Trang

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Chuyện thầy cô

Nguyễn Quang Lập

Bạn bè học cùng lớp lâu ngày mình có khi quên, có đứa quên biến, nhắc mãi mới nhớ. Nhưng thầy cô thì không bao giờ quên, dù chỉ dạy dăm ba tiết cũng không quên, đặc biệt là thầy cô thời phổ thông. Mình dần dần kể chuyện thầy cô cho vui, chỉ kể vui thôi chứ không có ý gì. Phàm là thầy cô, dù dạy ít dạy nhiều, dạy hay dạy dở mình đều kính trọng cả, không bao giờ dám xem thường.Cô giáo đầu đời của mình là cô Lý, dạy vỡ lòng. Hồi xưa muốn vào học cấp 1 đều phải qua lớp học chữ là lớp vỡ lòng, lớp này đều do làng xã tự mở không thuộc quản lý của phòng giáo dục huyện, lương lậu do làng xã trả, Nhà nước không trả. Thị trấn quê mình có ba bốn lớp vỡ lòng đều học ở đình làng, cô  Lý dạy lớp mình. Hình như cô không qua trường lớp sư phạm nào, cô quê ở Nghệ An theo chồng về Thị trấn, dạy thuê lớp vỡ lòng cho Thị trấn, lương tháng 20 đồng.
Chồng cô là thầy Tam hay thầy Tăng gì đấy, quên mất rồi. Thầy dạy cấp 2 ở gần nhà mình. Mình chỉ nhớ thầy cao cao gầy gầy, chuyên ngồi xổm trên ghế, ăn cơm uống nước chấm bài đọc báo… làm gì cũng ngồi xổm. Thỉnh thoảng thầy đánh hắng một tiếng rõ to, như là sắp nói một điều gì đó  rất quan trọng, nhưng thầy chẳng nói gì cả, có lẽ đó là thói quen khó sửa của thầy.
Khi nào mình đến chơi, thầy cứ ngồi xổm nhìn mình lừ lừ, nói thằng ni trôốc ( đầu) to gớm bay. Thấy thò tay búng chim mình một phát, nói ưa làm con rể thầy không. Hôm nào cũng chừng đó rồi quên mình ngay, kể cả khi mình chào về thầy cũng không ừ hử.
Cô Lý da trắng, mặt hơi nhiều tàn nhang, mắt lá răm, hai lúm đồng tiền sâu hoắm. Mỗi khi cô cười chẳng thấy mắt cô đâu, chỉ thấy hai lúm đòng tiền hồng tươi giật giật. Cô hiền khô, chả thấy khi nào cô quát mắng học trò, lớp ồn ào, cô lấy thước gõ gõ lên bảng, nói yên yên. Ồn ào bao nhiêu cô cũng chỉ gõ thước nói yên yên, không bao giờ to tiếng. Đứa nào nói hỗn, cô dừng lại nhìn đứa đó rất lâu, nói em nói chi rứa em. Cô khẽ thở ra lắc đầu, quay lên bảng giảng tiếp. Tức lắm thì cô khóc, khi cúi mặt khóc khi quay lên bảng vừa viết vừa khóc chứ cũng chẳng nói năng gì.
 Mình biết chữ lúc 4 tuổi nhưng đến 7 tuổi ba mình mới cho đi học vỡ lòng. Anh em nhà mình đều tuổi ấy mới được đi học chứ chẳng riêng mình. Ba mình cũng là thầy, ông dạy chính trị kinh tế ở cấp 3 sau đó ỏ trường trung học sư phạm tỉnh. Ông phản đối kịch liệt việc cho con đi học sớm. Ông luôn nói con nít 5, 6 tuổi còn dại, đó là tuổi chơi, không phải tuổi học. Bắt con nít tuổi đó đi học vừa khổ thân chúng nó mà kết quả nhất định không cao.
 Để làm gương cho mọi người, con cái ông đều 7 tuổi mới được đến trường. Ông làm gương mãi mà chẳng có ai noi gương ông, con nít trong Thị trấn Ba Đồn 5, 6 tuổi đều  được bố mẹ cho đi học cả. Đứa nào đi học muộn chỉ vì hoàn cảnh gia đình hoặc vì một lý do nào đó buộc phải đi học muộn chứ chả phải người ta nghe theo ông. Đến bây giờ khi mình bằng tuổi ba mình thời đó thì mình mới thấy ông đúng. Vì đi học muộn, anh em nhà mình đều khôn hơn bạn cùng lớp, tiếp thu nhanh, học rất nhàn mà vẫn luôn luôn nhất nhì lớp. Khổ thân mấy đứa con nít nói còn ngọng líu ngọng lo,  ăn uống còn chưa thạo, có đứa còn chả biết mặc áo quần lại phải đánh vần viêt chữ, làm toán làm tính.
 Nhưng với mình thì có lẽ ba mình đã không đúng. Cũng chẳng giỏi giang quái gì đâu, chẳng qua trời cho mình khôn sớm. Mình khôn hơn bạn bè cũng tuổi rất nhiều. Bốn tuổi đã biết chữ, năm tuổi đã đọc thông viết thạo, cộng trừ đến số 20 khá dễ dàng, thế mà đến bảy tuổi mới được cắp sách tới trường, lại phải học lớp vỡ lòng vì không có chứng nhận đã qua lớp vỡ lòng chẳng ai cho lên lớp một.
Với mình bảy tuổi ngồi lớp hai là vừa sức, đằng này phải ngồi lớp vỡ lòng, chán ốm. Đến lớp chẳng phải học gì, học gì nữa, những gì cô giáo dạy mình đã biết hết rồi. Mình ngồi ngáp vặt, ngủ vật vờ từ đầu buổi đến cuối buổi. Khi tỉnh táo thì chọc ghẹo bạn bè, thấy chúng nó cố rặn ra để đánh vần mình vênh váo cười chê chúng nó ngu. Thế là cãi nhau, đánh nhau. Lắm khi  cô Lý khóc vì mình.
Ở gần nhà mình nên cô biết mình ngoan, ít khi hỗn hào chọc ghẹo ai. Cô rất ngạc nhiên từ khi đi học mình đâm ngỗ ngáo, kiêu căng vô lối. Sau tìm ra lý do, cô cho mình làm lớp trưởng, sai mình làm “trợ lý” cho cô, khi thì viết mẫu, khi thì đánh vần, đặc biệt  được cô cho đứng đọc mẫu từng câu cho các bạn đồng thanh đọc theo. Hi hi, rất thích. Thỉnh thoảng cô bận việc chạy đi đâu đó, mình được toàn quyền điều khiển lớp, y chang ông thầy cu con, oai thật là oai.
Từ đó cứ mong đến sáng để đến lớp, bao giờ mình cũng đến lớp sớm nhất, ngồi một mình nhóng cổ ra đường chờ chúng bạn để được làm thầy.  Bạn bè trong lớp cũng nể. Mình sai chúng nó lau bảng, lấy phấn, quét dọn vệ sinh không đứa nào dám cãi lại, hết thảy đều nghe răm rắp. Mỗi khi lớp có chuyện gì cô lại nói lớp trưởng mô rồi, mình đứng vụt lên oai như ông lý trưởng. Bây giờ già khú, tóc bạc da mồi nghĩ lại chuyện đó vẫn sướng củ tỉ, he he.
Vào những ngày cuối cùng lớp vở lòng thì xảy ra chuyện quá buồn. Chừng mười giờ sáng, cả lớp đang học bỗng kẻng báo động vang lên ầm ầm. Cháy lớn ở trường cấp II, người lớn thi nhau chạy về phía đó. Cô Lý ở khu tập thể sát sau trường, nghe vậy bèn vội vàng bỏ lớp chạy về. Cô dặn mình phụ trách lớp giúp cô, đúng giờ mới cho về, không được về sớm. Mình bày trò dạy như cô dạy, cũng đọc mẫu, cũng bắt cả lớp đồng thanh, gọi đứa này đứa kia lên bảng đánh vần rồi cho điểm. Tất nhiên không dám ghi điểm vào sổ điểm của cô, chỉ giả vờ ghi thôi, thế mà chúng nó cũng tin. Mình rất ghét con gái, hồi đó sao mà ghét con gái thế không biết, hi hi. Bất kể đánh vần thế nào, viết chữ ra sao, nếu là con gái mình đều cho điểm không điểm một. Con trai đứa nào không cho mình ăn quà mình cũng phết cho điểm một điểm hai. Chúng nó nhao nhao phản đối ầm ầm, nói ê ê láo láo, thầy rứa mà thầy à. Mấy đứa con gái chĩa mông về phía mình vỗ vỗ, nói ẻ vô học với thằng Lập, ẻ ẻ quẹt quẹt.
Bỗng có ai đó hét ngoài sân, nói chồng cô Lý chết rồi. Mình vọt ngay ra cửa, cả lớp cũng ùa chạy theo sau, sách vứt đấy không đứa nào kịp mang theo. Tụi mình chạy về trường cấp II, ba dãy nhà của trường cháy rụi, khói hãy còn nghi ngút. Người ta không cho con nít vào xem, đuổi như đuổi tà. Không thấy cô Lý đâu, cũng không thấy ai chết. Chỉ nghe nói chết 4 người, trong đó có thầy Tam chồng cô Lý. Thầy leo lên mái nhà cắt tranh, dập lửa. Chẳng may đạp phải đòn tay mục, gãy, thầy rơi xuống đất, trúng ngay đống lửa đang cháy rất to.
Tuần sau mới thấy cô Lý quay lại lớp, đó là ngày cuối cùng của lớp vỡ lòng tụi mình. Cô mặc áo trắng, đeo băng tang đen ở ngực. Cô mỉm cười, nói cô vui mừng báo tin các em, tất cả lớp ta đều được lên lớp một. Cô chỉ nói câu đó thôi rồi mím môi im bặt, nhìn hết lượt cả lớp, nhìn rất lâu, nói  cô chào các em. Và cô bật khóc, khóc rất to. Lần đầu tiên cô khóc mà không cúi mặt, không quay  mặt lên bảng, không lén lau nước mắt. Cũng là lần cuối cùng mình thấy cô. Sau đó cô mang con về quê, từ bấy đến nay mình chưa bao giờ gặp lại.


Không có nhận xét nào: