy vị lãnh tụ nằm trong quan tài trong suốt, phủ lá cờ lớn màu đỏ có những ngôi sao vàng, mắt người nhắm như đang ngủ và miệng mỉm cười. Chúng tôi ấn tượng với tấm thân của con người vĩ đại này đến mức bỏ qua màu đỏ không tự nhiên trên má Người và cái cổ phình mập như đầu Người.
Chàng thanh niên của chúng tôi ắt cũng phải bước đi trên con đường này, nhìn vào bộ mặt này với sự sùng kính như thế này. Chúng tôi tự hỏi còn gì nữa trong lòng anh ta mà không xảy ra với chúng tôi?
Hẳn anh cảm thấy gần gũi con người vĩ đại kia hơn chúng tôi nhiều. Anh có quyền cảm thấy thế, anh được chọn trong hàng chục ứng viên để đóng vai lãnh tụ kia mà. Làm thế nào anh đánh bại các đối thủ thì người mẹ không kể chi tiết, bà chỉ nói anh sinh ra dành cho vai trò này. Mãi sau này chúng tôi mới được nghe chuyện: chàng thanh niên của chúng tôi và các ứng viên khác được huấn luyện nhiều ngày, những người quá thấp hoặc quá yếu ớt so với vóc người của lãnh tụ (mặc dù họ có bộ mặt của lãnh tụ) bị loại ngay từ vòng đầu, tiếp đó là những người không thể làm chủ được âm sắc của lãnh tụ. Rồi đến các ứng viên có đủ mọi thứ ngoài lý lịch cá nhân trong sạch, ví dụ thành phần xuất thân địa chủ. Nhờ Ủy ban Cách mạng thị trấn chúng tôi giấu nhẹm anh ta là con trai tên phản cách mạng bị xử tử, anh lọt vào vòng cuối cùng với ba người khác. Ngày thi cuối cùng, khi được đề nghị biểu diễn ứng khẩu, ba người kia đều chọn trích dẫn lời lãnh tụ tuyên bố sự ra đời của nhà nước cộng sản chúng tôi (các bạn nhớ không, ngày đó cũng là khởi đầu cho cuộc hành trình của chàng thanh niên), trong lúc cậu ta không rõ vì lý do gì, nói: Một gã đàn ông không thể che đậy bản chất phản động mãi mãi, giống như một mụ góa không thể che giấu sự thèm khát được giao cấu.
Trong giây lát, hoảng sợ vì sai lầm ngớ ngẩn của mình, anh cảm thấy vừa xấu hổ vừa giận dữ như trước kia, lúc con chim sẻ chết lạnh cứng trong những ngón tay. Anh rất ngạc nhiên khi được chọn, với lý do là anh đã nắm bắt được bản chất của lãnh tụ, trong khi ba người kia chỉ đạt được hình dáng gần giống. Ba người đó và các ứng viên khác bị gửi đi giải phẫu thẩm mỹ vì như các cụ già đã nói, không cho phép thứ giống hệt tồn tại.
Chàng thanh niên của chúng tôi trở thành gương mặt duy nhất đóng vai lãnh tụ, và bắt đầu những năm huy hoàng nhất trong đời anh. Những bộ phim về lãnh tụ do anh thủ vai chính đều do các xưởng phim của nhà nước quay. Chúng tôi chen chúc trong rạp chiếu bóng duy nhất ở thị trấn xem các bộ phim đó, thầm rủa các bà mẹ và vợ chúng tôi không sinh hạ được một gương mặt vĩ đại.
Hôn sự của anh trở thành mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi. Giờ anh đã ngoài ba mươi, lứa tuổi nói chung bị coi là không thích hợp với các cô gái trẻ. Nhưng ai quan tâm đến tuổi tác của một người vĩ đại? Những người theo lối cổ thuê bà mối cho con gái, cử họ mang những món quà đắt tiền đến biếu người mẹ. Những người khác hiện đại và xông xáo hơn, gõ cửa nhà bà mẹ, cô con gái thẹn đỏ mặt theo sau. Choáng váng vì quá nhiều chọn lựa, cứ ngày hôm sau mẹ anh lại vào trung tâm thị trấn gọi điện đường dài cho anh, báo thêm một ứng viên thích hợp. Nhưng anh không còn là người của thị trấn chúng tôi nữa. Anh bay khắp đất nước vì những dịp lễ kỷ niệm và các bộ phim; anh đã thấy những phụ nữ hấp dẫn hơn các cô gái ở thị trấn nhiều. Anh nhờ mẹ xin lỗi và từ chối mọi lời ướm hỏi của chúng tôi. Công nhận rằng thị trấn là một vịnh nhỏ quá nông, không thể chứa nổi một con rồng thực sự, vì thế hầu hết chúng tôi từ bỏ ý định và gả con gái cho thanh niên địa phương. Một vài người vẫn bám lấy hy vọng mong manh, đợi đến ngày anh nhận ra vẻ đẹp và đức hạnh vô song của con gái mình. Trong vài năm, nhiều cô gái ở thị trấn vẫn bị cha mẹ giữ không cho ai đụng đến. Chờ đợi quá lâu làm cổ họ mỗi năm một vươn dài. Thật lạ lẫm khi nhìn thấy cảnh một cô gái cổ dài như cái cần cẩu đi trên phố, có cha mẹ canh giữ, họ ngày càng giống con hươu cao cổ.
Chàng trai quá bận rộn với vai trò mới, không hay biết các chuyện đó. Anh xuất hiện tại các lễ kỷ niệm của nhà nước trong suốt các kỳ nghỉ. Là khán giả trung thành nhất của anh, chúng tôi ngồi suốt đêm dài trước tivi, đợi anh xuất hiện. Trên màn hình, đàn ông, đàn bà ca hát và nhảy múa, nụ cười vui vẻ trên mặt giống các cháu mẫu giáo được dạy dỗ cẩn thận. Bọn trẻ con bốn, năm tuổi tán tỉnh nhau, hát những bài tình ca như lũ vẹt hân hoan. Trong lúc ấy, những người hay nghĩ ngợi hơn bắt đầu cảm thấy khó chịu, ám ảnh một nỗi sợ lạ lùng, rằng dân tộc chúng tôi sắp đi xuống thay vì đi lên. Nhưng nỗi lo biến mất khi chàng thanh niên của chúng tôi xuất hiện trong vai lãnh tụ. Trên màn hình, dân chúng đứng dậy tung hô và giơ cao bàn tay. Các cô gái xinh đẹp nhất ôm hoa ùa đến chỗ anh. Từng đàn trẻ em vây quanh anh, gọi anh bằng tên lãnh tụ. Những giọt nước mắt luyến tiếc dâng đầy mắt mọi người. Trong giây lát, chúng tôi tin thời gian dừng lại. Vị lãnh tụ vẫn sống giữa chúng tôi, và chúng tôi vui sống như các con của Người.
Trong lúc chúng tôi mê mẩn vì gương mặt của chàng thanh niên, thời gian cứ trôi. Hiện giờ chúng tôi có Sony[2] và Panasonic[3]; chúng tôi có Protec&Gamble[4] và Johnson & Johnson[5]. Chúng tôi có những bộ phim nhập khẩu, trong phim nam nữ thoải mái nắm tay nhau trên phố, thậm chí còn hôn nhau mà không hề có dấu vết sợ hãi trong mắt. Chúng tôi nhận ra rằng cuộc sống của chúng tôi không hạnh phúc như được dạy phải nghĩ thế. Dân chúng ở các nước tư bản không đợi chúng tôi đến giải phóng. Họ không bao giờ biết tình yêu của chúng tôi dành cho họ.
Chắc hẳn đây cũng là giai đoạn khó khăn cho chàng thanh niên của chúng tôi. Nhiều tiểu sử và hồi ký về lãnh tụ xuất hiện như cỏ mùa xuân. Không như những cuốn sách do các nhóm được chính phủ chỉ định, những cuốn sách này báo hiệu tình trạng bất an khi chúng xuất hiện. Ngay sau đó, chúng bị quy là các ấn phẩm bất hợp pháp, bị tịch thu và đốt hàng đống lớn. Có những tin đồn xấu lan rộng về lãnh tụ. Những tin đồn truyền miệng, vì sao dưới thời ông ta trị vì, năm chục triệu người bị chết đói và bị bức hại về chính trị. Nhưng nếu nhìn vào con số này kỹ hơn, bạn sẽ thấy còn xa mới bằng số người mà lãnh tụ sẵn sàng hy sinh cho bom nguyên tử Mỹ. Vậy thì mọi sự om sòm ấy là gì?
Chúng tôi bắt đầu nghĩ đến những điều chúng tôi được hướng dẫn tin tưởng trong suốt những năm đó. Khi nỗi ngờ vực bắt đầu, nó lan rất nhanh trong lòng chúng tôi. Gương mặt chàng thanh niên vẫn xuất hiện trên tivi thường xuyên, nhưng đã đánh mất hào quang. Chúng tôi đã đợi, háo hức gả bán con gái cho lời cầu hôn đầu tiên của anh. Mẹ anh giờ thành một bà già lắm lời, bà đi trên phố và vồ lấy bất cứ ai để kể chuyện về anh, song những chuyện đó không còn gây ấn tượng cho chúng tôi nữa. Qua lời bà, chúng tôi biết rằng anh đã đi khắp đất nước với lãnh tụ hiện nay, chuyến đi với ý đồ tạo lòng tin cho nhân dân vào chủ nghĩa cộng sản. Thế thì sao? Chúng tôi hỏi và bỏ đi trước khi bà mẹ có dịp nói thêm chi tiết.
Chuyến đi kết thúc sớm khi cuộc phản kháng bùng nổ ở thủ đô. Hàng ngàn người tập hợp ở trung tâm thủ đô đòi dân chủ, đúng nơi bảo tàng tưởng niệm lãnh tụ, nay ngày càng ít người đến thăm. Bị đe dọa và tức điên lên, nhà lãnh đạo hiện tại ra lệnh cho binh lính xả súng bắn vào những người phản kháng. Sững sờ vì sự kiện người chết bị thiêu trong lò hỏa táng do nhà nước quản lý. Sau đó chúng tôi đọc trên báo, nhà lãnh đạo nói rằng ông sẵn sàng giết hai vạn người để đổi lấy hai chục năm chủ nghĩa cộng sản ổn định. Chết điếng vì những con số đó, chúng tôi lặp lại lời ông và tán thành sự khôn ngoan của ông khi chúng tôi bị ép kết tội công khai những người bị giết trong vụ này.
Ngay sau đó, đất nước anh cả ở phía trên chúng tôi tan vỡ. Rồi hết người nọ đến người kia, các đồng chí của chúng tôi lần lượt rời khỏi vũ đài lịch sử. Chúng tôi hoang mang, không biết nghĩ gì về họ, không biết nên thèm muốn, khinh thường hay thương hại họ.
Vào thời gian này, cuộc sống đang bộc lộ một khúc mắc lớn với chàng thanh niên. Theo thói quen, chúng tôi vẫn gọi anh là chàng thanh niên của chúng ta, song anh đã ngoài bốn mươi và không còn trẻ nữa. Tệ hơn, anh là người đàn ông đã ngoài bốn mươi mà chưa bao giờ được nếm mùi vị đàn bà trong đời. Các vị có thể tin được không? Chúng tôi hỏi nhau sau khi mọi sự xảy ra. Thật không thể tin được, chúng tôi lắc đầu. Nhưng đây là sự thực: anh đã trải qua hầu hết những năm hai mươi không có đàn bà nhưng chúng tôi không sẵn lòng gả con gái cho anh; khi chúng tôi sẵn sàng, anh đã thành người quá vĩ đại so với con gái chúng tôi. Thời gian trôi qua thật tàn nhẫn. Bây giờ chẳng còn mống con gái nào của chúng tôi nữa, anh bắt đầu mơ tưởng đến người đàn bà mà lẽ ra anh phải có từ lâu.
Một khi nỗi khát khao thức dậy, anh không thể sống yên ổn được nữa. Anh ngắm những người đàn bà trên phố, những cánh tay và đôi chân trần của họ trong bộ váy áo mùa hè thật hấp dẫn, ngon lành, và anh băn khoăn làm thế nào để có người đàn bà của riêng mình. Người phụ nữ nào xứng đáng với sự vĩ đại của anh? Thỉnh thoảng anh sôi lên đến mức muốn vồ lấy bất cứ người nào đi qua làm người đàn bà của mình. Nhưng sau cuộc thủ dâm thành công, cơn thèm muốn dịu lại, anh không còn điên lên vì những khao khát mù quáng nữa. Trong những lúc ấy, anh nhìn đời sáng sủa hơn bao giờ, anh biết rằng không người phụ nữ nào đủ cao quý xứng với anh.
- Nhưng con cần có vợ, sinh cho con một đứa con trai, – mẹ anh thèm có cháu, bà nhắc anh mỗi lần anh gọi điện thoại đường dài nói chuyện với bà. – Con hãy nhớ rằng nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của người đàn ông là tiếp nối dòng họ của mình.
Anh lẩm bẩm những lời không rõ ràng và treo máy. Anh biết rằng không tử cung của người phụ nữ nào có thể nuôi dưỡng một đứa con trai có bộ mặt vĩ đại như của anh.
Hiện giờ cuộc đời của vị lãnh tụ được khai thác triệt để và dựng thành phim, chàng thanh niên của chúng tôi có nhiều thời gian hơn trong tay. Khi không có dịp kỷ niệm để tham dự, anh lang thang trên phố, mặc áo khoác to sù, cổ áo dựng lên và đôi kính đen đồ sộ che khuất mặt. Đôi khi anh thèm được phô bộ mặt hoàn toàn trần trụi ra với thiên hạ, nhưng nhớ lại cảnh bị hàng trăm người vây quanh xin chữ ký làm anh không dám liều.
Một hôm, anh đi khắp thủ đô, tìm thứ anh ham muốn phải có nhưng không thể gọi tên. Khi đi vào một ngõ hẻm, một người đằng sau chiếc xe đẩy đầy sách báo gọi anh.
- Có muốn mua sách không, ông bạn?
Anh đứng lại, nhìn người bán hàng sau cặp kính đen.
- Có những sách gì?
- Anh muốn mua loại nào?
- Ông có những loại gì?
Người bán hàng kéo những tờ báo để hở một tấm nhựa bên dưới:
- Sách vàng, sách đỏ, muốn gì cũng có. Năm chục tệ một cuốn.
Anh cúi xuống và nhìn qua cặp kính đen. Dưới tấm nhựa là những cuốn sách bìa sặc sỡ. Anh cầm một cuốn và thấy trên bìa một đàn ông và một đàn bà, cả hai đều trần truồng, đang giao hợp trong một tư thế kỳ lạ. Tim anh đập thình thịch, to và thôi thúc trong lồng ngực.
- Đấy là một cuốn sách vàng hấp dẫn, – người bán hàng nói, – vàng như anh muốn.
Anh nắm chặt cuốn sách trong tay:
- Ông còn gì nữa?
- Loại sách đỏ này thì sao? – Người bán hàng đưa cho anh một cuốn khác, trên bìa là mặt vị lãnh tụ. – Ai cũng thích cuốn sách này.
Anh đã nghe về cuốn sách, hồi ký của bác sĩ đã phục vụ lãnh tụ ba chục năm, sách bị cấm khi xuất bản ở nước ngoài và được mang lén từ Hong Kong và Mỹ về nước.
Anh trả tiền hai cuốn sách và về phòng riêng. Anh ngắm kỹ chân dung vị lãnh tụ và so với mặt mình trong gương, giống nhau ở mọi góc độ. Anh thở dài và chúi vào cuốn sách vàng, ngấu nghiến như một người chết đói. Khi bị cương lên quá đau, anh buộc mình bỏ cuốn sách đó xuống và cầm cuốn sách đỏ lên.
Anh cảm thấy một sự trống rỗng trước kia chưa bao giờ cảm thấy, xoay chuyển giữa hai cuốn sách khi một cuốn trở nên quá sức chịu đựng. Trong cuốn sách vàng, anh thấy cả một thế giới anh đã thiếu suốt đời, trong đó một người đàn ông không ngừng được cung cấp đàn bà, tất cả đều sốt sắng làm vừa lòng anh ta. Theo tất cả những điều anh biết, người đàn ông duy nhất muốn có bao nhiêu đàn bà tùy ý chính là lãnh tụ. Anh giở qua cuốn sách đỏ lần nữa, ngắm những bức ảnh vị lãnh tụ vui vầy cùng các nữ y tá, và nhận ra anh đã lầm tưởng vai trò của anh trong suốt những năm này. Là một người vĩ đại có nghĩa là phải muốn gì được nấy trên đời. Tự trách mình đã quá chậm hiểu, anh đứng dậy và bước vào màn đêm. Tìm một gái điếm trong ánh sáng lờ mờ của quán karaoke-khiêu vũ chẳng khó khăn gì. Để phòng ngừa, anh vẫn đeo kính đen và mặc áo khoác to sù trong suốt lúc mặc cả. Rồi anh cùng người đàn bà trẻ đến một khách sạn gần đó, lẻn qua cửa ngách vào căn phòng người đàn bà đã dành sẵn, trong lúc cô ta làm việc với nhân viên tiếp tân.
Sự việc tiếp theo làm chúng tôi rối trí. Chúng tôi chỉ có thể tưởng tượng qua những tin đồn rằng khi được yêu cầu cởi bỏ quần áo, anh nhất định không chịu bỏ cặp kính đen và chiếc áo khoác dày sụ. Chắc chàng thanh niên nghĩ rằng một người vĩ đại phải có đàn bà bằng bất cứ cách gì ta muốn. Nhưng một người đàn ông như anh cưỡng sao nổi những ngón tay thành thạo của một gái điếm chuyên nghiệp như cô ả anh thuê? Trong khoảnh khắc bối rối, khi anh trần truồng như người đàn bà, mặt anh lộ ra và dễ nhận. Anh chưa kịp hiểu ra thì gã ma cô của ả mặc giả cảnh sát đã lao vào với đôi còng tay và máy ảnh. Đèn lóe sáng, máy ảnh bấm tanh tách, tay anh bị còng và quần áo bị tịch thu. Đến lúc đó, cả hai mới nhận ra mặt anh và chúng tôi có thể hình dung bọn chúng vui sướng biết chừng nào. Thay cho khoản tiền thường lệ, chúng đòi anh trả gấp mười những người khác vì anh là nhân vật nổi tiếng và phải trả những bức ảnh này với giá nổi tiếng.
Cho đến ngày nay, chúng tôi vẫn không nhất trí về cách phản ứng của anh. Có người thì bảo anh nên trả tiền để thoát thân, tiền nong không thành vấn đề với anh. Người khác bảo anh chẳng làm gì sai, nên từ chối hợp tác, nhưng anh nên báo cảnh sát về đôi kia thay cho cứ để những việc như thế trôi qua. Chỉ sau một đêm, tin đồn bắt đầu lan khắp thủ đô, những câu chuyện sinh động về việc anh thường xuyên đến các nhà chứa bất hợp pháp. Những bức ảnh được truyền tay nhau nhiều vòng, cho đến khi mọi người ở thủ đô đều khẳng định đã xem. Còn trong thị trấn chúng tôi, chưa ai nhìn thấy. Trái tim chúng tôi rạn vỡ khi hình dung thân hình anh trần trụi và bơ vơ, chúng tôi thầm tránh nhìn vào bộ mặt quen thuộc trong các bức ảnh ấy.
Anh bị coi là không thích hợp tiếp tục thủ vai lãnh tụ nữa. Theo thư của Ủy ban Trung ương Chỉnh đốn Văn hoá, anh đã vấy bẩn tên tuổi người anh đóng vai. Trước đó, chưa bao giờ anh nghĩ một người như anh lại bị thải hồi. Làm gì có gương mặt khác như của anh trên đời này, ai sẽ thay thế anh, người không thể thay thế nhất trong nước? Anh đi từ cơ quan này đến cơ quan kia, van nài xin một cơ hội nữa, thề sẽ không bao giờ đụng đến một người đàn bà. Anh không hiểu rằng vai trò của anh không cần nữa. Người lãnh đạo mới đã nắm quyền và tuyên bố ông ta mới là người dẫn đường vĩ đại nhất của sự nghiệp chủ nghĩa cộng sản trong thiên niên kỷ mới. Các trinh sát tài năng đang lùng sục khắp đất nước tìm một bộ mặt mới khác hẳn mặt anh.
Một ngày mùa đông, chàng thanh niên của chúng tôi về nhà trong tâm trạng u ám. Quá xấu hổ, mẹ anh ngã bệnh và rời bỏ chúng tôi trước khi anh lên đường trở về. Ngày anh về đến nhà, một số người chúng tôi – những người vẫn nhớ anh là một cậu bé cầm con sẻ trong tay, những người thầm ao ước anh trở thành con rể mình, những người đã dõi theo bước đường của anh trong nhiều năm, là thính giả trung thành của mẹ anh, và bất chấp nỗi đau khi thấy anh suy sụp, vẫn sống vui vì thấy mặt anh – vâng, những kẻ như chúng tôi, tận dụng niềm vui trần tục, sống vì yêu thương anh, chúng tôi tụ tập ở bến xe buýt và giơ tay cho anh bắt. Anh xuống xe, phớt lờ những nụ cười sốt sắng của chúng tôi, cặp kính đen và cổ áo lật cao che khuất mặt. Nhìn anh đi đến mộ mẹ, cái bóng dài kéo lê đằng sau, chúng tôi quyết định tha thứ sự khiếm nhã của anh. Ai còn lòng dạ nào trách cứ một đứa con như anh? Dù xảy ra chuyện gì với anh, anh vẫn là người vĩ đại nhất trong tiểu sử của chúng tôi, là người con và người anh hùng của chúng tôi.
Xin hãy tin rằng trái tim chúng tôi đã tan vỡ khi anh tự thiến bên nấm mồ mẹ anh. Chúng tôi không bao giờ hiểu nổi vì sao một ý nghĩ như thế lại đến với anh, nhất là vì nếu chúng tôi không nhầm, anh vẫn còn trinh trắng, còn quá nhiều điều mong đợi trong đời. Đêm xảy ra chuyện, chúng tôi nghe thấy một tiếng rú dài trong lúc đang ngủ. Chúng tôi ùa ra khỏi nhà, lao vào màn đêm lạnh giá và tìm thấy anh trong nghĩa trang. Dù khi lớn, chúng tôi đã nghe nhiều câu chuyện về các Cố, cảnh tượng vẫn làm chúng tôi ớn tận xương. Chúng tôi không biết ý nghĩa của hành động này là gì. Không người nào trong thị trấn chúng tôi – không kể chúng tôi là những người bình thường, mà cả các Cố của chúng tôi –đạt đến đỉnh cao như anh. Dẫu cụ Cố vĩ đại nhất cũng chỉ là người hầu thân cận của hoàng đế, trong khi anh, với bộ mặt của lãnh tụ, đã có thời như hoàng đế. Nhìn anh lăn lộn trên đất, mặt lem luốc nước mắt và máu, chúng tôi nhớ đến câu chuyện về cậu bé lên mười, của quý trong tay, vẻ mặt bình tĩnh và hãnh diện. Đây là khoảnh khắc buồn bã của chúng tôi, khi biết rằng chúng tôi, những cháu chắt của các cụ Cố sẽ không bao giờ xứng đáng với huyền thoại về họ.
Gạt những thương xót sang bên, chúng tôi vẫn nhớ có người vừa tự thiến. Một số người nhất quyết đưa anh đến bệnh viện để cấp cứu; những người khác cho là không cần thiết, vì việc ấy đã xong rồi và sẽ không còn tổn hại gì hơn. Trong lúc bối rối, không ai trong chúng tôi nhớ thu nhặt thứ quan trọng nhất ở hiện trường. Sau này, khi nhận ra sai lầm, chúng tôi tìm kiếm từng centimét trong nghĩa trang. Nhưng bộ phận của thân thể anh đã biến mất, vào miệng con gì chúng tôi không muốn hình dung.
Anh qua khỏi, chúng tôi không lấy làm lạ. Các Cố của chúng tôi đều qua khỏi và sống trong các tiểu sử anh hùng của họ đấy thôi? Hiện giờ anh sống giữa chúng tôi, với quãng đời dài cằn cỗi ở phía trước. Anh ngồi dưới nắng, ngắm những con chó đực đuổi chó cái, mặt anh ẩn sau cặp kính đen và cổ áo khoác lật cao. Anh hay ra nghĩa trang vào lúc trời chạng vạng và nói chuyện với mẹ cho đến lúc đêm buông.
Với chúng tôi, những người đã thấy anh sinh ra trong đau đớn và sẽ có lúc thấy anh chết trong đau đớn. Thứ duy nhất chúng tôi lo lắng là kiếp sau của anh. Gốc rễ đàn ông của anh đã mất vĩnh viễn, chúng tôi biết đặt gì vào trong cái túi lụa đem chôn cùng anh? Làm sao chúng tôi có thể gửi một linh hồn sang thế giới bên kia trong tình trạng không đầy đủ như thế?
Hàng ngày, chúng tôi cầu nguyện cho sức khỏe của anh để tâm trí chúng tôi thanh thản. Chúng tôi cầu cho anh sống mãi mãi như đã cầu nguyện cho lãnh tụ. Trong chừng mực có thể, anh là người mà chúng tôi không muốn chấm dứt tiểu sử, và sẽ không có hồi kết cho tiểu sử của anh.

Thanh Vân dịch từ tiếng Anh, nxb Phụ Nữ  in năm 2011