Trang

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Hôi của và Lòng tin

Sáng nay lang thang mạng đọc được bài viết này thấy buồn buồn. Click thêm mấy lần chuột thì có nguyên một seri các tin có liên quan, mấy cái tin này cũng lâu lâu rồi nhưng tui chẳng biết gì cả. 
Càng đọc càng thấy kỳ cục kẹo kéo, đặc biệt là cái tin xe chở bia đổ ra đường ở cầu Bến Thủy (mà lại phía bờ Hà Tiện nhé). Chắc bà con Hà Tiện ở vùng này được bữa bia miễn phí khà khà... đúng là không hổ danh dân Hà Tiện (theo suy đoán của tui thôi: không lẽ bà con bên Nghệ An chạy sang đây lụm về ah?). Bà con nào lụm được mà chưa uống nhớ cho tui ké một hớp coi cái mùi vị của "bia hôi của" ra răng hi. 
Tiện đây tui post hai trong số seri các bài có liên quan đăng trên SGTT để bà con đọc chơi và ngẫm hi.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện .
Xe chở bia đổ ở cầu Bến Thủy
SGTT.VN - Hình ảnh lợi dụng tình cảnh ngặt nghèo của người khác để chiếm đoạt tài sản (cướp bia, dưa hấu...) được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, gây bất bình trong dư luận. Hành động này xảy ra, đơn giản vì thiếu lòng tin. Nếu không ai tin ai, thì chuẩn mực sẽ bị xếp xó.
Một chiếc xe tải chở dưa hấu bị tai nạn lật ngang, khiến dưa bị rơi vãi tung toé trên đường. Người đi đường xúm lại, nhưng không phải để giúp đỡ người lái xe gặp nạn, mà để tranh thủ nhặt dưa mang về nhà làm của riêng.
Hình ảnh lợi dụng tình cảnh ngặt nghèo của người khác để chiếm đoạt tài sản được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, gây bất bình trong dư luận. Đáng nói nữa, đây không phải là lần đầu sự việc loại này xảy ra: cách nay không lâu và cách nơi đó cũng không xa, một chiếc xe tải chở bia gặp nạn làm nhiều thùng bia văng tứ tung, đã tạo cơ hội cho nhiều người có bia uống thoải mái mà không phải trả tiền.
Hiện tượng số đông đi “hôi của” được lặp đi lặp lại tất yếu sẽ làm hình thành định kiến xấu của dư luận về một nhóm người, một cộng đồng. Nhiều ý kiến bày tỏ nỗi hổ thẹn trước sự bộc lộ tính cách thấp kém của những người được gọi là đồng bào, đặc biệt trong bối cảnh những tấm gương về tinh thần tương trợ, tình đoàn kết và ý thức sẻ chia trong hoạn nạn của người Nhật được phổ biến rộng rãi.
Thấy người gặp nạn không ứng cứu thì thôi, lại còn khai thác điều kiện khó khăn của người ta để trục lợi cho bản thân, thì đúng là không thể chấp nhận. Hành vi đó rất sai, đáng lên án, tẩy chay.
Song, thử bỏ qua một bên các khía cạnh phân tích xã hội, pháp lý hoặc đạo đức đối với hành vi, thì còn lại một góc nhìn cho phép nhận ra một điều quá đơn giản: người ta nhặt dưa, bia về để ăn, uống hoặc để bán lấy tiền, nói chung là để đáp ứng các nhu cầu cho cuộc sống của mình.
Suy cho cùng, mỗi hành vi có ý thức của con người, kể cả việc làm bậy, đều được thực hiện dưới sự thôi thúc của lợi ích. Con người ta, theo đúng bản năng, muốn lấy bất kỳ thứ gì mình thích và muốn thụ hưởng mọi thứ theo ý mình.
Trong xã hội nguyên sơ, để thoả mãn mong muốn cá nhân trong điều kiện có những cá thể cùng quan tâm chiếm giữ một thứ gì đó, thì tất nhiên phải có sự tranh giành và ai mạnh hơn thì thắng. Chính trong quá trình vươn lên từ sự mông muội, con người mới dần dần nhận ra sự cần thiết của việc tổ chức phân phối lợi ích cho phép mỗi người thoả mãn hợp lý các nhu cầu mà không cần phải loại trừ nhau bằng vũ lực.
Hệ thống quy ước xã hội ra đời như là kết quả của các nỗ lực dung hoà giữa các lợi ích đối lập nhằm đạt được mục tiêu đó. Tuỳ theo nguồn gốc hình thành, tính chất, mức độ ràng buộc. Các quy ước mang những tên gọi khác nhau, như thói quen của cộng đồng, phong tục, tập quán hay luật pháp. Độ chặt chẽ, tinh vi và hữu hiệu của các quy ước xã hội là căn cứ chủ yếu để đánh giá trình độ tổ chức, trình độ văn minh của xã hội đó.
Thực ra, quy ước xã hội tự nó không phải là chất liệu kết dính con người trong các mối quan hệ xã hội đa dạng. Để việc theo đuổi lợi ích trong không gian chung được thực hiện bằng hành vi ứng xử đúng mực và trên căn bản tự nguyện, trước hết con người phải chấp nhận nhau, cho phép cùng nhau tồn tại và thừa nhận năng lực, giá trị của nhau cũng như sự cần thiết đối với nhau. Sự chấp nhận, cho phép, thừa nhận đó là biểu hiện của cái được gọi là lòng tin.
Tranh nhau lụm dưa
Nhờ có lòng tin mà trong trường hợp có nhiều người cùng quan tâm tìm kiếm một lợi ích, người ta có đủ kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình. Nó lý giải việc những nạn nhân động đất và sóng thần tự nguyện xếp hàng nhận lương thực trong vòng trật tự. Nó cũng giúp người ta hiểu tại sao có em bé (người Nhật) đã từ chối nhận phần bánh mì trước những người lớn tuổi: đơn giản, em tin chắc rằng mình sẽ không bị bỏ đói, bỏ rơi.
Cả việc thực thi pháp luật, muốn đạt được kết quả tốt nhất, ổn định nhất, cũng phải dựa chủ yếu vào lòng tin, chứ không phải vào sự cưỡng chế của bộ máy nhà nước. Niềm tin đối với sức mạnh của luật thể hiện thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và ý thức phê phán đối với hành vi vi phạm pháp luật.
Nếu không ai tin ai, thì chuẩn mực sẽ bị xếp xó. Khi dó, theo đúng quy luật tự nhiên hoang sơ “ mạnh được, yếu thua”, mọi người sẽ xông lên phía trước để giành thế thượng phong trong quá trình tìm kiếm lợi ích. Người ta sẽ giẫm đạp nhau ở nơi công cộng để mua vé, mua bánh mì, sẽ giành đường bằng mọi cách, kể cả lấn làn, vượt đèn đỏ, leo lên lề, cũng như sẽ tìm cách thu gom của cải nhiều nhất về cho mình để phòng hậu hoạn. Với kiểu sống đó, thì ai chậm chân đến sau sẽ chẳng còn gì mà hưởng.
Tóm lại, lòng tin hỗ tương, chứ không phải là thứ gì khác, là cái thúc đẩy con người ta tìm đến nhau, dựa vào nhau để sống và mưu cầu hạnh phúc trong không gian chung trên cơ sở tuân thủ một hệ thống chuẩn mực chung.
Là người chịu trách nhiệm tổ chức cuộc sống xã hội, nhà chức trách, nhà quản lý phải là người đi đầu trong việc xây dựng và củng cố lòng tin đó, trước hết bằng cách tỏ ra mẫu mực trong việc tôn trọng các chuẩn mực được xã hội đề ra, cũng như trong việc xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm pháp luật.
Tấm gương của người nắm quyền lực sẽ tạo sức mạnh cổ vũ để toàn xã hội làm theo.
--------------------------------------------------------------------------                                                                                  
 Bài đọc thêm:

Kẹt xe trầm trọng vì hàng ngàn người đổ ra đường nhặt bia

SGTT.VN - Khoảng 4 giờ 30 phút sáng nay 26.1, một ô tô chở bia từ thành phố Vinh (Nghệ An) hướng Hà Tĩnh, đến đầu cầu Bến Thủy 20m đã đâm vào dải phân cách và lật, hàng ngàn lon bia 333 đổ ra đường.
Vào giờ nói trên, chiếc xe mang biển kiểm soát 76C - 001.37 (chưa rõ tài xế) chở hàng trăm thùng bia 333, khi đến đoạn đầu cầu Bến Thủy cách trạm thu phí khoảng 20m thì bất ngờ lật và hàng ngàn lon bia đã đổ trên quốc lộ, cầu Bến Thủy... Hàng ngàn người đi đường thấy vậy đã xuống nhặt bia khiến cho giao thông trở nên ách tắc hơn.
Cú lật bất ngờ khiến giao thông trên quốc lộ 1A qua cầu Bến Thủy nối dài tới thị trấn Nghi Xuân (Hà Tĩnh) bị ách tắc dài khoảng 4km. Hàng ngàn phương tiện tham gia giao thông, hàng ngàn người dân đi chợ xuân cũng bị ách tắc.
Hiện Công an thành phố Vinh có mặt tại hiện trường để điều tiết ách tắc giao thông và giải quyết tai nạn. Nguyên nhân đang được công an thành phố Vinh điều tra.
 Đừng làm mất mặt người Việt thêm nữa!
SGTT.VN - Choáng váng trước hình ảnh cướp bia, cướp dưa hấu… khi người khác gặp nạn, bạn đọc đặt câu hỏi: Đâu rồi đạo đức, liêm sỉ? Đâu rồi tinh thần tương thân tương ái của người VN? Tại sao không nghĩ đến người bị nạn…Đừng làm mất mặt Việt Nam thêm nữa!
Sau tin "Kẹt xe trầm trọng vì hàng ngàn người đổ ra đường nhặt bia", "Đổ xô ra quốc lộ "hôi" dưa hấu gây kẹt xe", bạn đọc SGTT gửi đến tòa soạn bài viết Đã không giúp người bị nạn, còn lao vào hôi của. Bài viết này đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi gửi đến tòa soạn bày tỏ sự bức xúc trước hành động phản cảm, nhẫn tâm, ăn cướp mồ hôi nước mắt của người gặp nạn... Chúng tôi xin tổng hợp một số ý kiến phản hồi nổi bật:
“Cướp” chứ không phải “hôi của”

Hành động như trên gọi là ăn cướp, mà luật pháp nước ta cũng có quy định về khoản này. Tội danh ăn cướp phải bị trừng trị, nhẹ thì phạt tiền, nặng thì ngồi tù đếm lịch. (Lê Anh)
Theo tôi được biết chuyện hôi của trở thành ăn cắp, ăn cướp xảy ra nhiều nơi khi tai nạn xe xảy ra. Đề nghị các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm! Nếu thực thi pháp luật nghiêm minh thì khổ chủ sẽ bớt đau thương và xã hội ta sống đầy nghĩa tình yêu thương, người ngoại quốc nhìn thấy mà không chê dân ta! (Minh)
Tôi đi nhiều nhưng chưa bao giờ thấy cảnh nhẫn tâm như vậy! (Đình Anh )
Không biết nếu xe chở hàng đắt tiền thì hậu quả thế nào. Hành động hôi của là biểu hiện đạo đức suy đồi. Tôi cho rằng đó là ăn cướp chứ gọi là hôi của thì còn “lịch sự” chán! (Tu Linh)
Đây rõ ràng không chỉ là hôi của của người bị nạn, mà còn là ăn cướp giữa đường, vì "người đi đường cũng dừng xe, tạt vào lấy phần". Thành phần tham gia bao gồm già trẻ lớn bé, kể cả học sinh! Mỗi nhân vật có thể đại diện một lớp người trong xã hội. Những hành vi thiếu bác ái này là hậu quả của một quá trình đào tạo giáo dục lâu dài của nước ta. (Người đọc báo)
Ăn những trái dưa hấu "bị nạn" ấy có ngọt không mấy anh chị? Không giúp chủ xe chất gọn dưa lại thì thôi, cớ sao lại "cướp" mồ hôi nước mắt của người đang gặp nạn? (Mộc Lan)

Thấy buồn và xấu hổ cho dân mình
Thật là buồn và xấu hổ. Tôi đã nghĩ nếu ở Việt Nam xảy ra thiên tai như Nhật Bản thì chắc chắn người dân chỉ có chết đói. Kinh tế hỗn loạn. Nhớ mấy năm trước ở Hà Nội mới xảy ra lụt mấy ngày mà bó rau muống lên tới 20 ngàn đồng. Người Việt Nam mình bây giờ truyền thống không còn giữ lại được là bao. Nếu mọi người sợ nhân quả báo ứng thì chắc chẳng ai dám ăn cướp một cách trắng trợn như thế. Âu cũng là dấu hiệu cho thấy sự suy đồi tệ hại của con người thời này. (Bùi Thị Hài )
Không đói ăn, không khó khăn, cũng không gặp thiên tai như Nhật Bản mà còn hôi của... (daigiaSaigon)
Xấu hổ thay khi ngồi "gặm" những miếng dưa hấu đó và xem những hình ảnh về Nhật Bản. May mà xe tải chở dưa, nếu xe chở gì đó giá trị hơn thì chắc còn nhiều án mạng xảy ra. (Nhim)
Thật là buồn quá... Nhật Bản mà như rứa thì vụ sóng thần vừa rồi chắc chẳng còn ai! (phan thanh tùng –TP Huế)
Như thế này mà làm bạn với bà con Nhật Bản coi không được tí nào. Cứ thế này mà gặp thiên tai tai như bà con Nhật Bản, bảo đảm dư sức vuợt qua... bên kia thế giới 100% ! BOTAY.COM (Nguyễn Tuấn)
Nhìn người Nhật Bản mà thấy buồn cho người Việt Nam. Nước mình mà có động đất như ở Nhật thì loạn mất. (Buily)
Thật buồn, không giúp người ta thì thôi cứ sao lại lấy đi mồ hôi nước mắt của người ta tạo ra. 1 người như vậy, 2 người như vậy và nhiều người như vậy, liệu đất nước Việt Nam mình sao phát triển được chứ. Hoạn nạn có nhau giống như nhân dân Nhật Bản mới đáng trân trọng. (Bảo, Bạc Liêu)
Nhìn hình ảnh này liên tưởng đến hình ảnh đất nước Nhật Bản. Người dân dù có gặp hoạn nạn cũng không đi hôi của kiểu này. Bao giờ dân trí Việt mới thoát khỏi hình ảnh này nhỉ? (Steven Nguyễn)
Thật đáng xấu hổ! Trông... ta mà nhớ đến người? Hãy xem tai họa siêu động đất và sóng thần ở Nhật Bản rồi soi lại khả năng ứng xử của ta xem? Vừa "choáng" vụ cướp bia thì lại đến vụ "dưa tặc". Thật buồn cho ý thức của người dân mình.( Nguyễn Lâm Thái Thịnh)

Đâu rồi đạo đức, liêm sỉ?
Đồng bào của tôi ơi! Sao mà khổ thế nhỉ, liêm sỉ chả còn, cái gì đưa đến việc người dân ta cư xử tệ như thế? Có ai dám gọi thẳng tên nó ra không? (Lê Quyết Thắng)
Dân còn nghèo đói nên nhận thức mới kém vậy mà. Biết sao được, khi mà chính sách giáo dục của ta quá bất cập. (An)
Nhận thức và nghèo đói không liên quan với nhau. Có người nghèo nhưng vẫn giữ lòng tự trọng, còn một số người rất thừa tiền nhưng lại thiếu ý thức. Nguyên nhân chính ở đây là giáo dục kém từ gia đình đến xã hội. (NPA)
Nhìn những cảnh như vậy thì giáo viên như chúng tôi dù có phép lạ cũng không thể giáo dục học sinh thành những học trò ngoan khi mà những người lớn, cha mẹ của chúng làm vậy. Đừng đổ lỗi cho giáo dục mà hãy tự nhìn lại mình đã làm gương cho các em hay chưa. (Nguyen Robert)
Việt Nam mình cần phải cải thiện và tu dưỡng đạo đức nhiều. Vì có tính như vậy nên Việt Nam vẫn còn nghèo là phải. (Tran Vi)
Còn đâu khí phách hiên ngang hi sinh vì nước vì đồng bào của các cụ ngày xưa nữa... Con người bây giờ làm hoen ố hình ảnh đẹp ngày xưa mất rồi. (bhtv )
Khi nào người dân Việt chúng ta biết tự trọng thì lúc đó đất nước Việt Nam sẽ vươn lên hàng đầu của thế giới. (Người nhiễu sự)
Chắc không ai '' nghèo '' gì mấy trái dưa hấu . Nhìn chung , không mấy ai '' vượt qua '' chính mình nên mới hành động khó coi như vậy . (3 Xị)
Người ta bị nạn không giúp được thì thôi,chớ nỡ lòng nào mà làm như vậy. (Hai Sài Gòn)
Đâu rồi tinh thần tương thân tương ái của người VN mình nhỉ.Thấy người ta bị nạn không giúp thì thôi, nỡ lòng nào.... Hy vọng đây chỉ là thiểu số. (Ham Vui)
Tại sao mọi người lại có hành động này, sao không nghĩ đến người bị nạn, đấy cũng là mồ hôi nước mắt người ta. Hãy đặt mình vào địa vị người bị nạn đi. Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Thật đáng buồn! (Hoanghoa)
Mất hết thể diện. Không chạy lại giúp người ta thì thôi. Mà nhìn mấy người lấy dưa có ai nghèo khổ đến mức không có tiền mua dưa đâu. Mong đây sẽ là những hình ảnh cuối cùng về hành động thiếu trách nhiệm này. Vì mình vẫn còn tự hào là người Việt Nam lắm. Đừng làm mất mặt Việt Nam thêm nữa! (SaiGon).

Không có nhận xét nào: