Nhà văn Trang Hạ.
Mình không bao giờ hỏi ai là “Anh có yêu em không?”. Cho dù
trong lòng mình một khi đã có mong muốn được hỏi ai câu đó, là mong muốn họ trả
lời khẳng định là “Có!” lắm ấy!
Không biết mấy chục năm trước mắt, mình sẽ có lúc nào dại
dột buột mồm ra hỏi ai cái câu dại dột này không, chứ trong lịch sử (tình sử)
của mình thì là chưa có tiền lệ. Không hiểu vì sao. Nhưng mình đã luôn chỉ nói:
“Em yêu anh!”
Mình nghĩ thế là đủ.
Mình nhớ ngày nhỏ nghe “Ba mươi phút dân ca và nhạc cổ
truyền” trên Đài tiếng nói Việt Nam buổi trưa, hay có bài dân ca vè hay ví gì
đó của miền Trung, kể lể công lao khó nhọc của mẹ, từ ngày mang nặng đẻ đau cho
tới hồi chăm sóc nuôi lớn con cái. Hồi đó nhỏ lắm mà đã băn khoăn, sao người mẹ
trong ca dao lại kể lể công ơn mang nặng đẻ đau với đứa con của mình? Tính sổ
kiểu đó hay ho gì? Tính sổ tình yêu chỉ ra được sự thất vọng hay cụ thể hơn là
ra được công ơn chứ chẳng ra được tình yêu. Mà tình yêu được tính theo kiểu
công nợ, tôi “chi” ra từng này, tôi cần được “lại quả” chừng kia, thì kinh quá!
Bản chất của câu hỏi “Anh có yêu em không?” tôi cảm thấy
cũng như thế. Nếu đã yêu, có phải chỉ vì cũng mong được “lại quả” ? Cho dù mong
ước ấy thầm kín và phấp phỏng?
Nếu thật sự yêu, bạn có băn khoăn mình sẽ được nhận gì không?
Thực tế, vào những khoảnh khắc “Em yêu anh!”, mình không thể
nghĩ rành mạch tới như thế, mình chỉ cảm thấy mình như một mũi tên bắt đầu tự
bắn khỏi cây cung, tôi cần lao về phía trước, tôi bất chấp, tôi muốn nói rằng
tôi yêu!
Sau rồi, bây giờ, ngồi nghĩ, thấy có lẽ mình đã luôn không
đòi đền đáp. Mình không hỏi, mình cảm nhận câu trả lời bằng cả tâm hồn và cả
thân thể. Nên tất nhiên, cũng có những lúc nỗi thất vọng đớn đau làm thân tâm
bải hoải rã rời.
Tự lắp mình vào cây cung để chờ một cuộc chinh phạt khác.
Mình có một cô bạn gái học cùng đại học, bạn rất tự tin và
bạn rất táo tợn, cho dù căn cứ vào nhan sắc của bạn thì đáng lẽ bạn phải có
thái độ ngược lại mới đúng. Bạn rất tự tin bởi lẽ bạn chỉ theo đuổi những chàng
đẹp trai nhất khóa, với một vài ca sĩ trên tivi, với một Thiên Vương ở bên Hồng
Kông nữa! Bạn rất táo tợn là bởi bạn sẽ chặn đường họ đi học, tìm họ ở nhà,
tiếp cận họ ở nơi công cộng, giữa càng đông người càng tốt, và lật bài ngửa:
“Anh có yêu em không?”
Nhưng táo tợn nhất là bạn không bao giờ cho phép đối phương
nói “Không!”.
Giờ đây, vào tuổi gần bốn mươi, bạn đang theo một tôn giáo
dị biệt (xin lỗi các bạn đang có tín ngưỡng hoặc theo một tôn giáo nào đó, tôi
không muốn nói tên cụ thể tôn giáo này là gì) mà ở đó, tôn sùng sự hưởng lạc xa
hoa về cả tinh thần lẫn vật chất, ủng hộ sự lạm dụng danh từ “tình yêu”, tín đồ
nam chẳng bao giờ từ chối tín đồ nữ. Ở đó bạn đã tìm được cuộc sống bạn mong
ước, và tôi nghĩ hẳn giờ bạn đã luôn được trả lời mỗi khi hỏi câu “Anh có yêu
em không?”.
Những thái độ với cuộc sống khác nhau sẽ dẫn ta tới những
tương lai khác nhau. Tất nhiên, cả tình yêu cũng thế.
Có thể nếu mình hỏi câu ấy, cuộc sống sẽ dẫn mình tới với
người đàn ông khác, hạnh phúc khác. Bởi làm sao biết người ta yêu đã giải mã
những thông điệp của ta ra sao. Thế nhưng, ở một thời điểm nào đó ngoảnh lại,
mới thấy, nói “Em yêu anh!” hạnh phúc chừng nào. Và còn hạnh phúc chừng nào vào
khoảnh khắc ta nói yêu mà ta không cần người ta yêu phải đáp lại, dù chỉ bằng
một câu trả lời.
Bởi vì thực tế, cũng đã có rất nhiều lần, mình đứng trước
một người mình yêu, và nuốt câu “Em yêu anh” vào tận trong đáy sâu trái tim.
2 nhận xét:
Tui không đồng tình với đoạn: “Mình nhớ ngày nhỏ nghe “Ba mươi phút dân ca và nhạc cổ truyền” trên Đài tiếng nói Việt Nam…..thì kinh quá!”.
Nhưng chúc mừng Gió & Nước đã quay trở lại. Thấm thoắt gần hai tháng rồi còn gì.
Có thể hiểu ở một khía cạnh nào đó (theo mạch tư duy của người viết) thì vẫn có thể chấp nhận đc.
Gió&nước rất muốn mở cửa trở lại để phiêu diêu cùng bè bạn nhưng thực sự quá bận rộn và quá nhiều cảm xúc đan xen trong thời gian qua nên chẳng biết phải bắt đầu từ đâu...
Đăng nhận xét